tle=”Giải quyết việc làm cho công nhân ở các doanh nghiệp đóng tàu”> Một góc nhà máy đóng tàu tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ, toàn diện, nhằm giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người lao động, từng bước vượt qua khó khăn, tiến tới phục hồi và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số doanh nghiệp đóng tàu, chúng tôi nhận thấy, bảo đảm việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động còn lại vẫn là vấn đề nằm ngoài tầm với của Vinashin.
Thiếu việc làm, công nhân gặp khó
Bây giờ, đến các đơn vị thành viên lớn thuộc Vinashin, các “anh cả” lừng lẫy một thời như Bạch Đằng, Nam Triệu, Phà Rừng,… tai không nghe âm vang tiếng máy, mắt không thấy chớp lóe lửa hàn như vẫn thường thấy trước đây, thay vào đó là sự im ắng. Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (CNTT) Nam Triệu (Nasico) Vũ Văn Cừ cho biết, Nasico đang đối mặt muôn vàn khó khăn. Vận tải biển thế giới ngập trong khủng hoảng, suy thoái, nỗi lo lớn nhất của Nasico là mất thị trường sản phẩm trước sự cạnh tranh ghê gớm của các quốc gia có ngành đóng tàu phát triển. Từ cuối năm ngoái trở lại đây, Nasico ký hợp đồng đóng mới sáu tàu cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), nhưng hiện tại chỉ thi công cầm chừng một tàu sức chở 56.200 tấn cho Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO), các hợp đồng khác còn lại không có vốn để thi công, thậm chí nhiều tàu đóng dở dang, hoàn thành tới 50% cũng buộc phải dừng lại. Trong khi đó, sau khi ký hợp đồng, Nasico phải vay tiền mua sắm, nhập khẩu các vật tư, thiết bị, máy móc từ nước ngoài, “chôn” một lượng vốn lớn vào vật tư, thiết bị, khó khăn chồng chất khó khăn. Thời “hoàng kim”, số lao động của Nasico tới hơn 7.000 người, hiện tại còn hơn 4.300 người, tuy nhiên do thiếu việc làm, chỉ khoảng một nửa trong số lao động này có việc làm thường xuyên, số còn lại phải nghỉ luân phiên,… Chưa dừng ở đó, sau khi hoàn thành con tàu 56.200 tấn này, Nasico sẽ cạn kiệt việc làm, trong khi thời điểm này chưa nhìn thấy chút ánh sáng le lói nào “phía cuối đường hầm”. Từ tháng 2 trở lại đây, Nasico đã nợ lương của người lao động, chủ yếu “giật gấu vá vai”, tạm ứng chút ít nhằm duy trì cuộc sống.
Tại Tổng công ty CNTT Bạch Đằng, tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn. Chủ tịch Hội đồng thành viên Lê Thị Hảo cho biết: Do không có việc làm, trong thời gian qua, Bạch Đằng buộc phải giảm lao động từ hơn ba nghìn người xuống còn 2.457 người. Trong quý I vừa qua, đơn vị tập trung hoàn tất các hợp đồng đóng tàu dở dang, nên vẫn “nhúc nhắc” đủ việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, sang đến quý II-2012, Bạch Đằng lâm vào tình trạng thiếu việc gay gắt. Các sản phẩm khác đóng cho chủ tàu trong nước buộc phải ngưng trệ do thiếu vốn nhập vật tư và chủ tàu không có tiền tạm ứng. Một nửa số lao động hiện có phải nghỉ việc, lao động gián tiếp tại các phòng ban cũng nghỉ luân phiên. Nỗi lo lớn nhất là nhiều lao động tay nghề cao đã rời bỏ công ty, nếu sau này có việc làm, không mấy người quay trở lại. Thiếu hụt nguồn nhân lực tay nghề cao đang là nguy cơ nhãn tiền đối với ngành đóng tàu.
“Điểm sáng” hiếm hoi trong số các đơn vị đóng tàu lớn của Vinashin là Tổng công ty CNTT Phà Rừng. Trong đóng mới, Phà Rừng tập trung vào các sê-ri tàu mà thị trường vận tải biển đang có nhu cầu như tàu hàng 34 nghìn tấn, tàu chở dầu, hóa chất,… Mặc dù cũng gặp khó khăn, song Phà Rừng vốn đi lên từ việc sửa chữa tàu. Lĩnh vực này trước đây ít được quan tâm, nay lại giúp Phà Rừng ổn định. Tính từ đầu năm đến nay, hơn 20 lượt tàu biển trong và ngoài nước đã vào sửa chữa, đem lại việc làm ổn định cho gần 700 lao động của đơn vị, góp phần giữ mức thu nhập người lao động đạt bình quân khoảng 3,8 triệu đồng/tháng. Ông Lê Văn Thìn, thợ sắt bậc 7/7 ở phân xưởng vỏ 1 cho biết, phân xưởng của ông có 226 người đều có việc làm do có nhiều tàu vào sửa chữa. Mức lương của công nhân tuy có giảm so trước đây, nhưng còn “hạnh phúc chán” khi các đơn vị bạn gần nửa năm nay lâm vào cảnh nợ lương. Tổng Giám đốc Vũ Anh Tuấn cho biết, trong số 3.000 lao động tại doanh nghiệp, Phà Rừng buộc phải sắp xếp để gần 200 lao động nghỉ hẳn, tìm việc nơi khác, bố trí 600 lao động nghỉ tự túc trong thời gian từ sáu đến 12 tháng, sau này có việc sẽ gọi trở lại, còn hơn 2.000 lao động vẫn duy trì việc làm thường xuyên. Cách làm này tỏ ra có ưu điểm hơn do giữ được lao động chất lượng cao một cách ổn định, người phải nghỉ việc cũng tự kiếm việc cho mình ổn định trong vòng một năm.
Trong quá trình thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, những lao động phải nghỉ hẳn hoặc nghỉ luân phiên, tự bươn chải đi tìm việc làm mới phần lớn có tay nghề thấp, đời sống gặp khó khăn là đương nhiên. Thậm chí, cả người có việc làm đều thì cuộc sống vẫn bấp bênh, do tiền lương thấp, tiền tạm ứng không đủ duy trì cuộc sống. Việc làm thiếu, nợ lương khiến các doanh nghiệp đóng tàu nợ đọng các khoản đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), ảnh hưởng quyền lợi của người lao động. Trong số hơn ba trăm tỷ đồng nợ BHXH trên địa bàn Hải Phòng, các doanh nghiệp thuộc Vinashin luôn “dẫn đầu” với con số hơn 100 tỷ đồng.
Mối quan tâm hàng đầu: Tổ chức, nhân sự, tiền lương
Trước khó khăn chung của nền kinh tế và khó khăn riêng của ngành đóng tàu, Chính phủ và các cấp, các ngành có liên quan đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ tích cực nhằm giúp các doanh nghiệp đóng tàu vượt qua khó khăn. Vinashin đang quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ba lĩnh vực chính; trong đó, tái cơ cấu tổ chức, nhân sự, tiền lương, chế độ chính sách đối với người lao động là một trong những nội dung chính. Hầu hết, các doanh nghiệp đều sắp xếp lao động, tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý, ưu tiên cho đóng mới, sửa chữa tàu biển và công nghiệp hỗ trợ ngành đóng tàu, phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển. Ngay tại các ngành nghề chính cũng được “tái cấu trúc”, chỉ giữ lại “bộ khung nòng cốt”, các cán bộ, công nhân có chuyên môn nghiệp vụ cao, lành nghề; giảm đầu mối, giảm lao động gián tiếp,…
Nasico thực hiện giải thể, sáp nhập, chuyển giao tám công ty con trong tổng số 23 đơn vị ban đầu, thời gian tới tiếp tục chỉ giữ lại ba công ty con trong số 15 đơn vị hiện nay. Trong tương lai, dự kiến Nasico chỉ duy trì số lao động khoảng 1.700 đến 2.000 người, còn một nửa so số lao động hiện tại. Phà Rừng cũng rút gọn còn 16 công ty con so 23 đơn vị trước đây. Tổng công ty CNTT Bạch Đằng đã chấm dứt hoạt động của 16 chi nhánh hạch toán phụ thuộc, chuyển hai công ty con về Tập đoàn và tiếp tục sắp xếp, phấn đấu đến cuối năm hoàn thành tái cấu trúc với mô hình công ty mẹ – ba công ty con và một đơn vị sự nghiệp có thu (Trường trung cấp nghề CNTT Bạch Đằng).
Trước những khó khăn thách thức của ngành CNTT Việt Nam, các doanh nghiệp đóng tàu mặc dù quyết liệt tái cấu trúc, nhằm giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, nhưng nỗ lực của doanh nghiệp cùng lòng yêu nghề của người thợ đóng tàu vẫn khó thành công, nếu không có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan cũng như các cấp chính quyền địa phương. Theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn CNTT Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ có hơn 10 nghìn lao động trong ngành phải nghỉ việc hoặc tìm việc khác. Các doanh nghiệp đóng tàu đang phải gánh khoản nợ BHXH lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, người lao động trực tiếp sản xuất bị nợ lương nhiều tháng nay, việc thanh toán nợ BHXH, chi trả chế độ cho người về hưu, tai nạn lao động, trợ cấp thôi việc, mất việc,… đang rất khó khăn. Theo dự kiến của Nasico, trong năm nay, nếu kiên quyết cắt giảm hơn 1.500 lao động, cần nguồn kinh phí tới 50 tỷ đồng. Gánh nặng lương và bảo hiểm cho người lao động, nếu không được Nhà nước, Tập đoàn hỗ trợ cho vay ưu đãi, e rằng doanh nghiệp cũng đành “bó tay”. Ngoài ra, doanh nghiệp đóng tàu đang có “khoảng trống” lớn về đội ngũ lao động, nếu không có sự hỗ trợ cho vay vốn lãi suất ưu đãi để đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới cho công nhân đóng tàu, sau này khi tình hình tốt lên, ngành đóng tàu sẽ rơi vào thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động. Tại các địa phương, các ngành liên quan cũng rất cần chung tay, góp sức cùng doanh nghiệp, giải quyết hợp lý chế độ chính sách, cũng như tạo điều kiện tìm kiếm việc làm phù hợp cho số lao động này.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang đóng tàu dở dang, nhưng thiếu vốn triển khai tiếp, doanh nghiệp kiệt sức, không có vốn ứng trước, cho nên chậm tiến độ, lãng phí, còn người lao động lại không có việc làm. Tổng công ty CNTT Bạch Đằng đóng bốn tàu 22.500 tấn cho Vinalines, hai tàu chở khí hóa lỏng 4.500 m3, tàu chở nhựa đường bị chủ tàu hủy hợp đồng, đều đang dở dang phải dừng lại, trong khi các thiết bị đều đã nhập khẩu về, lãi ngân hàng vọt lên từng ngày,… Đề nghị Nhà nước có chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các nguồn vốn để tiếp tục thực hiện các sản phẩm chưa hoàn thành, tạo việc làm và ổn định đời sống người lao động. Mục tiêu của Đề án tái cấu trúc Vinashin đã được Chính phủ xác định rõ, kiên quyết giữ ổn định ngành đóng tàu quốc gia mà Vinashin làm nòng cốt, vì thế, cần thiết phải có giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, năng lực đã và đang đầu tư, bảo đảm việc làm, đời sống người lao động và phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao.
Theo Nhandan
Ý kiến ()