Giải quyết gốc rễ xung đột là chìa khóa xây dựng quốc gia hòa bình
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh các nước cần giải quyết sớm các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng và bất công, không khoan dung, phân biệt đối xử, kích động bạo lực.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 12/10 đã thảo luận mở về chủ đề “Sự đa dạng, xây dựng quốc gia và tìm kiếm hòa bình” dưới sự chủ trì của Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta nhằm trao đổi về các kinh nghiệm và biện pháp xây dựng, giữ vững hòa bình, tập trung vào các vấn đề sắc tộc, tôn giáo và bản sắc.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres, Tổng thống Rwanda Paul Kagame, và nguyên Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki đã tham gia phát biểu tại cuộc họp.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres cho rằng các nhóm vũ trang phi nhà nước và đảo chính quân sự ngày càng xuất hiện nhiều trên khắp toàn cầu.
Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới, sự bất bình đẳng và đại dịch COVID-19 càng làm tình hình này trầm trọng hơn.
Ông nhấn mạnh các nước cần đảm bảo chính sách và luật pháp quốc gia tập trung ưu tiên bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, không phân biệt chủng tộc, lứa tuổi, giới tính, tôn giáo và bản dạng giới.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đề nghị thúc đẩy sự thống nhất thông qua đối thoại và tôn trọng sự khác biệt của nhau, cũng như đảm bảo sự tham gia đầy đủ và tích cực của phụ nữ, thanh niên trong tiến trình xây dựng và giữ vững hoà bình.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an đều nhất trí tầm quan trọng của sự bao trùm trong xây dựng và giữ vững hòa bình, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong việc thiết lập, tận dụng các công cụ cảnh báo sớm nhằm ứng phó với nguy cơ xung đột, bạo lực.
Các nước đề xuất các biện pháp để Hội đồng Bảo an và các cơ quan của Liên hợp quốc, tổ chức khu vực, các đối tác phát triển hỗ trợ các nước liên quan trong việc giảm thiểu, giải quyết xung đột và tái thiết hậu xung đột.
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã chia sẻ các biện pháp về xây dựng hòa bình bền vững.
Đại sứ nhấn mạnh các nước cần giải quyết sớm các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng và bất công, không khoan dung, phân biệt đối xử, kích động bạo lực.
Đại sứ cho rằng đảm bảo quản trị minh bạch, có trách nhiệm, pháp quyền và thúc đẩy văn hóa hòa bình có vai trò quan trọng trong tiến trình này. Các nước cũng cần có chiến lược phòng ngừa ngắn hạn và dài hạn về cả chính trị, ngoại giao, nhân đạo, phát triển và thể chế. Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ nâng cao năng lực để ngăn ngừa xung đột.
Nhằm thúc đẩy sự đoàn kết, thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc, tôn giáo, Đại sứ cho rằng các nước cần tiến hành các biện pháp thúc đẩy đồng thuận thông qua đối thoại và hòa giải với sự tham gia của tất cả thành phần liên quan, trong đó phụ nữ, thanh niên, người lớn tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương. Theo đó, khi xây dựng luật pháp, chính sách, cơ chế ở tất cả các cấp, đặc biệt ở cấp địa phương, cần lồng ghép và quan tâm đầy đủ nhu cầu của tất cả mọi người.
Về tăng cường hợp tác quốc tế, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh vấn đề huy động nguồn lực cho các nước liên quan và đề nghị các phái bộ của Liên hợp quốc, nhóm Liên hợp quốc ở cấp quốc gia, các tổ chức khu vực và các đối tác phát triển cần tăng cường phối hợp với nhau hơn nữa.
Trong quá trình này, các bên cần tôn trọng các nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia, phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế và tính tới trình độ phát triển, bối cảnh lịch sử và các đặc thù khác của mỗi quốc gia.
Đại sứ khẳng định, là một nước đa tôn giáo, đa sắc tộc, Việt Nam luôn coi sự đa dạng là nguồn sức mạnh mang lại sự ổn định và phát triển của mình qua nhiều thời kỳ lịch sử./.
Ý kiến ()