Giải quyết hợp lý việc giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng ở Nam Ðịnh có nguy cơ mất việc
Giáo viên lo lắng
Cô Phạm Thị Ninh (SN 1977), giáo viên tiếng Anh hợp đồng tại Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, phường Hạ Long (thành phố Nam Định) cho biết: Sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng môn tiếng Anh (khóa 1996-1998), tháng 10-1998 được Phòng Giáo dục – Đào tạo (GD – ĐT) thành phố tuyển dụng hợp đồng về làm Tổng phụ trách Đội và dạy môn tiếng Anh tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ. Từ tháng 10-2007 đến nay, Phòng GD – ĐT thành phố chuyển cô về dạy hợp đồng tiếng Anh tại Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân. Để nâng cao trình độ chuyên môn, cô đã tốt nghiệp đại học tại chức môn tiếng Anh năm 2002; tháng
6-2009 được cấp chứng nhận tham gia lớp “Bổ túc kiến thức đạt chuẩn đại học chính quy cho cử nhân hệ tại chức ngành tiếng Anh sư phạm” do Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định phối hợp Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội tổ chức. Trước đó, trong năm 2004, cô được Phòng GD – ĐT thành phố cho đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Băn khoăn lớn nhất là thời gian hợp đồng quá dài mà chưa được cấp trên xét duyệt vào biên chế chính thức. Nay lại nghe ban giám hiệu nhà trường thông tin: Những người có bằng tại chức, đang trực tiếp giảng dạy tiếng Anh hợp đồng tiểu học sẽ bị sa thải để đưa giáo viên tiếng Anh biên chế, đang dạy cấp hai xuống thay thế. Thông tin này làm cô thật sự lo lắng vì cô đã 34 tuổi, đang nuôi hai con nhỏ, chồng đã mất.
Phóng viên nhận được đơn kêu cứu của 38 giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng trên địa bàn thành phố Nam Định được các trường tiểu học ký hợp đồng giảng dạy từ năm 1998, năm 2000, năm 2001 và năm 2004 đến nay. Trong đó, 32/38 giáo viên có bằng đại học tại chức môn tiếng Anh; 20/38 giáo viên đại học tại chức có giấy chứng nhận “Bổ túc kiến thức đạt chuẩn đại học chính quy cho Cử nhân hệ tại chức ngành tiếng Anh sư phạm” do Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội cấp năm 2009.
Thành phố lúng túng
Trao đổi vấn đề nêu trên, ông Lê Xuân Tiến, Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Nam Định cho biết: Ngay từ những năm 90, nhiều trường học trên địa bàn đã tổ chức dạy thí điểm môn tiếng Anh. Mới đầu dạy ở lớp 5, rồi lớp 4, lớp 3. Khi thấy phụ huynh học sinh hưởng ứng chủ trương này, các trường tiểu học đã làm tờ trình xin Phòng GD-ĐT cho dạy tự chọn môn tiếng Anh cấp tiểu học. Ông Tiến khẳng định, khi tuyển giáo viên tiếng Anh, Phòng GD-ĐT không thành lập Hội đồng tuyển dụng mà chỉ cử bộ phận chuyên môn của phòng trực tiếp kiểm tra năng lực, sau đó giao quyền tự chủ với các nhà trường ký hợp đồng theo nhu cầu của phụ huynh học sinh. Các trường đều ký hợp đồng ngắn hạn, lúc đầu là ba tháng, sau đó ký theo năm học (chín tháng). Hằng năm, phòng trình UBND thành phố ra quyết định mức thu tiền đóng góp của phụ huynh học sinh khi học thêm môn tự chọn tiếng Anh để trả lương cho giáo viên dạy hợp đồng. Nhằm giảm bớt khó khăn cho giáo viên tiếng Anh hợp đồng, trong năm học 2004-2005, Phòng GD-ĐT thành phố ký hợp đồng với các giáo viên. Mục đích là hợp lý hóa về pháp lý để ngành Bảo hiểm xã hội cho đóng bảo hiểm tự nguyện theo quy định của Nhà nước, còn nhà trường vẫn trả lương theo mức đóng góp của phụ huynh hằng năm.
Thời gian đầu, thành phố có 142 giáo viên tiếng Anh hợp đồng, đến năm học 2004-2005 chỉ còn 87 người, vì trước đó, Sở GD-ĐT có hai lần tổ chức tuyển công chức tiếng Anh dạy cấp 2, cấp 3 ở tuyến huyện. Phòng GD – ĐT thành phố những năm đó chưa được giao chỉ tiêu để tuyển, mặt khác đây vẫn là môn tự chọn (không bắt buộc). Theo thống kê mới nhất, số giáo viên tiếng Anh hợp đồng hiện chỉ còn 49 người (nhiều người đã chủ động nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác).
Hiện nay, hiệu trưởng các trường tiểu học đang rất lúng túng trong giải quyết việc làm cho số giáo viên này vì đầu tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn ra công văn tạm dừng các khoản thu tự nguyện tại các trường phổ thông công lập để giảm đóng góp của phụ huynh đầu năm học. Điều này đồng nghĩa với việc 49 giáo viên tiếng Anh hợp đồng phải nghỉ việc vì nhà trường không có tiền trả lương do không thu được của phụ huynh học sinh. Nếu thành phố và Phòng GD-ĐT tuyển dụng vào biên chế thì lại vướng Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy Nam Định tháng 8-2007 quy định rõ: “Chỉ tuyển dụng mới những người đã tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy vào làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Cao Thị Tính cho biết, đây là vấn đề lịch sử để lại nên tìm ra hướng giải quyết thấu đáo, có lý có tình là rất khó khăn vì một số vấn đề đã vượt quá thẩm quyền của thành phố. Tuy nhiên, đến nay thành phố cũng như phòng giáo dục chưa hề ra văn bản nào chấm dứt giảng dạy với 49 giáo viên tiếng Anh hợp đồng tại các trường tiểu học. Được biết, UBND thành phố Nam Định đã báo cáo vấn đề này đến Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn để xem xét, chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ.
Ý kiến ()