Việc các nhà thầu ngành giao thông vận tải (GTVT) bị "loại khỏi sân chơi", không có cơ hội tham gia các dự án ODA lớn do bất cập trong đấu thầu đã khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn lớn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia ngành giao thông, đây là tác nhân không nhỏ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và chất lượng các dự án, công trình giao thông.Nhà thầu nội "chầu rìa"Theo Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT), ngành GTVT hiện đang triển khai gần 40 dự án ODA, tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD. Các nhà tài trợ đến từ JICA (Nhật Bản), WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á), EDCF (Hàn Quốc),... Trừ nguồn vốn của JICA cho phép tất cả các nhà thầu trong nước có quyền tham gia đấu thầu (ngoài vốn vay đặc biệt STEP có điều khoản ràng buộc), còn lại, hầu hết các nhà tài trợ đều có những quy định ngặt nghèo về nhà thầu xây lắp, đặc biệt là WB và ADB - hai nhà tài trợ lớn ở lĩnh vực giao thông....
Việc các nhà thầu ngành giao thông vận tải (GTVT) bị “loại khỏi sân chơi”, không có cơ hội tham gia các dự án ODA lớn do bất cập trong đấu thầu đã khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn lớn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia ngành giao thông, đây là tác nhân không nhỏ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và chất lượng các dự án, công trình giao thông.
Nhà thầu nội “chầu rìa”
Theo Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT), ngành GTVT hiện đang triển khai gần 40 dự án ODA, tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD. Các nhà tài trợ đến từ JICA (Nhật Bản), WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á), EDCF (Hàn Quốc),… Trừ nguồn vốn của JICA cho phép tất cả các nhà thầu trong nước có quyền tham gia đấu thầu (ngoài vốn vay đặc biệt STEP có điều khoản ràng buộc), còn lại, hầu hết các nhà tài trợ đều có những quy định ngặt nghèo về nhà thầu xây lắp, đặc biệt là WB và ADB – hai nhà tài trợ lớn ở lĩnh vực giao thông. Các nhà tài trợ không cho phép các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT tham gia đấu thầu các dự án do bộ hoặc một đơn vị trực thuộc thực hiện. Điều này đã biến các tổng công ty xây lắp giao thông và các công ty có vốn nhà nước chi phối thuộc Bộ GTVT đứng “chầu rìa” hàng loạt dự án giao thông lớn. Các nhà thầu trong nước đành chấp nhận làm thầu phụ cho nhà thầu nước ngoài, điển hình như tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, gồm tám gói thầu xây lắp, các nhà thầu Hàn Quốc chiếm sáu gói, ngoài ra, các dự án ODA lớn khác như cầu Nhật Tân, đường vành đai III giai đoạn 2,… chủ yếu do các nhà thầu quốc tế làm nhà thầu chính.
Hiện nay, các dự án vốn trong nước gặp nhiều khó khăn, tình trạng công nhân mất việc ngày càng nhiều, các doanh nghiệp không được tham gia các dự án ODA là một bất cập lớn. Tổng Giám đốc Cienco 4 Lê Ngọc Hoa khẳng định, các Cienco là những nhà thầu chuyên nghiệp, qua quá trình xây lắp ngành giao thông hàng chục năm đã xây dựng cho mình thương hiệu lớn, có uy tín. Tuy nhiên, các Cienco vẫn không có nổi “một khe cửa hẹp” để lách vào tham gia các dự án ODA ngay từ khi ký hiệp định vốn với các nhà tài trợ, đành phải đi làm thuê, lấy tiền nhân công và thiết bị, lợi nhuận chính thuộc các nhà thầu quốc tế. Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam Nguyễn Ngọc Long cho biết, từ trước đến nay, nhiều nhà tài trợ có quy định riêng về các tiêu chí lựa chọn nhà thầu thi công dự án ODA giao thông. Điều này đã loại toàn bộ các nhà thầu trong nước không được tham gia, nhường lại “sân chơi” cho các nhà thầu quốc tế. Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm là nhiều nhà thầu nước ngoài khi thi công các dự án giao thông ở nước ta cũng tỏ ra yếu kém về năng lực, không tương xứng với những hồ sơ khi bỏ thầu các dự án giao thông, vẫn chỉ ăn đong, trông chờ tạm ứng, thanh toán của chủ đầu tư để thi công.
Những bất cập nêu trên vô hình trung đã khiến thị trường xây lắp giao thông trong nước trở nên méo mó. Các doanh nghiệp ngành GTVT đang trông chờ những cơ quan chức năng sớm có giải pháp cải thiện tình trạng này. Bộ GTVT cũng đang nỗ lực đàm phán với các nhà tài trợ, đặc biệt là WB và ADB nhằm nới lỏng những quy định về lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước.
Cần xem xét, sửa đổi Luật Đấu thầu
Hiện nay, việc đánh giá và thẩm định kết quả hồ sơ dự thầu chủ yếu dựa trên những tiêu chí trong hồ sơ mời thầu. Dù các tiêu chí này đã được xây dựng trên cơ sở các quy định yêu cầu tối thiểu về năng lực nhà thầu, nhưng việc áp dụng vào thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo một số chuyên gia ngành giao thông, đối với các gói thầu vốn ODA, có trường hợp giá đề nghị trúng thầu của nhà thầu vượt giá dự toán được duyệt, sau khi đánh giá và thẩm định, bên mời thầu đã báo cáo nhà tài trợ và được chấp thuận, nhưng theo quy định của Luật Đấu thầu, việc này lại không phù hợp và sau đó, khi thanh tra, kiểm toán, sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó giải trình. Một vướng mắc khác trong công tác đấu thầu, thời gian qua, nhiều trường hợp nhà thầu được phê duyệt trúng thầu, nhưng quá trình triển khai đã thể hiện năng lực yếu về tài chính, kinh nghiệm và nhân sự, tiến độ thi công chậm và chất lượng kém. Lẽ ra, nhà thầu này phải bị thay thế, loại bỏ từ dự án đó về sau của chủ đầu tư công trình. Nhưng thực tế, sau một thời gian ngắn, các nhà thầu này lại vẫn được tiếp tục tham gia đấu thầu dự án của chủ đầu tư đó và vẫn tiếp tục… trúng thầu. Trong đấu thầu, việc tính điểm thưởng, phạt các nhà thầu xảy ra hiện tượng không công bằng, nhiều nhà thầu vi phạm ở các dự án khác hoặc không trung thực lại không bị trừ điểm. Việc xác định năng lực thực tế của các nhà thầu tham gia đấu thầu là thật sự cần thiết, nhưng các quy định, văn bản pháp luật liên quan những vấn đề này thiếu chi tiết, cụ thể. Mặt khác, sự phối hợp của các cơ quan chức năng, đặc biệt là chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong đánh giá nhà thầu thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm.
Để giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu là việc không dễ dàng, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng, trong đó kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu và Nghị định 85/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu. Luật Đấu thầu cần có sự điều chỉnh, bổ sung để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tăng khả năng trúng thầu quốc tế. Nhiều quy định trong Luật Đấu thầu có một số tiêu chí dự thầu chỉ có nhà thầu quốc tế mới đáp ứng được. Nhiều quốc gia, các nhà thầu khi tham gia dự thầu ở nước ngoài, Chính phủ còn hỗ trợ, bảo lãnh một phần giá trị gói thầu đó. Trong nền kinh tế hội nhập, đấu thầu quốc tế diễn ra nhiều với những yêu cầu ngày càng cao, trong khi các doanh nghiệp xây lắp trong nước còn non kém và ít nhiều bỡ ngỡ khi “đem chuông đi đấm xứ người”. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong nước khi tham gia đấu thầu quốc tế.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề và tiến hành rà soát toàn bộ quãng thời gian thực hiện các dự án ODA, đánh giá lại những tiêu chí lựa chọn nhà thầu ngay từ hiệp định vay để điều chỉnh. Cần phải có tiêu chí khuyến khích các nhà thầu trong nước có năng lực. Nếu đủ năng lực và kinh nghiệm, phải tạo điều kiện để các nhà thầu này tham gia, nếu không được làm nhà thầu chính cũng phải là nhà thầu trong liên danh chứ không thể chỉ làm thầu phụ mãi. Bởi, sau nhiều năm tiếp nhận vốn ODA và triển khai các dự án lớn, nhiều nhà thầu trong nước đã lớn mạnh cả về năng lực lẫn kinh nghiệm thi công. Mặt khác, khi lựa chọn nhà thầu quốc tế, phải có điều kiện ràng buộc chặt chẽ trong hợp đồng về năng lực, kinh nghiệm thi công. Năng lực nhà thầu trong hồ sơ thầu cần phải thực tế, không phải “gắn mác” ngoại nhưng vẫn thi công ì ạch.
Theo Nhandan
Ý kiến ()