Giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách
Quy hoạch bảo vệ môi trường dựa trên hệ sinh thái; quản lý ô nhiễm môi trường theo cách thức “trước đường ống”; người gây ô nhiễm phải trả tiền, trả đúng và trả đủ… là những giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TTXVN |
Tại Diễn đàn “Bảo vệ môi trường – Những vấn đề cấp bách” vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ rõ những thách thức trong công tác bảo vệ môi trường và phân tích cụ thể những giải pháp, hành động của Bộ để giải quyết những thách thức đó.
Quy hoạch xử lý ô nhiễm theo vùng
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, điều bất cập trong công tác quản lý môi trường là giải quyết triệt để mối quan hệ giữa vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường dựa trên hệ sinh thái, vì vậy, cần triển khai quy hoạch theo hướng tiếp cận có tính liên vùng, dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu và tiếp cận tổng hợp để phục vụ cho các chính sách phát triển kinh tế.
Thực tế, nếu không quy hoạch bảo vệ môi trường theo hướng “tiếp cận vùng, liên vùng” sẽ xảy ra xung đột. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ví dụ, nếu Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây xác định nơi xử lý chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt mà không có quy hoạch sẽ gặp sự xung đột giữa các địa phương. Trên thế giới, không nước nào mà mỗi huyện, mỗi doanh nghiệp lại là một cơ sở xử lý chất thải nguy hại, mỗi địa phương có một nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt mà đều tiếp cận theo hướng đầu tư với chi phí, công nghệ cao, quy hoạch vùng để bảo đảm được tính hiệu quả.
Hiện nay, có nhiều loại hình công nghiệp có công nghệ thấp và nguy cơ ô nhiễm rất lớn. Vừa qua, Bộ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 137 cơ sở có lượng nước thải từ 200 m3 trở lên. Qua đó cho thấy, từ công tác quản lý (như đánh giá tác động môi trường, quy trình kiểm tra, giám sát), cho đến việc thực hiện quy trình xử lý, việc thực hiện quy định pháp luật liên quan đến vấn đề xử lý môi trường,… đều có vi phạm (cơ sở thấp nhất vi phạm 60%). Do vậy, việc quan trọng trước mắt là khẩn trương rà soát, kiểm tra và đưa ra lộ trình rõ ràng để yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với các địa phương xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và yêu cầu họ tuân thủ, thực hiện đầy đủ các quy trình đáp ứng các vấn đề môi trường.
Quản lý “trước đường ống”
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ một thực tế là nếu không có ngay các biện pháp phòng ngừa sẽ xảy ra tình trạng tiếp nhận dòng chảy công nghệ lạc hậu từ đầu tư quốc tế. Do vậy, Việt Nam cần ban hành sớm các hệ thống tiêu chí sàng lọc, đánh giá; sớm ban hành danh mục, công bố, công khai các ngành công nghiệp có tiềm năng ô nhiễm lớn và công nghệ lạc hậu.
Các doanh nghiệp cần phải thay đổi các nguyên tắc, cách thức quản lý môi trường “cuối đường ống”, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp cần phải đầu tư nhưng nguy cơ ô nhiễm lớn, bằng cách thức quản lý “trước đường ống”. Điều này có nghĩa là rất cần chú trọng vào các khâu chứng nhận, thiết lập các hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng môi trường thông qua hệ thống quan trắc tự động.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quan trọng nhất hiện nay đó là phải kiên quyết thực hiện chính sách “người gây ô nhiễm phải trả tiền, trả đúng và trả đủ”, “người sử dụng các dịch vụ về tài nguyên và môi trường thì phải chi trả” theo cơ chế thị trường. Ở đây, nếu giá được tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường thì các doanh nghiệp sẽ không đưa công nghệ lạc hậu vào sản xuất và nếu doanh nghiệp không thể giải quyết vấn đề môi trường thì sẽ hình thành những doanh nghiệp mới đầu tư vào lĩnh vực này. Đây chính là quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng từ “phát triển trước làm sạch sau” sang mô hình “bảo vệ, đầu tư môi trường trước”.
Sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường theo cách tiếp cận của mô hình tăng trưởng mới. Trong đó, sẽ tập trung điều chỉnh ngay vấn đề “đánh giá tác động môi trường” để giải quyết những vấn đề chưa được kiểm soát chặt chẽ ở một số loại hình doanh nghiệp.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()