Giải tỏa áp lực lạm phát
Một trong những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cùng với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Kết quả này đã tạo điều kiện rất lớn để nước ta phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bảo đảm tốt hơn đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng có biến động lớn.
Thảo luận về kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, những thành công của kinh tế-xã hội nước ta không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của sự kiên định chủ trương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, không chạy theo mục tiêu tăng trưởng nóng; sự điều hành linh hoạt kết hợp một cách uyển chuyển giữa chính sách tài khóa và tiền tệ; phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, thích ứng với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nhìn nhận, dự báo năm 2023, kinh tế thế giới phải đối mặt với nguy cơ đầy thách thức vào vòng xoáy lạm phát và suy thoái. Nguy cơ bắt nguồn từ đứt gãy các chuỗi sản xuất, khủng hoảng tài chính và diễn ra đồng loạt ở nhiều trung tâm lớn trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, làm thế nào để chúng ta vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của thế giới là một bài toán khó cần phải tìm ra lời giải.
Nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư |
Thực tế, trong thời gian qua, lãi suất điều hành đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh, giúp các tổ chức tín dụng có thể huy động thêm nguồn vốn, bảo đảm thanh khoản và cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc nâng lãi suất cũng kéo theo chi phí vốn huy động, lãi suất cho vay tăng, gây sức ép lên lạm phát, giá cả hàng hóa. Bên cạnh đó, việc bảo đảm nguồn cung cho thị trường đóng vai trò rất quan trọng để ổn định giá cả, nhất là hạn chế nguy cơ ảnh hưởng từ đứt gãy chuỗi sản xuất trên thế giới. Để thực hiện mục tiêu này, thị trường trong nước cần được xác định là bệ đỡ cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này vừa giúp doanh nghiệp bảo đảm đầu ra, duy trì ổn định sản xuất vừa cung ứng kịp thời hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, tránh hiện tượng “té nước theo mưa”, lạm phát tâm lý.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, cùng với khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cần phải tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước. Muốn như vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất trước những tác động bất lợi của kinh tế thế giới. Trong đó, cần mở rộng chính sách tài khóa với các công cụ về thuế, phí, tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn ưu đãi. Thậm chí, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, mục tiêu thu ngân sách của năm 2023 không nên đặt quá cao để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa. Đồng thời, cần công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp chủ động trong chuẩn bị các phương án sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ý kiến ()