Giải quyết vấn đề tổng cầu
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I-2014 đạt 4,96% - mức cao nhất so với cùng kỳ ba năm gần đây - đi đôi với CPI được kiềm chế ở mức 4,45% so với cùng kỳ năm trước (bình quân tăng 4,73%) là những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế và là tiền đề vững chắc để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2014. Tuy nhiên, tổng cầu tăng chậm đang cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng cải thiện năng lực sản xuất và gây khó khăn cho cân đối cung cầu nhiều hàng hóa, dịch vụ.
Trước hết, biểu hiện rõ rệt nhất là tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình tăng chậm hẳn lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bốn tháng đầu năm chỉ tăng 5,5% nếu loại trừ yếu tố giá. Mặc dù tốc độ tăng này cao hơn so với năm trước nhưng vẫn còn thấp xa so với giai đoạn trước năm 2012, theo đó, hàng tồn kho tuy được giải phóng đáng kể song vẫn còn tỷ lệ tương đối cao. Ðể tăng tổng cầu tiêu dùng cần tiếp tục ổn định mặt bằng giá cả, nhất là giá cả những hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, chiến lược, đồng thời tạo công ăn việc làm nhằm tăng thu nhập cho người lao động, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, cần có biện pháp củng cố và nâng cao niềm tincủa người tiêu dùng.
Thứ hai, tăng tổng cầu đầu tư ở cả ba bộ phận, nhất là đầu tư của khu vực ngoài nhà nước. Tính đến cuối quý I-2014, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ bằng 28,4% GDP – mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây – do đầu tư của khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng hơn 1/3 tổng vốn đầu tư nhưng tăng vỏn vẹn có 0,4% trong khi khu vực ngoài nhà nước dẫn đầu với mức tăng 6,9% song còn thấp xa so với tiềm năng. Tổng cầu đầu tư sẽ tăng cao hơn nếu môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sân chơi bình đẳng để hấp dẫn và khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Cùng với phục hồi và phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, thông qua đó kích thích đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thì sự hồi phục thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường tín dụng ngân hàng với chính sách lãi suất và tín dụng cho vay linh hoạt sẽ giúp tín dụng cho nền kinh tế vượt qua trạng thái trì trệ với tốc độ tăng đến cuối tháng 4-2014 chỉ đạt 0,62% so với cuối năm 2013.
Thứ ba, tăng chi tiêu ngân sách nhà nước (NSNN), tuy không phải là biện pháp kích thích tổng cầu trong dài hạn nhưng lại rất hữu hiệu trong ngắn hạn. Vì vậy, cần bảo đảm tiến độ chi NSNN, cả chi đầu tư phát triển cũng như chi thường xuyên trong khi duy trì và tăng cường kỷ luật chi NSNN. Rõ ràng, tổng chi NSNN tính đến giữa tháng 4-2014 chỉ đạt mức thấp 26,4% dự toán năm, thậm chí chi đầu tư phát triển chỉ bằng 23,5% dự toán cho thấy những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và nguồn trái phiếu Chính phủ cần được tập trung tháo gỡ nhằm góp phần tích cực hơn vào tăng tổng cầu nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Cuối cùng, song không kém phần quan trọng trong bảo đảm tổng cầu của nền kinh tế là hoạt động xuất, nhập khẩu. Bốn tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng 16,9% trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, khiến cho xuất siêu tiếp tục ở mức gần 700 triệu USD. Ðóng góp của ngoại thương vào tăng tổng cầu sẽ tích cực hơn nếu khắc phục được tình trạng nhập siêu và tăng tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước hiện chỉ chiếm một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời nâng cao lợi ích thu được từ xuất khẩu cho người trực tiếp sản xuất, nhất là nông dân.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()