Giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách cho người thuộc diện tinh giản biên chế
Ngày 24/3, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý kiến vào các dự thảo nghị định quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tinh giản biên chế và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Đại biểu góp ý kiến tại hội thảo. |
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nội vụ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội thảo.
Làm việc hiệu quả thấp để “được” tinh giản biên chế
Tờ trình dự thảo Nghị định Quy định về tinh giản biên chế thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, cho biết: Kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 tuy đạt về chỉ tiêu số lượng, nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Việc tinh giản biên chế trong thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, thậm chí giảm những người có đủ năng lực tham gia khu vực tư, mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc.
Bên cạnh đó có những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế, nên họ lựa chọn làm việc với hiệu quả thấp để “được” đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ nhằm thực hiện tinh giản biên chế.
Trong khi đó, chính sách tinh giản biên chế được quy định tại 3 nghị định của Chính phủ, nhưng thông tư hướng dẫn đã hết hiệu lực mà chưa được thay thế cho nên khó khăn trong việc trích dẫn và triển khai thực hiện.
Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật nghỉ việc
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, thời gian qua vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.
Do việc đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng thực chất, cho nên việc triển khai áp dụng chính sách tinh giản biên chế ở nhiều nơi chưa đúng mục tiêu đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu công việc nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của đội ngũ.
Vì thế, việc ban hành Nghị định mới thay thế trên cơ sở kế thừa các chính sách hiện hành là cần thiết và cấp thiết, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương của Đảng, của pháp luật hiện hành
Các ý kiến nhất trí việc bổ sung trường hợp trong thời gian bị kỷ luật, cán bộ chưa đến mức bị bãi nhiệm, công chức, viên chức chưa đến mức bị buộc thôi việc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, thì sẽ được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý, nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Thông báo số 20-KL/TW.
Đối với trường hợp cán bộ chưa đạt trình độ đào tạo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, thì trong nhiệm kỳ bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo nếu không đạt chuẩn trình độ đào tạo ở vị trí hiện đảm nhiệm, cá nhân có nhu cầu tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đồng ý; đồng thời, cơ quan, tổ chức có phương án bổ sung thay thế người có trình độ đạt chuẩn nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nghỉ trong thời gian 6 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.
Để khuyến khích cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, không đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… tinh giản biên chế nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ, dự thảo đề nghị bổ sung chính sách riêng đối với các đối tượng này.
Tuy nhiên, việc ban hành chính sách cần phải đủ mạnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng để họ ổn định cuộc sống và tự nguyện tinh giản biên chế ngay.
Theo số liệu kiểm tra tinh giản biên chế đến ngày 30/6/2022 của Bộ Nội vụ, số liệu tinh giản biên chế của các bộ, ngành, địa phương là 79.024 người (bộ, ngành là 5.510 người; địa phương là 73.5134 người).
Nếu tính theo đối tượng áp dụng, số viên chức nghỉ tinh giản biên chế cao nhất (66,115% ); cán bộ, công chức cấp xã (19,020%) và thấp nhất là người làm việc tại khu vực doanh nghiệp (0,216%), người làm việc tại các hội (0,230%).
Nếu tính theo lý do tinh giản biên chế thì tinh giản biên chế do đánh giá hằng năm không hoàn thành nhiệm vụ cao nhất (52,712%); do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo (15,684%); dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính (15,447%) và thấp nhất là do sức khỏe không bảo đảm (3,746% ).
Nếu tính theo chính sách được hưởng thì đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi cao nhất (81,813%); chính sách thôi việc ngay (18%); chính sách chuyển chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước (0,115%) và thấp nhất là chính sách thôi việc sau khi đi học nghề (0,072%).
Nguồn:https://nhandan.vn/giai-quyet-thoa-dang-che-do-chinh-sach-cho-nguoi-thuoc-dien-tinh-gian-bien-che-post744457.html
Ý kiến ()