Giải quyết những bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực ở Sơn La
Thầy và trò Trường PTDT nội trú tỉnh Sơn La trồng cây trong ngày khai giảng năm học mới. Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng bảo đảm cho tốc độ phát triển kinh tế ở tỉnh Sơn La những năm qua luôn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá, bình quân 14%/năm. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới, công tác dự báo, quy hoạch nguồn nhân lực, đào tạo và sử dụng lao động ở đây cần giải quyết những bất cập: thiếu lao động qua đào tạo, thiếu cán bộ có trình độ cao và thiếu công nhân kỹ thuật lành nghề,v.v.Kinh tế Sơn La hiện nay đang có sự chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với thị trường, khai thác tiềm năng phát triển của tỉnh. Trong đó, tỷ trọng sản xuất nông lâm nghiệp giảm chỉ còn xấp xỉ 39%, công nghiệp xây dựng tăng từ 9,5% năm 2001 lên 23,4%, thương mại dịch vụ tăng từ 29,6% lên 36,6%. Tổng đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2006 - 2010 ước đạt 48.926 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn...
Thầy và trò Trường PTDT nội trú tỉnh Sơn La trồng cây trong ngày khai giảng năm học mới. |
Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng bảo đảm cho tốc độ phát triển kinh tế ở tỉnh Sơn La những năm qua luôn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá, bình quân 14%/năm. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới, công tác dự báo, quy hoạch nguồn nhân lực, đào tạo và sử dụng lao động ở đây cần giải quyết những bất cập: thiếu lao động qua đào tạo, thiếu cán bộ có trình độ cao và thiếu công nhân kỹ thuật lành nghề,v.v.
Kinh tế Sơn La hiện nay đang có sự chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với thị trường, khai thác tiềm năng phát triển của tỉnh. Trong đó, tỷ trọng sản xuất nông lâm nghiệp giảm chỉ còn xấp xỉ 39%, công nghiệp xây dựng tăng từ 9,5% năm 2001 lên 23,4%, thương mại dịch vụ tăng từ 29,6% lên 36,6%. Tổng đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2006 – 2010 ước đạt 48.926 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 600 USD, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001. Những con số nêu trên cho thấy nhu cầu về thị trường lao động cũng đang chuyển động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh.
Sau giai đoạn phát triển theo chiều rộng, kinh tế Sơn La đang hình thành phát triển theo chiều sâu và tương đối rõ nét cơ cấu ngành, lĩnh vực theo tiềm năng lợi thế. Cụ thể, trên lĩnh vực công nghiệp xây dựng, việc hình thành 57 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất 3.800 MW đã đưa Sơn La trở thành tỉnh số một về lĩnh vực này. Toàn tỉnh đang hình thành tám cụm công nghiệp để thu hút đầu tư do tỉnh quản lý. Một loạt các nhà máy sản xuất xi-măng, công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất chế biến chè, cà-phê, cao-su, sản xuất giày da xuất khẩu, v.v. hình thành gắn với các vùng sản xuất chuyên canh đang đòi hỏi một lực lượng lao động có chuyên môn, tay nghề kỹ thuật cao. Để bảo đảm mức tăng trưởng bền vững, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã quan tâm đến công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Với số dân toàn tỉnh hơn một triệu người, số lao động chiếm 649 nghìn người, đạt 59% dân số và hằng năm bổ sung vào lực lượng lao động với mức tăng bình quân 4,46%. Đây là lực lượng lao động dồi dào, tương đối trẻ, có độ tuổi dưới 35 chiếm đến 62,3%.
Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, số lượng lao động dồi dào, nhưng lao động được đào tạo, có trình độ chuyên môn lại rất thiếu. Theo số liệu điều tra thực tế trên địa bàn, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn rất thấp so với cả nước. Cụ thể, năm 2001, lao động chưa qua đào tạo chiếm 91,5%, đến năm 2005 giảm xuống còn 87,1% và hiện nay số lao động được đào tạo mới đạt 25%. Phân tích số liệu cho thấy, lao động chuyên môn kỹ thuật cao rất ít, lại phân bố không đều ở các ngành, nhất là các ngành tin học, điện tử, công nghệ. Tình trạng thừa lao động chưa qua đào tạo, nhưng thiếu lao động qua đào tạo có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đang diễn ra ở tất cả các ngành, thành phần kinh tế. Trước tình hình đó tỉnh Sơn La đã tìm cách khắc phục những bất cập trong công tác đào tạo, tạo nguồn nhân lực. Hằng năm, các cơ quan chuyên môn cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động, bố trí nâng cấp, mở rộng các cơ sở đào tạo. Hiện, trên địa bàn tỉnh đang có gần 600 trường học và các cơ sở giáo dục đào tạo. Trong đó, 10 cơ sở dạy nghề, quy mô 9.372 học viên, bốn trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, với gần 10 nghìn học viên, một trường đại học Tây Bắc, quy mô đào tạo 12.523 sinh viên. Những năm tới, tỉnh Sơn La chủ trương nâng cấp một số trường lên cao đẳng và đại học, thực hiện liên kết với một số trường đại học và các cơ sở đào tạo chuyên ngành, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt, mất cân đối số lượng và chất lượng lao động.
Một vấn đề đang được quan tâm là tình trạng các cháu sinh viên ở Sơn La trúng tuyển vào các trường đại học, đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp ra trường lại không muốn trở về quê hương. Nguyên nhân là một số ngành nghề ở Sơn La chưa phát triển, môi trường công tác chưa thuận lợi, song cái chính là tỉnh Sơn La cũng chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các cháu, nhất là đối với những sinh viên giỏi, có năng lực thật sự. Năm 2001, toàn tỉnh có 298 sinh viên trúng tuyển vào các trường đại học, đạt 3 sinh viên/1 vạn dân, cao đẳng là 402 sinh viên, đạt 4 sinh viên/1 vạn dân; Đến năm 2010 tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể, với 12 sinh viên đại học/1 vạn dân, 18 sinh viên cao đẳng/1 vạn dân. Nếu quan tâm đến lực lượng lao động được đào tạo này, có chính sách quản lý, sử dụng tốt thì đây sẽ là một nguồn lực chất lượng cao trong những năm tới.
Về đào tạo lao động là con em của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sơn La thời gian qua đã có nhiều cố gắng. Bằng chứng là việc quan tâm xây dựng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường trung học dân tộc nội trú tỉnh, với quy mô ngày càng mở rộng, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Từ những ngôi trường này, nhiều thế hệ học sinh đã và đang nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong các ngành kinh tế, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận. Tuy nhiên, số lượng đào tạo qua hệ thống này còn rất nhỏ bé so với nhu cầu thực tế. Hiện, nhóm nhân lực có trình độ chuyên môn cao là người các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu nhân lực của tỉnh. Để khắc phục tình trạng này, Sơn La cần tiếp tục bổ sung cơ chế, chính sách nhằm quan tâm đến con em đồng bào các dân tộc, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Được biết, hiện nay tỉnh Sơn La đang triển khai xây dựng đề án quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2020. Đây là một chủ trương đúng, dự báo được xu thế phát triển, đi trước đón đầu những cơ hội phát triển. Song điều quan trọng là đánh giá đúng thực trạng, đưa ra được những giải pháp sát thực tiễn, giải quyết được những bất cập trong quá trình vận hành cơ chế quản lý mới. Kết hợp tốt giữa công tác dự báo, hoạch định chính sách với việc tổ chức tham vấn các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học và khảo sát thực tiễn để đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp trong quản lý giáo dục, đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài cho tỉnh Sơn La. Tập trung đầu tư, nâng cấp, mở rộng mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực. Phấn đấu đến năm 2015, số lao động qua đào tạo chiếm 40% đến năm 2020 nâng lên 50%. Mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 15 nghìn lao động.
Theo Nhandan
Ý kiến ()