Giải quyết tình trạng lấn chiếm đất của các công ty lâm nghiệp: Đồng bộ các giải pháp
– Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp giữa người dân với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh xảy ra phức tạp tại một số địa phương. Trong đó, nổi bật là các huyện: Lộc Bình, Đình Lập, Hữu Lũng. Để từng bước giải quyết tình trạng trên, cấp ủy, chính quyền các địa phương và cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo thống kê năm 2019, tổng diện tích đất lâm nghiệp được UBND tỉnh giao cho 3 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp gồm: Lộc Bình, Đình Lập, Đông Bắc (công ty lâm nghiệp) để quản lý, sử dụng tại 3 huyện: Lộc Bình, Hữu Lũng và Đình Lập là trên 13.600 ha. Trong quá trình sản xuất, tình trạng người dân lấn chiếm đất của các công ty diễn ra khá phổ biến.
Các phòng chuyên môn của huyện Lộc Bình tổ chức đối thoại với người dân xã Nam Quan trong một vụ người dân trong xã cản trở Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình trồng cây lâm nghiệp trên địa bàn
Trong đó, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp như: người dân ngăn cản doanh nghiệp khai thác lâm sản; tổ chức chặt phá cây trồng trên đất của doanh nghiệp; cản trở doanh nghiệp tổ chức phát thực bì trồng mới rừng sản xuất…
Tại huyện Lộc Bình, tình trạng người dân lấn chiếm đất của Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình xảy ra trong nhiều năm qua, tập trung ở các xã: Nam Quan, Lợi Bác, Sàn Viên, Tú Mịch. Được biết, diện tích đất có rừng do Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình quản lý, sử dụng hơn 3.800 ha, thì có 327 ha bị lấn chiếm bởi 193 hộ. Tình trạng lấn chiếm của người dân đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của công ty.
Ông Ngô Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình cho biết: Do giá trị của rừng ngày càng lên cao, một số hộ dân đã trồng rừng lấn vào diện tích đất của công ty được Nhà nước cho thuê. Không những vậy, hiện tượng người dân tự ý khai thác nhựa tại rừng thông của công ty cũng khá phổ biến. Từ những mâu thuẫn nhỏ, người dân đã tổ chức một số vụ nhổ trộm cây lâm nghiệp do công ty trồng, ngăn cản không cho công ty khai thác lâm sản.
Không chỉ tại Lộc Bình, tại 2 huyện còn lại, việc xử lý tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp giữa người dân và doanh nghiệp cũng trong tình trạng tương tự. Phần lớn các vụ lấn chiếm đều do người dân tự ý trồng cây trên đất của doanh nghiệp. Trong đó, các hộ lấn chiếm muốn chiếm giữ đất và rừng để sản xuất nên không làm đơn đề nghị cơ quan chức năng giải quyết, dẫn đến việc các cơ quan rất khó nắm bắt được tình hình trên. Bên cạnh đó, do nhận thức pháp luật hạn chế, người dân chưa có thái độ hợp tác với doanh nghiệp và các cơ quan để giải quyết các vụ việc. Ngoài ra, còn một số khó khăn khác liên quan đến các chứng từ về nguồn gốc sử dụng của diện tích đất xảy ra lấn chiếm, tranh chấp hiện đã thất lạc…
Ngoài Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình, theo thống kê năm 2019, diện tích đất của Công ty Lâm nghiệp Đình Lập bị lấn chiếm là 1.232 ha với 348 hộ; tại Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc, diện tích đất bị lấn chiếm là 644 ha với 700 hộ.
Trước thực tế trên, cấp ủy, chính quyền các huyện đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để từng bước giải quyết vấn đề này.
“Từ năm 2019 trở lại đây, đơn vị đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện kiểm tra, xác minh, làm rõ các nội dung liên quan đến việc xử lý tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp. Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp bố trí các mốc phân định ranh giới giữa rừng của người dân và doanh nghiệp, góp phần hạn chế tình trạng người dân khai thác, lấn chiếm rừng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các xã và các tổ chức, đoàn thể xuống từng thôn, bản để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất đến người dân. Qua đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp trên địa bàn ngày càng giảm”. Ông Nông Trường Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Bình
|
Tại huyện Lộc Bình, từ năm 2019, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm giải quyết tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp. Trong đó, huyện đề ra lộ trình để tập trung giải quyết như: tăng cường vận động tuyên truyền, phối hợp với công ty lâm nghiệp rà soát hiện trạng các khu đất tranh chấp, tổ chức đối thoại với người dân…
Ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Thời gian qua, huyện đã đôn đốc UBND các xã và các phòng chuyên môn thực hiện đồng bộ các biện pháp để giải quyết tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất giữa người dân và doanh nghiệp. Cùng đó, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức các buổi đối thoại tại trụ sở xã và các cuộc họp thôn; rà soát tình hình quản lý sử dụng đất lâm nghiệp của các hộ dân tham gia lấn chiếm đất của doanh nghiệp… Từ đó, đưa ra phương án giải quyết phù hợp, đúng quy định.
Còn tại huyện Đình Lập, UBND huyện đã thành lập tổ công tác, tổ chuyên viên giúp việc để rà soát hiện trạng các khu đất người dân lấn chiếm, từ đó phối hợp với công ty đưa ra giải pháp xử lý hợp tình, hợp lý.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã phối hợp với các huyện tiến hành rà soát, đo đạc đối với các phần diện tích đất xảy ra lấn chiếm, tranh chấp; xác định rõ nguồn gốc các thửa đất, lô, khoảnh để chuyển lại dữ liệu cho các huyện, phục vụ công tác giải quyết lấn chiếm, tranh chấp.
Về phía các doanh nghiệp, dựa trên tính chất của từng vụ việc lấn chiếm để đưa ra các phương án giải quyết như: thực hiện giao khoán theo hợp đồng, liên doanh liên kết để tạo việc làm cho người dân tại cơ sở đối với diện tích đang xảy ra lấn chiếm.
Để ngăn chặn kịp thời tình trạng lấn chiếm đất của công ty, các doanh nghiệp chủ động cắt cử nhân lực thực hiện tuần tra, kiểm tra đối với diện tích đất công ty đang thực hiện sản xuất. Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý đất đai như: cắm mốc, xây dựng đường ranh giới, cắm biển báo tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lấn chiếm đất.
Nhờ đó, đến nay, tình trạng người dân lấn chiếm đất của các công ty lâm nghiệp đã được giải quyết khá hiệu quả. Cụ thể: Tại huyện Đình Lập, cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cùng với công ty lâm nghiệp đã giải quyết được 191 vụ lấn chiếm đất với diện tích 304 ha; đang giải quyết 31 vụ với tổng diện tích 54,1 ha và phối hợp xem xét giải quyết 125 vụ với diện tích 99,4 ha. Ngoài ra, lực lượng chức năng và công ty đã ngăn chặn kịp thời 347 trường hợp người dân tự ý phát dọn thực bì lấn chiếm đất của công ty lâm nghiệp với tổng diện tích 457 ha.
Tại huyện Lộc Bình, tổng diện tích bị người dân lấn chiếm đã được thu hồi về quản lý là 186,9 ha, cơ bản không còn tình trạng tái lấn chiếm.
Còn tại huyện Hữu Lũng, đến nay, Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc đã thu hồi và ký hợp đồng giao khoán trồng rừng với người dân được 330 ha tại các xã: Thiện Tân, Minh Sơn, Hòa Thắng, Tân Thành… Tình hình lấn chiếm đất mới tại các xã cơ bản không còn xảy ra.
Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc liên quan đến tình trạng người dân lấn chiếm đất của các công ty lâm nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện và công ty lâm nghiệp thực hiện rà soát cụ thể, chi tiết diện tích đang bị lấn chiếm để giải quyết dứt điểm.
Ông Hoàng Sơn Hải, Trưởng Phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Phòng đã tham mưu cho lãnh đạo sở tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn công tác để kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất và tiến độ giải quyết tình trạng lấn chiếm đất đai giữa các hộ gia đình, cá nhân với các công ty lâm nghiệp trong tháng 7/2021. Qua đợt kiểm tra sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát, nắm tình hình thực tế hiện nay, từ đó tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất tại các công ty lâm nghiệp trong những tháng cuối năm.
Hiện nay, tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa người dân và các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh so với trước đây. Tuy nhiên, giá trị từ rừng ngày càng tăng lên, nhiều gia đình, cá nhân ngày càng có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất lâm nghiệp. Do đó, khó tránh khỏi nguy cơ tiếp tục xuất hiện các trường tái lấn chiếm đất của các công ty lâm nghiệp. Vì vậy, cùng với các giải pháp đã được tỉnh và các huyện triển khai đồng bộ, UBND các xã cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Đồng thời, chủ động bám nắm tình hình sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn. Còn đối với các doanh nghiệp cũng cần chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở để tăng cường tuyên truyền, đối thoại với người dân. Từ đó, góp phần hạn chế, ngăn chặn các vi phạm có thể xảy ra trong tương lai.
“Để quản lý tốt diện tích đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh giao quản lý, sử dụng, công ty tổ chức rà soát lại toàn bộ diện tích đối với từng thửa đất để đưa vào quản lý, khai thác hiệu quả. Đối với các hộ gia đình, cá nhân vi phạm, công ty phối hợp với UBND xã trực tiếp xuống làm việc tại cơ sở để xử lý dứt điểm ngay. Quan điểm của công ty là giải quyết lấn chiếm, tranh chấp phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đơn vị mong muốn chính quyền cơ sở cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp của người dân tại địa phương. Từ đó, có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm mới về lấn chiếm đất của công ty”. Ông Nguyễn Trung Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập |
Ý kiến ()