Giải quyết những bức xúc trong các khu tái định cư ở Quảng Ngãi
Tỉnh Quảng Ngãi đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các khu tái định cư (TĐC) phục vụ di dời hàng nghìn hộ dân trong các vùng có nguy cơ sạt lở ven biển, bờ sông, nứt núi và thực hiện sắp xếp lại dân cư ở những vùng thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, nhìn chung ở phần lớn các khu TĐC hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập và đang bộc lộ những yếu kém về cơ sở hạ tầng gây nhiều bức xúc cho nhân dân trong vùng.Gần đây, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung cho công tác quy hoạch, xây dựng các điểm TĐC và thực hiện di dời các hộ dân ở trong vùng quy hoạch dự án cũng như những điểm có nguy cơ sạt lở, nứt núi đến nơi ở mới. Tuy nhiên, qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy: Trong số 40 điểm TĐC đã xây dựng hoàn thành và di dời dân đến ở, nơi nào bà con cũng đều bức xúc, than phiền. Phần lớn, các khu TĐC ngay sau khi đưa vào sử dụng, vì mặt bằng trũng hơn mặt đường...
Gần đây, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung cho công tác quy hoạch, xây dựng các điểm TĐC và thực hiện di dời các hộ dân ở trong vùng quy hoạch dự án cũng như những điểm có nguy cơ sạt lở, nứt núi đến nơi ở mới. Tuy nhiên, qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy: Trong số 40 điểm TĐC đã xây dựng hoàn thành và di dời dân đến ở, nơi nào bà con cũng đều bức xúc, than phiền. Phần lớn, các khu TĐC ngay sau khi đưa vào sử dụng, vì mặt bằng trũng hơn mặt đường chung quanh, cho nên chỉ qua một cơn mưa vừa đã biến thành vũng nước đọng, sình lầy. Có khu TĐC đưa dân vào ở từ lâu, nhưng hạ tầng thiết yếu như điện, nước sinh hoạt vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ và những con đường vào khu dân cư còn”mưa bùn, nắng bụi” quanh năm. Riêng nhà ở tại các khu TĐC cho đồng bào miền núi bố trí sát với nhau như ở các đô thị là không hợp lý. Mỗi hộ di dời được cấp 200 m2 đất làm nhà ở tạm thời thì được, nhưng đưa bà con vào sống ổn định lâu dài thì không thể. Trao đổi ý kiến với chúng tôi chung quanh vấn đề này, Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Đỗ Kỳ Ân cho biết: Hiện nay, việc TĐC đang gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn, từ năm 2011 đến nay không được trung ương phân bổ. Từ năm 2010 về trước, mỗi năm Chi cục được bố trí khoảng bốn tỷ đồng để hỗ trợ di dời các hộ dân ở vùng sạt lở, nứt núi, bình quân mỗi hộ 10 triệu đồng. Còn nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu TĐC là không đáng kể. Hiện nay, các dự án TĐC được thực hiện bằng cách, huyện chọn địa điểm và hợp đồng nhà thầu thi công san lấp mặt bằng là chủ yếu, sau đó xét cấp đất cho dân tự làm nhà ở. Còn các công trình thiết yếu trong khu TĐC đầu tư không đồng bộ. Tình hình khá phổ biến ở các khu TĐC là sau một thời gian đưa vào sử dụng đã không đủ sức hấp dẫn người dân sống gắn bó lâu dài. Một số người có điều kiện thì chuyển chỗ ở ra khỏi khu TĐC; một số khác chỉ đến làm nhà tạm để đấy, rồi trở về sống nơi ở cũ. Cái khó hiện nay là tỉnh chưa bố trí vốn, cho nên có công trình thi công chậm tiến độ, đầu tư dở dang, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng Chi cục đành bó tay. Ngay như một số điểm TĐC đã được tỉnh phê duyệt từ năm 2011 đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng. Hiện có năm điểm TĐC cần xây dựng trước mùa mưa, lũ năm nay để di dời khoảng 300 hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở, nứt núi nghiêm trọng, nhưng Chi cục vẫn đang loay hoay đi tìm nguồn vốn, chưa biết triển khai lúc nào. Đó là các khu TĐC Hành Tín Đông, Hành Thuận (Nghĩa Hành), Tịnh Đông (Sơn Tịnh), Trà Thanh (Tây Trà) và Dự án tái định cư An Vĩnh (Lý Sơn)…
Tìm hiểu cuộc sống của bà con ở những khu TĐC này, chúng tôi đã chứng kiến nhiều công trình đang xuống cấp, hư hỏng không bảo đảm cho người dân sinh hoạt. Đáng chú ý, nhiều khu TĐC hiện chưa có nước sinh hoạt, chưa có điện thắp sáng, đường đi, lối lại khó khăn. Cuộc sống của nhiều người dân ở khu TĐC hiện thấp hơn nơi ở cũ đã gây nhiều bức xúc, nhưng vẫn chưa được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm giải quyết. Đứng ở khu TĐC thôn Gò Quýt – Vạn Xuân, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) trong cái nắng oi bức của những ngày giữa tháng 7 này, chúng tôi mới cảm nhận được những khó khăn mà người dân sống ở đây đang phải gánh chịu. Những vấn đề dân sinh như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, việc cung cấp điện, nước sinh hoạt, đất sản xuất… đang là mối lo chung của họ. Khu TĐC này được xây dựng hoàn thành từ năm 2007 và đã chuyển 40 hộ dân ở vùng sạt lở núi Ngang và ở khu TĐC. Tuy vậy, ở khu TĐC này hiện chưa có hệ thống thoát nước, cho nên mưa lớn không chỉ người dân khu TĐC mà cả thôn phải chịu cảnh ngập nước, rác thải.
Ở khu TĐC Hành Nhân, Hành Phước đến nay chỉ có vài hộ gia đình đến sinh sống. Những hộ dân được xét duyệt xây nhà ở trên khu TĐC, phần lớn là hộ nghèo, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng, nhưng xây nhà xong, mới được nhận tiền, vì vậy, nhiều người phải chấp nhận ở căn nhà cũ. Mặt khác, người dân đến nơi TĐC không có đất canh tác, sản xuất. Diện tích bố trí TĐC theo hạn mức, không ít trường hợp không bằng diện tích đất ở bị thu hồi cho nên điều kiện sinh hoạt, chăn nuôi bị ảnh hưởng. Nhiều hộ dân không thể mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế, cho nên cuộc sống đang bấp bênh. Còn khu TĐC Nước Cây Trường, xã Trà Sơn (Trà Bồng) được đầu tư xây dựng từ năm 2009, với tổng diện tích hơn 5.000 m2 và di dời khoảng 20 hộ dân nghèo ở xã Trà Sơn ra lập nghiệp lâu dài. Thế nhưng, khu TĐC này hiện không có mấy người ở, cây cỏ mọc um tùm trở thành nơi chăn thả trâu, bò của người dân. Điều đáng nói, trong điều kiện địa phương thiếu đất ở và đất sản xuất thì cả khu TĐC này lại chưa được khai thác triệt để.
Không những các khu TĐC ở nông thôn, miền núi chất lượng xây dựng kém, đầu tư không đến nơi, đến chốn mà ngay giữa lòng TP Quảng Ngãi cũng có những khu TĐC đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội chưa đồng bộ, làm cho nhiều hộ dân bất bình. Đó là khu TĐC thuộc Dự án Trường đại học Phạm Văn Đồng, thuộc tổ 20, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi. Nơi đây được mang danh là đô thị loại ba và chuẩn bị lên đô thị loại hai, nhưng điều kiện sống của người dân ở khu TĐC này thiếu thốn trăm bề, trong khi nơi ở cũ trước đây chưa bao giờ có tình cảnh như vậy. Người dân sống ở đây là thiếu nước sinh hoạt, bởi chủ đầu tư chưa thực hiện cam kết”xây dựng hệ thống nước sạch” trong khu dân cư trước khi đưa dân đến ở.
Nhiều khu TĐC xây dựng phục vụ việc di dời các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch của các dự án đã bị mất đất cũng đang có nhiều bất cập. Đó là công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu chưa hợp lý. Có công trình dân sinh cần xây dựng trước thì không bố trí vốn. Ngược lại, đôi khi nguồn vốn đầu tư không đúng mục đích đã gây lãng phí. Hiện, nhiều điểm TĐC thi công tiến độ chậm đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân trong vùng dự án. Chẳng hạn, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân, TĐC của Dự án thủy điện Đakđrinh nằm ở khu vực huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Đây là công trình được khởi công xây dựng năm 2007, với bốn xã của huyện Sơn Tây bị ảnh hưởng giải tỏa, đền bù là Sơn Tân, Sơn Dung, Sơn Long và Sơn Liên. Công trình có tổng diện tích sử dụng chiếm gần 970 ha (trong đó các hạng mục chính của dự án và các khu TĐC khoảng 925 ha). Có khoảng 206 hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án cần di dời. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư xây dựng hạ tầng trong các điểm TĐC ở đây quá chậm. Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Phạm Tấn Hoàng cho biết: Tổng kinh phí chi trả cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng các hạng mục của dự án tại huyện miền núi Sơn Tây gần 70 tỷ đồng. Công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện của địa phương đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, nhất là trong khu vực lòng hồ, với diện tích đất thu hồi lên đến 560 ha và nhiều hộ dân cùng lúc phải thực hiện di dân, TĐC. Tại buổi làm việc với chủ đầu tư mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã xem xét, giải quyết một số kiến nghị của UBND huyện Sơn Tây liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân, TĐC của Dự án thủy điện Đakđrinh. Tỉnh yêu cầu huyện Sơn Tây và chủ đầu tư cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình về công tác bồi thường, xây dựng các khu TĐC, bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân trong vùng dự án. Riêng hợp phần di dân, TĐC dự án hồ chứa nước Nước Trong hiện đang triển khai thuận lợi hơn trước. Tỉnh đã chỉ đạo chuyển BQL dự án lên tại công trường để giám sát, thúc đẩy kịp thời các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình. Sau hơn sáu tháng triển khai, đến nay, các điểm TĐC thuộc khu vực hồ Nước Trong đã cơ bản đạt kế hoạch đề ra, phấn đấu di dời 433 hộ trong vùng dự án đến nơi ở mới trước mùa mưa, lũ năm nay. Tuy vậy, nhiều hạng mục công trình trong khu TĐC vẫn chưa hoàn thành. Một số hộ dân chưa được TĐC đã tự động di dời nhà cửa, dựng lều tạm để sinh sống. Nhiều người dân ở các xã Trà Phong, Trà Thọ, Trà Trung và Trà Xinh đang gặp khó khăn do khu TĐC xây dựng chậm tiến độ. Trong khi theo quy định TĐC nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()