Giải quyết nạn ô nhiễm môi trường ven biển ở Quảng Ngãi
Nhiều người dân sống ở các xã ven biển Quảng Ngãi hiện nay rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải, chất thải từ các khu dân cư, nhà máy, nhà hàng, khu du lịch xả ra thường xuyên. Có nơi nước thải xả ra biển đen ngầu, rác chất thành đống bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân trong vùng.
Nhiều người dân sống ở các xã ven biển Quảng Ngãi hiện nay rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải, chất thải từ các khu dân cư, nhà máy, nhà hàng, khu du lịch xả ra thường xuyên. Có nơi nước thải xả ra biển đen ngầu, rác chất thành đống bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân trong vùng.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), hiện nay, do công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và di dời dân thực hiện chưa đồng bộ, cho nên đã dẫn đến nhiều nhà máy, xí nghiệp xả chất thải, nước thải tràn lan, ảnh hưởng đến một số khu dân cư trong vùng. Hiện nay, hơn 400 hộ dân ở xã ven biển Bình Ðông sống gần Nhà máy xi-măng Ðại Việt đang phải sống trong tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và bụi. Việc xử lý rác thải, chất thải của Công ty Lilama cũng đang còn nhiều bất cập. Hiện rác thải độc hại từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang chứa đầy kho chưa được xử lý. Khi trời mưa, nước thẩm thấu mang chất độc hại từ bãi rác sinh hoạt ra hồ chứa nước Hàm Rồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt và sức khỏe của người dân trong vùng. Vụ việc kéo dài trong những tháng gần đây mà chưa có hướng xử lý. Hiện nay, người dân vẫn liên tục khiếu nại, cản trở hoạt động của nhà máy, trong khi đó chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng còn lúng túng, chưa có biện pháp giải quyết đến nơi đến chốn.
Ði trên bờ biển Quảng Ngãi hiện nay, chúng tôi chứng kiến nhiều nhà hàng, khu du lịch biển đang mọc lên nhanh chóng, kéo theo lượng rác thải, nước thải ngày càng nhiều. Nhất là tại bến cảng Sa Kỳ, cảng cá Lý Sơn hiện nay với hàng chục nghìn lượt tàu ra vào hằng ngày đã thải ra biển hàng trăm tấn chất thải sinh hoạt, nhiên liệu, cặn dầu, nước rửa tàu lẫn chất thải rắn và các chất tẩy rửa trong quá trình hoạt động. Thực tế mỗi khi bốc dỡ xong hải sản, các chủ tàu làm vệ sinh tàu thường thải các cặn bã, tạp chất trực tiếp xuống biển. Các phương tiện thủy nội địa đều thiếu bộ phận thu gom chất thải và ý thức chấp hành các quy định an toàn hàng hải, vệ sinh môi trường của các chủ phương tiện chưa cao, cho nên thường gây ô nhiễm môi trường vùng nước. Tại cảng cá Sa Huỳnh vào những ngày đầu tháng 4 này đã có hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào cảng để tiêu thụ hải sản và tiếp nhiên liệu phục vụ những chuyến ra khơi, cho nên lượng rác thải ra biển rất lớn. Ðó là chưa kể vùng ven biển này có hơn hai nghìn hộ dân sinh sống và thường vứt rác, xả nước thải trực tiếp ra biển góp phần làm cho môi trường biển bị ô nhiễm nặng. Dọc theo bờ biển xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, có khu du lịch, bãi tắm Mỹ Khê và hàng trăm nhà hàng, quán nhậu mọc lên nhanh chóng do vậy lượng rác thải, nước thải xả ra biển rất lớn. Một bãi rác chạy dài hàng cây số, mùi hôi thối đến ngạt thở. Ông Trần Văn Hải, một người dân ở đây nói: “Cả xã không có lấy một điểm đổ rác tập trung nào. Ở đây đất chật người đông, có mấy nhà xây được nhà vệ sinh đâu. Thôi thì mọi thứ đành cho ra biển vậy, “ăn, ở cùng rác mà!”.
Cũng giống như vùng biển Tịnh Kỳ, ven biển xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn), xã Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa) rác được người dân vứt xả một cách vô tội vạ. Ðâu đâu cũng thấy rác. Rác không chỉ tràn ngập khu dân cư dọc theo bờ biển mà ngay trên đường đi. Tất cả những thứ gì gọi là chất thải đều được người dân cho ra biển. Riêng xã Nghĩa An, trung bình một ngày có tới bốn tấn rác được thải ra biển. Khi triều lên, sóng biển cuốn những bãi rác này ra khơi. Sau đó, rác lại theo con sóng tấp ngược vào bờ và các khu dân cư dọc biển. Tai hại hơn, một số nơi rác thải theo sóng tràn vào hồ nuôi tôm gây dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt. Tại vùng biển Ðức Phong, người nuôi tôm lấy nguồn nước từ biển và nguồn nước ngọt từ các giếng khoan ven bờ cho vào hồ để nuôi tôm. Cứ năm đến bảy ngày, họ xả nước ở đáy hồ ra ngoài, bơm nước vào và tiến hành sục khí. Cứ mỗi lần xả nước thải, nước chảy lênh láng ra đường và phần lớn thải trực tiếp ra biển. Ðó là chưa kể đến chuyện khai thác nguồn nước ngầm để nuôi tôm một cách ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn đến sa mạc hóa vùng ven biển trong tương lai. Ông Nguyễn Văn Minh, một người dân ở xã Ðức Phong nói: Khi phong trào nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm phát triển thì cũng là lúc mạch nước ngầm ở đây bị cạn kiệt và những cánh rừng ngập mặn cũng mất dần.
Về xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), chúng tôi đi ngang qua đoạn phía trên chợ, nơi con nước thủy triều dâng lên tràn vào vùng nuôi tôm Châu Me và Tịnh Hòa, thấy toàn là rác. Trời nắng, mùi xú uế bốc lên nồng nặc từ những đống rác thải. Nhiều nhất là hai bên đầu cầu thuộc thôn Ðịnh Tân có quá nhiều rác thải vứt thành đống đã làm ảnh hưởng hàng trăm hộ dân sống gần đó. Tại xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, tình trạng ô nhiễm còn nghiêm trọng hơn. Vì ở góc Gành Cả này việc vứt rác công khai. Khoảng bốn giờ chiều những người nội trợ ở xóm Gành Cả gom rác đổ từng đống xuống bãi biển khi thủy triều vừa rút. Trên bờ, dưới nước, rác vương vãi khắp nơi, trong khi địa phương lại lúng túng trong việc xử lý. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu Nguyễn Thanh Hùng cho biết: Ô nhiễm môi trường biển hiện nay xuất phát từ chính nếp sống, tập quán sinh hoạt của người dân. Tình trạng đổ rác thải, nước thải bừa bãi cộng với việc ồ ạt khai thác rong mơ đang gây ra những hệ lụy khôn lường đối với hệ sinh thái biển và trở thành vấn đề đáng lo ngại cho sự phát triển bền vững kinh tế biển. Chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền và vận động bà con không xả nước thải, rác thải bừa bãi ra biển, nhưng hiệu quả đem lại không như mong muốn…
Tỉnh Quảng Ngãi xác định kinh tế biển luôn là hướng đi mũi nhọn. Tận dụng những tiềm năng, lợi thế từ cảng biển nước sâu, khuyến khích ngư dân đóng tàu mới công suất lớn vươn khơi xa, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản… Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển trầm trọng như hiện nay thì việc phát huy lợi thế từ biển của tỉnh đang gặp nhiều trở ngại. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi Lê Mỹ Liên cho rằng: Hiện nay, ở các địa phương, nhất là các xã ven biển thì việc quản lý, bảo vệ môi trường vùng ven bờ biển chưa được quan tâm đúng mức. Tỉnh đã bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường cho các địa phương mua phương tiện xử lý rác thải. Có nơi như Bình Sơn, Mộ Ðức, Sơn Tịnh… đã hình thành tổ, đội thu gom rác, còn hầu hết các địa phương đều bỏ lỏng chuyện này. Hình ảnh rác tràn ra ven biển là khó tránh khỏi. Bởi về phía chính quyền địa phương thì thiếu cách thức quản lý, một bộ phận người dân các vùng này thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, để nâng cao vấn đề thực hiện công tác bảo vệ môi trường ven bờ biển, Sở đẩy mạnh việc giao trách nhiệm cho địa phương quản lý trực tiếp. Sở đang khuyến cáo các địa phương thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Ðặc biệt, cần tuyên truyền vận động ngư dân tham gia bảo vệ nguồn thủy sản, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sống, môi trường biển. Các doanh nghiệp hoạt động dọc theo vùng biển sớm đề ra giải pháp đồng bộ việc đầu tư xây dựng nhà máy với xử lý môi trường. Trước mắt, Sở Xây dựng phải thực hiện sớm quy hoạch điểm xây dựng bãi đổ rác. Triển khai nhanh dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở huyện Lý Sơn. Xây dựng khu xử lý chất thải độc hại cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại xã Bình Nguyên, bảo đảm không để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thành lập đội thu gom rác thải, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và có biện pháp xử lý kịp thời các cơ sở, điểm nóng thường xảy ra ô nhiễm môi trường. Xử phạt nghiêm minh các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường… Có như vậy, mới hạn chế nạn ô nhiễm môi trường ven biển, bảo đảm phát triển kinh tế biển bền vững và nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển.
Nhandan
Ý kiến ()