Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý đất đai tại Hà Nội còn nhiều lúng túng
Chính sách pháp luật về đất đai chưa đồng bộ, chồng chéo, liên tục thay đổi, việc phân loại, xử lý đơn thư chưa chính xác, quá hạn giải quyết cộng với sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở... là những nguyên nhân chính làm cho khiếu nại, tố cáo về đất đai trên địa bàn Hà Nội luôn là vấn đề nóng.
Khi chính quyền vô tình “tiếp tay” cho sai phạm
Hàng loạt các vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn Hà Nội thời gian qua xuất phát từ chính sự yếu kém của đội ngũ chính quyền cơ sở, gây nên nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài tại các địa phương.
Việc xử lý vi phạm đối với 10 ki-ốt cho thuê và xây dựng trái phép dọc quốc lộ 2 cũ tại khu Đồng Non, thôn Thanh Vân, xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn) là một thí dụ điển hình. Các ki-ốt nằm trên khu đất có diện tích khoảng 500 m 2 , thuộc quỹ đất công do UBND xã Tân Dân quản lý và theo quy hoạch là đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, UBND xã Tân Dân đã ký hợp đồng cho mười hộ dân thuê khu đất này với thời hạn 5 năm (từ năm 2010 đến 2015) để kinh doanh, không được xây dựng công trình kiên cố cao quá 4m, đơn giá thuê là 20 nghìn đồng/m 2 , nộp một lần tại UBND xã. Chủ tịch UBND xã Tân Dân Nguyễn Văn Long thừa nhận, việc UBND xã đã ký hợp đồng cho mười hộ thuê khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là vi phạm các quy định của Luật Đất đai năm 2013. Điều đáng nói là, khi hợp đồng của chính quyền xã chưa được thu hồi, thì các hộ được thuê đất đã xây dựng năm ki- ốt cao quá 4 m. Có mặt tại những ki-ốt nêu trên vào ngày 7-5 vừa qua, chúng tôi nhận thấy, ngoài việc xây ki-ốt kiên cố, nhiều hộ dân còn lấn chiếm phần đất ruộng tiếp giáp phía sau các ki-ốt để xây dựng trái phép với diện tích hàng trăm m 2 .
Tại các xã Vân Hòa, Phú Cường (huyện Ba Vì), những hợp đồng ký sai thẩm quyền của chính quyền xã cũng là nguyên nhân khiến cho khiếu kiện về đất đai tại địa phương kéo dài nhiều năm nay. Tại xã Phú Cường, năm 2006, khi 59 hộ dân có đơn trả lại ruộng, HTX nông nghiệp Thanh Chiểu đã ký hợp đồng cho một hộ gia đình thầu khoán, hợp đồng này đã được UBND xã ký xác nhận. Tuy nhiên, đến năm 2013, khi các hộ dân đòi lại đất, thì HTX nông nghiệp Thanh Chiểu lại không trả được ruộng cho dân, do hợp đồng thầu khoán đến năm 2015 mới hết hạn, từ đó các hộ dân liên tiếp có đơn khiếu kiện gửi các cấp. Nhận định về vụ việc tại xã Phú Cường, đại diện BanPháp chế HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, việc triển khai hợp đồng khoán thầu của HTX nông nghiệp Thanh Chiểu nhằm tránh tình trạng lãng phí đất đai, nhưng việc UBND xã xác nhận vào hợp đồng là sai nguyên tắc. UBND xã chưa thực hiện đầy đủ vai trò quản lý nhà nước trong quản lý đất đai, việc các hộ dân khi trả lại đất, xã đã để cho hợp tác xã quản lý và giao thầu là chưa đúng thẩm quyền.
Chậm trễ, lúng túng trong xử lý
Quý I năm 2014, các cơ quan hành chính của TP Hà Nội đã tiếp hơn 8.900 lượt công dân, tiếp nhận, xử lý 3.481 đơn thư các loại, trong đó đã thụ lý 596 vụ khiếu nại, tố cáo, giải quyết 422 vụ, đạt tỷ lệ 71%. Nội dung khiếu nại, tố cáo phần lớn liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất đai, quản lý đô thị, xây dựng không phép, sai phép, vi phạm tài chính, kinh tế… Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan chức năng đã kiến nghị điều chỉnh 23 phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, bổ sung hai phương án tái định cư, hủy, thu hồi 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi hơn 4.000 m 2 đất và hoàn trả gần 30.000 m 2 đất cho các hộ dân. Kiểm điểm trách nhiệm mười tập thể, cá nhân vi phạm.
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, một số vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân. Đáng chú ý, tại một số quận, huyện việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý tố cáo chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, do số lượng, chất lượng cán bộ có nơi, có lúc còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhận thức của người dân về khiếu nại tố cáo còn hạn chế, một số trường hợp bị lôi kéo, dụ dỗ khiếu nại tố cáo đông người, vượt cấp tạo “điểm nóng” gây mất an ninh, trật tự.
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam nhận định, dù các cơ quan chức năng của thành phố đã thụ lý, giải quyết hơn 70% số đơn thư khiếu nại, tố cáo, song tại cơ sở do lúng túng và chậm thực thi các quyết định của cấp trên đã khiến tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Thực tế giám sát tại các địa phương cũng cho thấy một số quy định của pháp luật hiện hành còn bất cập, thiếu rõ ràng hoặc có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cho nên các cấp chính quyền khi giải quyết không có đủ cơ sở pháp lý hoặc lúng túng trong áp dụng pháp luật, nhất là các quy định về quản lý, sử dụng đất đai và giải phóng mặt bằng dẫn đến người được hưởng chính sách sau được lợi hơn người được hưởng chính sách trước, gây ra sự so bì, khiếu kiện gay gắt. Ngoài ra, nhiều vụ việc do tính chất phức tạp, khiếu kiện kéo dài qua nhiều thời kỳ, trong khi cơ chế, chính sách thay đổi đã tạo ra những khó khăn trong giải quyết và tổ chức thực hiện. Thí dụ như tại xã Vạn Yên (huyện Mê Linh) từ năm 2002 đến 2008, UBND xã đã buông lỏng quản lý đất đai, để một số cán bộ thôn bán đất trái thẩm quyền; UBND xã cũng ký hợp đồng giao khoán cho một số hộ làm kinh tế trang trại thời hạn 20 năm và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng không đúng thẩm quyền…khiến người dân liên tục có đơn khiếu kiện. Các vụ việc đã được cơ quan chức năng thanh tra, UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Mê Linh có thông báo kết luận, nhưng đến nay UBND xã Vạn Yên vẫn chưa giải quyết triệt để, gây bức xúc trong nhân dân.
Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, những năm qua công tác thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư lớn trên địa bàn Hà Nội phát sinh nhiều phức tạp. Để nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trong lĩnh vực đất đai, ngoài việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, thành phố cần chú trọng hơn nữa việc tổ chức đối thoại và tái đối thoại với công dân trong quá trình giải quyết, đồng thời tăng cường công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, văn bản pháp luật, trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản và thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính, quy chế dân chủ ở cơ sở.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()