Giải quyết vấn đề nhà trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện trên phạm vi cả nước có hơn 10 triệu công nhân lao động đang làm việc tại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có trên 2 triệu công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 70% lao động nữ. Điều này cho thấy nhu cầu gửi trẻ trong độ tuổi mẫu giáo là rất lớn.
Nhu cầu gửi trẻ ngày một tăng cao
Tại các địa phương thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh… luôn cósố lượng công nhân lao động tập trung khá lớn. Điều này cho thấy nhu cầu gửi con vào các nhà trẻ, trường mầm non là rất cao.
Trên thực tế, tại các địa phương nói trên, việc gửi con vào các nhà trẻ công lập tương đối khó khăn do công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu là lao động nhập cư, thu nhập không cao, cơ sở vật chất của nhà trẻ công lập cũng có hạn nên không có khả năng tiếp nhận hết các cháu. Vì vậy, công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu phải gửi con ở các nhà trẻ tư nhân hoặc nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục, tận dụng nhà dân làm phòng giữ trẻ không đảm bảo diện tích cho trẻ sinh hoạt.
Giờ ra chơi ở Trường mầm non của Tập đoàn Phong Thái – Đồng Nai. |
Bản thân công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất do thời gian làm việc liên tục, kéo dài, tăng ca nên không thể dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc con nhỏ. Nhu cầu giữ trẻ thì lớn, chính vì vậy thời gian qua, tại các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất, hàng loạt các cơ sở, nhóm trẻ mầm non tư thục được thành lập.
Mặc dù số lượng trường, lớp mầm non tăng hàng năm nhưng qua khảo sát thực tế và báo cáo của các tỉnh, thành phố có khu chế xuất, khu công nghiệp phát triển, quy mô trường, lớp mầm non chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, nhất là công nhân lao động thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện nay, do ngân sách nhà nước hạn hẹp nên các trường mầm non công lập quá tải, ít nhận trẻ nhỏ dưới 3 tuổi vì thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Các trường mầm non tư thục có chất lượng thì mức thu học phí cao, trong khi lương của công nhân thấp, không đủ điều kiện chi trả học phí cho con.
Cùng với tình trạng thiếu trường, lớp học mầm non cho con công nhân lao động, bất cập hiện nay là các trường mầm non công lập và tư thục tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có thời gian đón trả trẻ không phù hợp với thời gian làm việc theo ca của công nhân. Vì vậy, các lớp nhóm mầm non tư thục phát triển nhanh, trong đó nhiều lớp chưa được cấp phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Đã có những vụ bạo hành trẻ xảy ra đều nằm ở các nhóm, lớp chưa được cấp phép và nạn nhân hầu hết đều là con của các công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất gây bức xúc trong dư luận xã hội và tâm lý bất an trong phụ huynh.
Hiện thành phố Hồ Chí Minh có 15 khu công nghiệp, khu chế xuất với gần 300 nghìn công nhân lao động, phần lớn những đối tượng này ở tuổi sinh con với hàng nghìn trẻ có nhu cầu vào trường mầm non mỗi năm. Mặc dù Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp để xây trường mầm non cho con công nhân như xây trường bằng nguồn vốn xã hội hóa, bằng ngân sách thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng đã lên kế hoạch xây trường mầm non với hàng chục dự án được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, ngân sách của Thành phố chi thực hiện, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của công nhân lao động.
Tỉnh Đồng Nai hiện cũng có 28/31 khu công nghiệp đã hoạt động với khoảng 700 nghìn công nhân lao động, trong đó 60% là dân nhập cư. Trong tổng số lao động này, có khoảng 70% số lao động có nhu cầu gửi con. Riêng tỉnh Bình Dương, năm 2014 có 1,952 triệu dân, tăng 90.000 người so với năm trước, kéo theo lượng trẻ có nhu cầu đến trường tăng 6.000 – 9.000 trẻ/năm. Trong khi đó, hàng nghìn trẻ mầm non đang phải gửi vào các nhóm, lớp mầm non tư thục.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh cho biết, qua khảo sát ở các địa phương trong tỉnh, nhất là các địa phương có khu công nghiệp, thực trạng thiếu trường lớp, giáo viên mầm non ở Tây Ninh là khá phổ biến, nhiều giáo viên mầm non đang bị quá tải bởi công việc. Tây Ninh hiện đang tính đến phương án tuyển giáo viên ở các tỉnh khác tới làm việc, tuy nhiên điều này là khó khăn, bởi các tỉnh trong khu vực cũng đang trong tình trạng này.
Cũng với thực trang trên, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện mới chỉ có hai doanh nghiệp mở các trường, nhóm mầm non để giữ trẻ cho con em cán bộ, công nhân viên, người lao động của doanh nghiệp. Trong khu vực 14 khu công nghiệp đang hoạt động cũng chỉ có 17 trường mầm non công lập và tư thục, 33 nhóm trẻ tư thục và 25 cơ sở nhóm, lớp tư thục đang tiếp nhận con của công nhân lao động ở các khu công nghiệp. Mặc dù số lượng trường lớp ở bậc học này có phát triển trong những năm qua, nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc cha mẹ, nhất là những gia đình có con dưới 18 tháng tuổi.
Có thể thấy, tại các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, dân số cơ học tăng nhanh và luôn biến động do công nhân làm việc chủ yếu theo hợp đồng ngắn hạn, làm cho công tác dự báo số trẻ đến trường/ lớp mầm non không chính xác. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục hiện nay ở một số địa phương còn bất cập, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương, đoàn thể và ngành giáo dục chưa chặt chẽ, một số địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm tại các nhóm nhà trẻ độc lập tư thục.
Một số quy định của pháp luật trong lĩnh vực này chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế đặt ra khiến cho việc phát triển các trường mầm non gặp khó khăn, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP chỉ áp dụng đối với trường mầm non có quy mô từ 100 trẻ trở lên (theo Quyết định số1466/2008/QĐ-TTg), vì vậy trường mầm non quy mô dưới 100 trẻ và các nhóm, lớp mầm non tư thục không được hưởng các ưu đãi trong văn bản này.
Tháo gỡ khó khăn
Bà Trịnh Thanh Hằng – Trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trước thực trạng khó khăn của công nhân lao động, nhất là lao động nhập cư có con nhỏ cần gửi trẻ, các cấp Công đoàn đã vào cuộc triển khai một số mô hình hiệu quả, thiết thực theo phương châm “ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”.
Để tháo gỡ khó khăn về xây dựng trường mầm non cho con công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, thời gian qua, các cấp, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã tích cực vào cuộc, nhiều chính sách mới đã ra đời giúp cho lĩnh vực giáo dục mầm non có điều kiện phát triển theo hướng khả quan. Tháng 3/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng và phát triển 500 nhóm trẻ độc lập tư thục; có 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn thực hiện đề án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai đề án được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng; 95% các bà mẹ ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuât được truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc và phát triển trẻ thơ.
Mới đây, ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển cơ sở giáo dục mầm non giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể về chính sách đối với lao động nữ quy định tại Khoản 6 Điều 153 về nghĩa vụ của Nhà nước trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và Khoản 4 Điều 154 Bộ Luật Lao động về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, giúp đỡ lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ.
Cùng với đó, nhiều địa phương cũng đã chủ động, sáng tạo trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng trường mầm non, đáp ứng nhu cầu của xã hội như thực hiện chế độ ưu đãi về đất để xây dựng trường mầm non tư thục; chủ trương xây dựng trường mầm non bằng nguồn vốn kích cầu, cho tư nhân vay vốn xây dựng trường mầm non với lãi suất 0%, miễn thuế trong 5 năm đầu; có chính sách cho vay với ưu đãi thấp (theo tiêu chuẩn hộ nghèo) để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đảm bảo điều kiện cấp phép đối với nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục. Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định phát triển giáo dục mầm non đến năm 2020, trong đó có một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất như quy định dùng một phần diện tích cây xanh để xây dựng trường mầm non, thí điểm nhận trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi. Nhờ quyết tâm thực hiện các dự án xã hội hóa, đến nay trong tổng cộng 15 khu công nghiệp, khu chế xuât đang hoạt động trên địa bàn Thành phố đã có 15 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non với tổng quỹ đất hơn 46.000m2, dự kiến đáp ứng chỗ học cho khoảng 4.000 trẻ.
Trước thực trạng hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách giải quyết vấn đề nhà trẻ mẫu giáo tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và Nghị định hướng dẫn thực hiện chương 10, Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định riêng đối với lao động nữ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ðây cũng là tin vui đối với công nhân lao động nữ, nhất là lao động nhập cư trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Có được như vậy, họ sẽ sớm có thêm điều kiện để tìm nơi gửi con an toàn, trẻ em được chăm sóc, bảo vệ và giáo dục theo đúng luật, tạo mọi điều kiện để thế hệ tương lai, con công nhân lao động phát triển toàn diện.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()