Giải quyết khiếu nại: Bảo vệ kịp thời quyền lợi người tiêu dùng
LSO- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Lạng Sơn là phối hợp giải quyết kịp thời các ý kiến khiếu nại, thắc mắc của hội viên, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Giải quyết hiệu quả các khiếu nại là góp phần nâng cao nhận thức về quyền lợi của người tiêu dùng trong quá trình tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa dịch vụ của người dân.
Ông Lương Đăng Ninh, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết: Hiện nay tình hình vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng có chiều hướng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp, nhưng tỷ lệ khiếu nại của người tiêu dùng còn rất thấp so với các vụ vi phạm được phát hiện, điều này một phần do tâm lý ngại đụng chạm tới các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Từ thực tế này, trong những năm qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Lạng Sơn đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng và tiếp nhận giải quyết các khiếu nại, tư vấn giải quyết khiếu nại theo phản ánh của người tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến giữa tháng 8/2018, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp nhận và tư vấn giải quyết khiếu nại 9 vụ việc; thông tin tư vấn về quyền của người tiêu dùng hơn 20 cuộc cho người dân bằng điện thoại và tại Văn phòng hội.
Đại diện Hội Khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn hóa chất lượng và bảo vệ quyền người tiêu dùng Việt Nam tổ chức tập huấn cho hội viên tại tỉnh Lạng Sơn
Trong số các vụ việc được hội tư vấn giải quyết khiếu nại thành công, điển hình là vụ: “đổ trần nhà bằng bê tông xi măng không đúng với mác đã cam kết trong hợp đồng”. Diễn biến vụ việc như sau: cuối năm 2015, hội nhận được điện thoại của một người tiêu dùng tên Hương ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn phản ánh nhà chị có hợp đồng mua bê tông tươi về đổ trần nhà với mác 250, nhưng khi lấy mẫu đi kiểm tra thì mác bê tông chỉ đạt 220. Gia đình khiếu nại đến đơn vị cung cấp bê tông nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Trên cơ sở thông tin, hội đã tư vấn, gia đình cùng đơn vị cung cấp bê tông đến Trung tâm Kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng cùng xác định chính xác một lần nữa về mác bê tông lấy từ trần nhà. Kết quả cuối cùng, mẫu bê tông đó vẫn chỉ đạt mác 220. Như vậy, đơn vị cung cấp bê tông tươi đã vi phạm hợp đồng và phải bồi thường cho gia đình chị Hương cả 3 sàn diện tích 300 m2 là 6 triệu đồng.
Ngoài vụ việc nêu trên, hội còn tư vấn giải quyết thành nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: vụ khiếu nại của hàng rau an toàn chợ bờ sông Kỳ Cùng; vụ mua xe đạp điện của cháu bé ở phố Muối; vụ mua điện thoại di động của người tiêu dùng trên thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc…
Ngoài ra, để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với hội trong việc tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, bảo vệ quyền lợi kịp thời của người tiêu dùng. Đầu tháng 8 này, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Lạng Sơn đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp Chi cục Quản lý thị trường với Chi cục Đo lường tiêu chuẩn chất lượng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trong công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng, tổ chức và cá nhân kinh doanh. Trong quy chế nêu rõ quy trình tiếp nhận, trách nhiệm phối hợp giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước từng lĩnh vực nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
TRANG NINH
Ý kiến ()