Giải quyết những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai
Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) lần này được thực hiện công phu, khá đầy đủ về mọi phương diện. Với 14 chương, 206 điều (tăng 7 chương, 60 điều), Dự thảo đã cụ thể hóa thành luật các vấn đề phát sinh trong thực tiễn như tranh chấp đất đai, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) lần này được thực hiện công phu, khá đầy đủ về mọi phương diện. Với 14 chương, 206 điều (tăng 7 chương, 60 điều), Dự thảo đã cụ thể hóa thành luật các vấn đề phát sinh trong thực tiễn như tranh chấp đất đai, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo tôi, Dự thảo lần này cần làm rõ một số vấn đề: đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công; dự án kinh doanh do doanh nghiệp đầu tư. Vì giải quyết được những vấn đề này chính là giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay và xử lý tận gốc việc khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định an ninh nông thôn. Thí dụ, đối với các dự án kinh doanh, phải được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận đền bù giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất.
Khoản 1 – Ðiều 36 quy định: “Kỳ quy hoạch sử dụng đất là mười năm và tầm nhìn hai mươi năm”. Về thời gian lập quy hoạch như Dự thảo là không hợp lý, bởi mười năm phải lập lại quy hoạch sử dụng đất rất tốn kém, mâu thuẫn với thời hạn giao đất, cho thuê đất (thời hạn này hiện quy định trên mười năm đến 70 năm hoặc lâu hơn), gây tâm lý không ổn định cho người được thuê đất. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch như hiện nay vẫn còn xảy ra tình trạng dễ dãi; chưa được quản lý chặt chẽ; chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, dẫn đến tình trạng điều chỉnh làm phá vỡ mục tiêu ban đầu của quy hoạch.
Dự thảo cũng chưa giải quyết căn bản những bất cập của Luật Ðất đai năm 2003. Thực tế hiện nay, không ít địa phương, cơ sở đã căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thu hồi đất theo kiểu “cứ treo dự án lên là thu hồi”, quyền lợi của người dân bị vi phạm và nhà quản lý lách luật để tình trạng dự án treo tồn tại quá lâu, gây lãng phí tài nguyên đất. Khoản 1 – Ðiều 77 quy định “bồi thường bằng tiền (…) phù hợp với thực tế địa phương” là rất chung chung, mỗi địa phương vận dụng một kiểu, dễ phát sinh tiêu cực. Vì vậy cần quy định “tài sản bồi thường phải tính theo giá trị thực tế”.
Tương tự, quy định “giá đất bồi thường phù hợp so với giá thị trường” là chưa ổn. Vì giá đất ngoài thị trường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan, khách quan. Trong đó có việc, các nhà đầu tư bất động sản liên kết với nhau để đẩy giá đất lên rất cao (tình trạng này đã và đang xảy ra ở nước ta). Như vậy, không thể xem đó là giá thị trường, làm căn cứ để làm giá bồi thường được.
Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) cũng cần bổ sung quy định việc công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến đất đai. Làm được như vậy sẽ có lợi cho công tác quản lý, giải quyết dứt điểm, triệt để những vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, góp phần ổn định an ninh chính trị trên địa bàn.
Nhandan

Ý kiến ()