Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a, mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ 19, Xô-phi-a Cô-va-lép-xcai-a (1850-1891). Bà là phụ nữ đầu tiên trong kỷ nguyên cận đại được nhận bằng tiến sĩ Toán học, được phong hàm giáo sư đại học và được bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Đế chế Nga. 25 năm qua, đã có gần 50 tập thể, cá nhân nữ Việt Nam được nhận Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a.
Đây là nguồn động viên tinh thần lớn lao, giúp các nhà khoa học nữ Việt Nam phấn đấu có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị kinh tế – xã hội, được ứng dụng trong thực tiễn.
“Chìa khóa vàng để Việt Nam hội nhập”
Năm 1992, bước sang tuổi 52, bà Nguyễn Thị Anh Nhân, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bia Việt Hà, được nhận Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a với nhiều sáng kiến về nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong thực tiễn có giá trị hàng chục tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước, gồm các công trình nghiên cứu, ứng dụng: sản xuất nước chấm; thiết kế, chế tạo dây chuyền cơ giới tự động hóa, giải phóng sức lao động cực nhọc, độc hại cho công nhân, chống ô nhiễm môi trường… Sau khi nhận giải thưởng cao quý, không tự bằng lòng với mình, bà Nhân vẫn miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, tiếp tục có nhiều sáng kiến cải tiến khoa học ứng dụng vào sản xuất, trong đó có công trình nghiên cứu thiết kế nồi lên men sản xuất bia (năm 1994) giúp cho các nhà máy bia không phải nhập nồi lên men (rẻ được 2/3 so với giá thành nhập từ nước ngoài); sáng kiến làm nồi tách lọc bia, được nhận giải thưởng VIFOTEC. Đây là sản phẩm đắt nhất trong dây chuyền sản xuất bia (sáng kiến này cũng hạ được một nửa giá thành sản phẩm so với nhập từ nước ngoài). Song, nổi bật nhất vẫn là sáng kiến thành lập Hội mã số mã vạch (MSMV) Việt Nam của bà Nguyễn Thị Anh Nhân. Đây có thể coi là “chìa khóa vàng” giúp Việt Nam hội nhập.
Bà Nhân kể rằng, năm 1993, bà mang bia Halida của Công ty Việt Hà sang Bắc Kinh (Trung Quốc) giới thiệu, thì được các doanh nghiệp bên đó trả lời: Bia 333 của Việt Nam đã đưa sang nước chúng tôi, nhưng vì chưa có MSMV nên không được giới thiệu, trưng bày sản phẩm. Vậy là bà Nhân tìm tài liệu nghiên cứu và hiểu được tầm quan trọng của MSMV trên hàng hóa. Như vậy, nếu sử dụng MSMV, doanh nghiệp có thể nâng cao được giá trị thương phẩm, bảo vệ được nhãn hiệu của mình trên thị trường quốc tế và khẳng định chất lượng, uy tín của mỗi doanh nghiệp. Mặt khác, hàng hóa của doanh nghiệp nào có MSMV, coi như đã được Nhà nước đó bảo hộ. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, nếu sản phẩm không có MSMV thì không thể trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài và không thể tiêu thụ được. Với khát vọng cháy bỏng, mơ ước muốn bảo vệ và xuất khẩu hàng hóa không chỉ cho công ty mình mà còn là quyền lợi chính đáng cho nhiều doanh nghiệp khác, bà Nguyễn Thị Anh Nhân đã vận động nhiều doanh nghiệp thành lập Hội MSMV Việt Nam và báo cáo Chính phủ cho phép hoạt động. Bà Nhân được bầu là Chủ tịch Hội đồng MSMV Việt Nam. Theo yêu cầu của Việt Nam, Hội mã số vật phẩm quốc tế (EAN quốc tế) ở Brúc-xen (Bỉ) đã gửi các tài liệu hướng dẫn những yêu cầu và điều kiện bắt buộc để Việt Nam được kết nạp là hội viên của EAN quốc tế. Trải qua nhiều thủ tục, đáp ứng đủ các điều kiện, năm 1995, EAN Việt Nam đã trở thành hội viên của EAN quốc tế có đầu số: 893 (Nhật Bản là 45 và 49; Xin-ga-po là 888; Đan Mạch là 57…). Hiện ở Việt Nam ngày càng có nhiều cửa hàng, siêu thị lớn yêu cầu trên nhãn hàng hóa phải có MSMV, để thuận tiện trong kiểm kê và sử dụng máy quét đọc MSMV trên nhãn hàng hóa giúp cho việc thanh toán nhanh, chính xác và quản lý kho của từng siêu thị, doanh nghiệp. Đây có thể coi là “chìa khóa vàng” giúp hàng hóa Việt Nam hội nhập với thế giới. Năm 1997, bà Nguyễn Thị Anh Nhân về hưu, nhưng vẫn được bầu là Chủ tịch danh dự Hội MSMV Việt Nam, Chủ tịch danh dự liên doanh Bia Đông-Nam Á…
“Trâm mười tỷ”
Được hỏi về những thất bại, những nhọc nhằn đã vượt qua để nghiên cứu thành công giống lúa lai làm nên thương hiệu “Trâm mười tỷ” GS, TS Nguyễn Thị Trâm ứa nước mắt. Bà lặng đi trong giây lát rồi nghẹn ngào kể: Năm 1993, đi học lúa lai ở Trung Quốc về, tôi mang trong mình niềm tin mãnh liệt: Mình sẽ làm được giống lúa lai cho năng suất cao ở Việt Nam. Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp vừa khích các nhà khoa học Việt Nam vừa trao giải: “Các cậu là những nhà chọn giống mà không làm được lúa lai cho Việt Nam là hèn. Tớ tuyên bố, nếu ai làm được sẽ có tiền thưởng”. Vừa tự ái, vừa như được Bộ trưởng tiếp thêm sức mạnh, GS, TS Nguyễn Thị Trâm ngày đêm lao vào nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Đến năm 1996, bà cùng GS, TS Hoàng Tuyết Minh mỗi người nộp được 15 kg thóc giống lúa lai. Hạt giống cùng được gieo tại hai thửa ruộng liền kề ở tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Một tuần sau Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn cùng đoàn kiểm tra của bộ và bên khuyến nông đi hội nghị đầu bờ. Thấy cả hai thửa ruộng lúa lai tốt mơn mởn, hạt to tròn và mẩy, ông mừng lắm và tuyên bố thưởng cho hai nhà khoa học nữ, mỗi người một triệu đồng. Kể đến đây, GS, TS Trâm dừng câu chuyện hồi tưởng: Hồi đó một triệu đồng to lắm, nếu mua vàng thì được ối chỉ.
Thế nhưng niềm vui ngắn “chẳng tày gang” thì GS, TS Nguyễn Thị Trâm nhận được tin của bên khuyến nông báo về: Bà con ở Hà Tây đang kêu ầm lên, bông lúa vẫn đang xanh nhưng lá đã bị bệnh bạc má. Lúc này lúa kết hạt lưng lửng, nhưng cứ xát vào tay thì hạt lúa vụn ra thành cám. Cả ruộng lúa đang chuyển dần sang mầu vàng… Vừa xấu hổ, vừa buồn, GS, TS Trâm bèn gọi điện nói với các cán bộ khuyến nông nhờ trả lại tiền thưởng tới Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn và được ông trả lời: “Đây là tôi thưởng cho người làm ra giống lúa lai. Chứ giống này có ai công nhận, khảo nghiệm đâu mà lo. Thất bại thì trên bộ đền bà con nông dân”. Những ngày tiếp theo, GS, TS Trâm âm thầm nghiên cứu tỷ mỷ từ lượng gió, nhiệt độ, độ ẩm và môi trường đất… thích hợp với giống lúa lai. Cho đến năm 2003, giống lúa lai TH-33 được GS, TS Trâm nghiên cứu thành công và được bà con nông dân ở nhiều tỉnh miền bắc như: Nam Định, Thái Bình, Yên Bái… trồng cho năng suất cao, giống lúa khỏe, chịu được thời tiết khắc nghiệt. Và mừng hơn cả là Công ty TNHH Cường Tân, ở Trực Ninh (Nam Định) do ông Đoàn Văn Sáu là giám đốc đã mua bản quyền giống lúa lai này với giá mười tỷ đồng.
Ở tuổi 66, GS, TS Nguyễn Thị Trâm vẫn tận tình dìu dắt lớp kỹ sư trẻ của Phòng Công nghệ lúa lai, thuộc Viện Sinh học Nông nghiệp kế tục và phát huy những thành quả về lúa lai. Chúng tôi thật sự bất ngờ khi thầy Nguyễn Ích Tân, giảng viên, Trưởng phòng tổ chức cán bộ Đại học Nông nghiệp Hà Nội, thông báo: “Ít hôm nữa, chúng tôi sẽ tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, do Chủ tịch nước ký ngày 22-12-2009, tặng GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Trâm.
Và người đầu tiên được nhận Giải Cô-va-lép-xcai-a
Tròn 80 tuổi, mái tóc bạc trắng như cước, GS Bùi Thị Tý, nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 2, người đầu tiên được nhận Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a khẽ đưa tay chấm nước mắt khi nghe chúng tôi hỏi chuyện. Bà chậm rãi: “Giải thưởng là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao, nhắc nhở các nhà khoa học nữ và đội ngũ cán bộ nữ làm quản lý khoa học không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức để cống hiến được nhiều hơn”.
Đây cũng là suy nghĩ chung của các nhà khoa học nữ được nhận Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a, tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Quỹ Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a tại Việt Nam.
Ý kiến ()