Giải thưởng Sách quốc gia năm 2024: Cần cân đối tiêu chí chuyên môn và thị trường
Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ bảy, năm 2024 sẽ có thêm Giải thưởng ở hạng mục Sách được bạn đọc yêu thích nhằm tôn vinh những cuốn sách có chất lượng tốt, ghi dấu ấn về số lượng phát hành và có đông đảo bạn đọc.
Đây được coi là một trong những điểm mới của Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ bảy. Cụ thể, Giải thưởng Sách được bạn đọc yêu thích có thể thuộc bất cứ mảng nào trong số 5 mảng, gồm: Chính trị, kinh tế; khoa học tự nhiên và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa; văn học và nghệ thuật; thiếu nhi. Các tác phẩm đề cử ở hạng mục giải này một phần sẽ do bạn đọc quyết định, cùng với sự đánh giá khách quan về nhiều yếu tố khác, như: Tính khoa học, thực tiễn, thẩm mỹ... từ hội đồng chuyên môn.
Tại hội nghị quán triệt các quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Điều lệ, Quy chế Giải thưởng Sách quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên chia sẻ: Các cuốn sách được trao giải trước đây nhiều cuốn mang tính hàn lâm và còn xa lạ với công chúng; một số cuốn là sách đặt hàng, không phổ biến trên thị trường… Trong khi đó, theo tiến trình thời gian, Giải thưởng Sách quốc gia muốn vươn tới sự gần gũi với bạn đọc, với thị trường thể hiện qua những cuốn sách được thị trường đánh giá cao. Tất nhiên, các tác phẩm được trao Giải thưởng Sách được bạn đọc yêu thích phải bảo đảm sự hài hòa giữa giá trị thị trường với chất lượng nội dung, hình thức. Sự điều chỉnh này được giới chuyên môn đánh giá là phù hợp, song, vẫn cần chờ đợi kết quả cụ thể để có thể nhìn nhận một cách tổng quan về hiệu quả.
Bên cạnh đó, Giải thưởng Sách quốc gia năm nay cũng có sự thay đổi trong cơ cấu giải. Số lượng giải thưởng tăng ở cả 5 mảng sách; trong đó, giải A được tăng từ một lên hai giải cho mỗi mảng sách. Ban Tổ chức cho rằng, những năm gần đây lượng sách dịch tham gia dự giải tăng mạnh, nhiều giải cao được trao cho sách dịch của tác giả nước ngoài cho nên việc phát hiện và trao thêm cơ hội cho các cuốn sách của tác giả Việt là điều cần thiết. Các giải B, C, Khuyến khích cũng được tăng số lượng giải. Ngoài ra, năm nay, sẽ có tặng thưởng cho biên tập viên, họa sĩ có đóng góp trực tiếp vào cuốn sách, bộ sách đoạt giải cao.
Tại hội nghị, đại diện các nhà xuất bản, đơn vị liên kết đã đưa một số ý kiến, đóng góp xây dựng cho Giải thưởng Sách quốc gia và nêu các vấn đề còn hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, giải thưởng tầm cỡ, uy tín thì cần thiết phải có một nền tảng tin tức riêng nhằm bảo đảm thông tin chính xác, cập nhật đến báo chí, truyền thông và bạn đọc theo cách chủ động, độc lập. Nền tảng riêng này còn thuận tiện, giúp cho quá trình đánh giá theo tiến trình các mùa giải vừa tổng quát, vừa chi tiết. Hiện, Giải thưởng Sách quốc gia chưa có nền tảng tin tức riêng, những mùa giải trước phải cập nhật gián tiếp thông qua các nền tảng báo chí khác và khi có sự thay đổi ở các nền tảng này thì vấn đề tra cứu, tìm hiểu thông tin trở nên bất cập.
Một số nhà xuất bản, công ty sách bày tỏ: Sau lễ trao giải thưởng, có hiện tượng tranh cãi, mâu thuẫn giữa các nhóm thực hiện nội dung sách về việc chia tỷ lệ giải thưởng được cho là chưa thỏa đáng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết, tính liên kết mà còn khiến việc truyền thông cho tác phẩm đoạt giải thiếu tính thống nhất hoặc bị ngưng trệ. Thí dụ, có những tác phẩm dịch, phần hiệu đính có vai trò, đóng góp quan trọng nhưng khi có giải thưởng thì người hiệu đính không được ghi nhận. Đóng góp về giải pháp, các chuyên gia cho rằng, để áp dụng một hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho việc này là điều rất khó. Tuy nhiên, các đơn vị xuất bản, phát hành có thể xem xét ngay từ khâu ký hợp đồng, thỏa thuận in ấn, hướng đến sự chặt chẽ, thỏa đáng với tác giả/nhóm tác giả, trong đó có mục quy định về tỷ lệ chia giải thưởng.
Đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông cũng đưa ra kiến nghị: Trước và trong thời gian diễn ra lễ trao giải thưởng, các đơn vị xuất bản, phát hành thường khá tích cực, nhưng sau khi đoạt giải, nhiều đơn vị tỏ ra thiếu chủ động, thờ ơ, không phối hợp trong việc quảng bá, lan tỏa đến bạn đọc theo hướng chuyên sâu. Điều này tạo nên nhiều sự hụt hẫng, khoảng trống nhất định. Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành đồng tình với phản ánh này, đồng thời nêu thêm hiện tượng khá phổ biến: Có những đơn vị xuất bản, phát hành còn chưa quan tâm tới Giải thưởng Sách quốc gia, thậm chí khi biết thông tin, được gợi ý tham gia vẫn “lười” gửi các bản sách tới Ban Tổ chức để tham dự. Dù chưa biết lý do cụ thể cho từng trường hợp, song, các hiện tượng này bị đánh giá là thiếu trách nhiệm, thiếu khát vọng và cũng cần có thêm nhiều hướng kết nối, lan tỏa để giải thưởng thật sự tạo nên sức hút xứng tầm hơn ■
Ý kiến ()