“Giải tỏa” các vướng mắc trong xử lý tội phạm về bảo hiểm
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì phiên họp. |
Hướng dẫn áp dụng thống nhất 3 tội về bảo hiểm
Báo cáo của Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (TANDTC) cho biết, trong 5 năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH các địa phương đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh là tội gian lận BHXH, BHTN; tội gian lận BHYT; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Việc bổ sung đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Tuy vậy, Bộ luật Hình sự 2015 vẫn còn nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Vì vậy, để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết gồm 8 điều, hướng dẫn về một số tình tiết định tội, về một số tình tiết định khung hình phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể, xác định thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự, xác định tư cách tham gia tố tụng của cơ quan BHXH. Quá trình tham vấn với dự thảo Nghị quyết, có ý kiến đề nghị hướng dẫn cả Điều 213 Bộ luật Hình sự vì tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm cũng nằm trong nhóm tội về bảo hiểm và có kết cấu điều luật tương tự như các Điều 214 – 216 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, các vấn đề cũng còn có ý kiến khác nhau cần Hội đồng Thẩm phán cho ý kiến là việc xử lý trường hợp người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN, thẻ BHYT về 1 tội hay 2 tội; xác định tư cách tham gia tố tụng của cơ quan BHXH (là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hay là bị hại trong vụ án)…
Đáp ứng yêu cầu của nhân dân
Tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề cập đến việc xử lý trường hợp người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN, thẻ BHYT về 1 tội hay 2 tội. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phân tích: Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn trong trường hợp người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ bảo hiểm, thẻ bảo hiểm để chiếm đoạt tiền bảo hiểm, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại các Điều 214 và 215 của BLHS, người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu dấu của cơ quan, tổ chức.
Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của cơ quan BHXH cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau tại phiên họp. Bên cạnh một số ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo Nghị quyết khi xác định cơ quan BHXH là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi lại chọn phương án phải coi cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. Ông Lợi lý giải, hành vi trốn đóng theo Điều 216 sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, làm thất thoát quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Với trách nhiệm “quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BHTN” theo quy định của pháp luật, nhất là trách nhiệm quản lý đảm bảo an toàn, cân đối quỹ, việc xác định cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách bị hại là phù hợp.
Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận Điều 213 nằm trong nhóm tội về bảo hiểm nhưng sự bức xúc liên quan đến các vấn đề bảo hiểm lại không thuộc hành vi phạm tội tại Điều 213. Chánh án cho rằng phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết không bao gồm hướng dẫn Điều 213 bởi nhân dân và Quốc hội yêu cầu hướng dẫn xử lý hành vi lấy tiền bảo hiểm của người lao động, còn việc xử lý các tổ chức kinh doanh bảo hiểm lại là câu chuyện khác.
Vấn đề xử 2 tội hay 1 tội đối với hành vi làm giả hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN, thẻ BHYT, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị để 2 phương án để Hội đồng Thẩm phán tiếp tục thảo luận, hướng dẫn tùy từng trường hợp. Đối với xác định tư cách của cơ quan BHXH, theo Chánh án, cần căn cứ vào vai trò của cơ quan BHXH trong từng vụ án, có trường hợp sẽ là bị hại nếu bị lấy tiền từ quỹ BHXH nhưng cũng có trường hợp tiền chưa vào quỹ BHXH thì BHXH không phải là bị hại, khi ấy người lao động mới là bị hại.
Ý kiến ()