Giải quyết thủ tục chứng thực, hộ tịch tại cấp xã: Từng bước đáp ứng sự hài lòng của người dân
– Thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực chứng thực, hộ tịch luôn sát sườn với đời sống người dân và chiếm tới 90% số lượng hồ sơ TTHC tại cấp xã. Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, việc giải quyết TTHC lĩnh vực này đã được đơn giản hóa, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, hướng đến sự hài lòng của người dân.
Công chức Bộ phận “một cửa” UBND xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến lĩnh vực hộ tịch
Hiện nay, ở cấp xã có 11 TTHC chứng thực và 20 TTHC hộ tịch. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn giải quyết trên 100.000 hồ sơ TTHC liên quan đến lĩnh vực này và cơ bản đều giải quyết sớm, đúng thời hạn, nhận được sự hài lòng, phản hồi tích cực từ phía người dân. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, chính quyền cấp xã trong tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn 83.182 hồ sơ TTHC lĩnh vực chứng thực, hộ tịch, đạt 100%. Việc giải quyết TTHC lĩnh vực này hiện nay đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại thuận lợi cho người dân hơn so với trước đây.
Đơn cử như trong việc thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh, nếu như trước đây, ngoài tờ khai và giấy chứng sinh, công dân đến làm thủ tục cần xuất trình các giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn thì nay công dân chỉ cần mang căn cước công dân. Hay như khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, hiện nay, hai người đến thực hiện thủ tục này chỉ cần mang theo căn cước công dân. Đặc biệt, đối với các xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình “chính quyền thân thiện”, các cặp vợ chồng mới đăng ký kết hôn còn được UBND nơi đăng ký tổ chức tặng hoa, chúc mừng và chụp ảnh lưu niệm…
Thực tiễn cho thấy công tác giải quyết TTHC về chứng thực, hộ tịch luôn là điểm sáng trong giải quyết TTHC ở cấp xã. Để thực hiện hiệu quả công tác này, các cấp ủy, chính quyền cấp xã trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sát sao, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Có mặt tại bộ phận “một cửa” UBND thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng vào giữa tháng 7, chúng tôi nhận thấy, mặc dù bận rộn song hai công chức tư pháp – hộ tịch luôn niềm nở, tận tình hướng dẫn người dân khi đến liên hệ giải quyết các thủ tục. Chị Chu Thị Yến, khu An Ninh, thị trấn Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, việc giải quyết các thủ tục như chứng thực giấy tờ, khai sinh cho con được thực hiện nhanh gọn. Sau khi tôi nộp đầy đủ các giấy tờ thì chỉ cần đợi 5 – 10 phút là công chức, cán bộ đã hoàn thành việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả. Tôi thấy hài lòng khi các thủ tục được cán bộ, công chức giải quyết nhanh gọn, đúng quy định.
Cũng như thị trấn Hữu Lũng, hiện UBND của 199 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều giải quyết các thủ tục lĩnh vực chứng thực, hộ tịch theo cơ chế “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC tại bộ phận “một cửa”), từ đó góp phần đơn giản hóa, tạo thuận tiện, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân. Ngoài ra, hiện 100% đơn vị cấp xã đều công khai niêm yết các TTHC, trong đó có lĩnh vực chứng thực, hộ tịch tại trụ sở cơ quan để người dân tiện theo dõi và thực hiện đúng quy định. Qua ghi nhận chung, trên 90% người dân đều hài lòng khi đến trụ sở giải quyết các TTHC lĩnh vực chứng thực, hộ tịch, đối với các xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình chính quyền thân thiện (166/200 đơn vị) tỷ lệ này đạt từ 99 đến 100%.
Một trong những giải pháp quan trọng mà chính quyền cấp xã chú trọng triển khai thời gian qua là đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện TTHC lĩnh vực công chứng – hộ tịch. Hiện tại, UBND cấp xã đã triển khai tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến với 31 TTHC chứng thực – hộ tịch. Cụ thể, UBND cấp xã đã chỉ đạo công chức chuyên môn thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết TTHC và hướng dẫn người dân tạo tài khoản nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đảm bảo đúng quy trình.
Anh Vy Văn Dọng, Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng cho biết: Khi có người dân đến giao dịch, tôi đều hướng dẫn họ lập tài khoản và nộp trực tuyến qua dịch vụ công, trung bình mỗi ngày được hơn 70 lượt người. Thông qua việc thực hiện TTHC trên môi trường mạng đã giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, mất thời gian vì khoảng cách giữa một số thôn đến trung tâm xã khá xa.
Ông Vũ Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Để bảo đảm tính chính xác, hiệu quả trong công tác hộ tịch, chứng thực, hằng năm Sở Tư pháp tăng cường bồi dưỡng, hỗ trợ về chuyên môn cho công chức tư pháp – hộ tịch cơ sở; chủ động kiểm tra công tác này tại cấp huyện và cấp xã để kịp thời phát hiện sai sót và có giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, Sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch; phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, từng bước số hóa sổ hộ tịch theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo các thủ tục trong lĩnh vực này được giải quyết thuận lợi, chính xác từ cơ sở.
Ý kiến ()