Giải quyết vấn đề nảy sinh sau đình hoãn dự án
Tại đây, đoạn từ quốc lộ 1A nối đường Hồ Chí Minh (Km 0-37) đang thực hiện dở dang dự án cải tạo, nâng cấp. Ở phần đường mở rộng, nhiều nơi đất cũ đã được đào lên để chuẩn bị làm lớp nền. Vật liệu xây dựng đã tập kết sẵn một số điểm ở ven đường. Mặt bằng đã bàn giao 68% và khối lượng thi công thực hiện khoảng 12%, song công trường vắng hoe, không nhìn thấy công nhân và xe, máy hoạt động, vì trời mưa nhỏ hay lý do gì khác thì chưa rõ. Hỏi ra mới biết, đây là một trong bốn dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Ban quản lý dự án đường bộ 4 (Ban 4) quản lý, thuộc diện đình hoãn khi thực hiện cắt giảm đầu tư công. Ba dự án khác cải tạo, nâng cấp quốc lộ 7 (Nghệ An) và 49 (Thừa Thiên – Huế) cũng đang trong tình trạng tương tự.
Hiện tại, Ban 4 đang xây dựng phương án đình hoãn cụ thể nhằm giảm bớt thiệt hại. Trong đó, qua trao đổi ý kiến với cán bộ Ban quản lý dự án và nhà thầu, chúng tôi thấy có mấy vấn đề rất đáng quan tâm giải quyết:
Về công tác bảo đảm giao thông, nhất là khi dự án phải đình hoãn đúng vào mùa mưa bão, với những đoạn đang làm dở dang, khá khó khăn. Nhà thầu cần cố gắng thi công đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý (như đắp bằng nền đường, vá láng ổ gà và ổ 'voi'), còn sau đó việc trả lại cho đơn vị chuyên ngành hay giao tiếp cho đơn vị thi công quản lý (bao gồm cả nhiệm vụ ứng cứu khi bão lụt xảy ra) cần phải tính kỹ hơn. Không chỉ mưa bão, đối với những đoạn nền mới đắp bằng đất, trời nắng sẽ rất bụi, gây bức xúc đối với người tham gia giao thông và cư dân sinh sống ven đường, khâu xử lý cũng không đơn giản.
Về giải phóng mặt bằng, các bước khó khăn và mất nhiều thời gian nhất đã được giải quyết về cơ bản (lên phương án, đo đạc, áp đơn giá đền bù và người dân đã đồng thuận), chỉ còn khâu thực hiện đền bù, nếu dừng lại rất phức tạp. Đến khi dự án khởi động lại (chưa có thời hạn cụ thể) chắc chắn phải thỏa thuận lại giá đền bù, chi phí sẽ phát sinh, việc xử lý tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Nên chăng, đối với những dự án mà phương án giải phóng mặt bằng đã qua các bước cơ bản, cần dấn lên để hoàn thành dứt điểm ngay từ bây giờ.
Vấn đề an sinh của thợ cầu đường rất đáng quan tâm. Chỉ tính riêng các dự án của Ban 4 quản lý phải đình hoãn, ảnh hưởng đến việc làm của khoảng 1.500 kỹ sư, công nhân của hàng chục nhà thầu (toàn ngành giao thông có 75 dự án phải đình hoãn, số lao động chịu tác động sẽ rất lớn). Thiếu việc làm, giảm thu nhập, dễ dẫn đến hệ lụy là thợ giỏi bỏ đi như đã từng xảy ra đối với các nhà thầu giao thông mấy năm trước đây. Cho nên, trong phương án đình hoãn dự án, cần có kế hoạch tìm việc làm cho đội ngũ thợ cầu đường, là những người lao động 'khô áo, ráo tiền' và là lực lượng quan trọng để thực hiện nhiệm vụ đột phá phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông trong những năm sắp tới…
Theo chúng tôi, những vấn đề đặt ra nêu trên cũng trùng hợp với nội dung kiến nghị của Hội Khoa học – Kỹ thuật cầu đường Việt Nam gần đây. Trong đó đề xuất việc tạm dừng, đình hoãn không chỉ ở cấp dự án, mà nên xem xét ở các cấp độ: dự án, tiểu dự án giải phóng mặt bằng, gói thầu hoặc hạng mục công trình chính, trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế – xã hội cuối cùng. Mặt khác, cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục và xử lý khối lượng công việc dở dang (phương pháp tạm nghiệm thu, đánh giá, thanh toán, quản lý trong thời gian tạm dừng); những hạng mục công trình phụ trợ bảo đảm giao thông và bảo vệ công trường; vấn đề bàn giao hoặc quản lý mặt bằng tránh tình trạng bị tái lấn chiếm khi dự án đình hoãn; xử lý các chi phí phát sinh cũng như cách tính trượt giá trong thời gian tạm dừng và khi dự án khởi động trở lại. Trong quá trình thực hiện, cần tránh sự áp đặt theo kiểu mệnh lệnh hành chính mà phải căn cứ vào hợp đồng xây dựng và hợp đồng kinh tế nhằm làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu và hạn chế tổn thất của Nhà nước, thiệt thòi đối với người lao động…
Ý kiến ()