Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 22-12, tại TP Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Giải quyết mối quan hệ giữa phục dụng, bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) và phát triển kinh tế – xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định: “Xác định DSVH là thế mạnh trong phát triển kinh tế – xã hội, nhiều năm trở lại đây Ninh Bình luôn coi trọng đầu tư nguồn lực cho văn hóa. Tuy nhiên, quá trình này đã nảy sinh mâu thuẫn, đòi hỏi các cấp chính quyền giải quyết, mở rộng hợp tác trao đổi để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn DSVH và phát triển kinh tế – xã hội. Nếu vấn đề này không sớm được giải quyết thì DSVH sẽ không có sự đóng góp vào sự phát triển của kinh tế-xã hội và di sản sẽ trở nên mai một”.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu khai mạc hội thảo. |
Hội thảo đã nhận được 73 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý về di sản văn hóa trong và ngoài nước, tập trung thảo luận theo 3 phần: Nhận thức chung; thực tiễn tại các địa phương; kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam và tỉnh Ninh Bình.
Nhận định DSVH là nguồn vốn cho phát triển kinh tế – xã hội, PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia cho rằng: “Bảo vệ và phát huy giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch bền vững cũng được nhìn nhận như quá trình “sản xuất văn hóa” – các đơn vị cung cấp sản phẩm văn hóa dưới dạng hàng hóa, còn cộng đồng xã hội và du khách là những người thụ hưởng, người tiêu dùng. Vì vậy, rất cần có hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế chính sách phù hợp cho việc thể nghiệm mô hình “hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn DSVH gắn với phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là du lịch bền vững”.
GS, TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) chỉ ra một số khuynh hướng ứng xử trong quan hệ giữa bảo tồn DSVH với phát triển kinh tế – xã hội tại Việt Nam, đồng thời nhận định: “Những thất bại trong việc giải quyết mối quan hệ này trong đại đa số trường hợp đều là do quá coi trọng về khai thác, lạm dụng quá mức di sản mà không quan tâm đến công tác bảo vệ, bảo tồn, dẫn tới “hy sinh” di sản vì mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng không nên quá thận trọng, chỉ chăm lo bảo tồn, giữ gìn mà không biết khai thác, phát huy giá trị di sản”.
Các đại biểu chủ trì hội thảo. |
Nghiên cứu kinh nghiệm từ Hàn Quốc trong giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội, PGS, TS Nguyễn Duy Lợi Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam hàm ý chính sách cho Việt Nam: “Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, cần phải đạt được sự cân bằng hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đối với các DSVH, cần thiết lập các nguyên tắc quản lý vững chắc để bảo tồn DSVH, quản lý an toàn, giám sát di sản; cách tiếp cận từ trên xuống với vai trò chủ đạo của cơ quan hành chính trong việc bảo tồn và phát triển các di sản. Ví dụ, để bảo tồn một ngôi làng cổ lâu đời như làng Bukchon (Hàn Quốc), các cơ quan hành chính đóng vai trò chủ đạo, quyết tâm và cam kết hỗ trợ đầy đủ”.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()