Giải quyết dứt điểm vướng mắc tại dự án thủy điện Bắc Giang
Kỳ I: Dự án trăm tỷ “đắp chiếu” 10 năm
– Dự án thủy điện Bắc Giang, xã Quý Hòa, huyện Bình Gia là công trình thủy điện đầu tiên của tỉnh được khởi công xây dựng năm 2008. Thế nhưng từ đó đến nay, công trình vẫn đang trong tình trạng dở dang, gây lãng phí nguồn lực và bức xúc cho Nhân dân trong vùng dự án.
“Đại dự án” ở huyện nghèo
Dự án thủy điện Bắc Giang nằm trong quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lạng Sơn được UBND tỉnh phê duyệt năm 2007. Vị trí xây dựng công trình nằm trên sông Bắc Giang thuộc xã Quý Hòa, huyện Bình Gia do Công ty Cổ phần Năng lượng Someco 1 có địa chỉ tại xã Quý Hòa, huyện Bình Gia làm chủ đầu tư.
Dự án có quy mô công suất lắp máy 14 MW, thiết kế 2 tổ máy sau đập, dự kiến sản lượng điện thương phẩm hàng năm đạt 56,3 triệu kW/h, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 312 tỷ đồng.
Về nguồn vốn thực hiện dự án, nhà đầu tư sử dụng vốn đối ứng tự có 30% tổng mức đầu tư và 70% vốn vay của các tổ chức tín dụng. Đơn vị tài trợ vốn cho dự án là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn.
Việc giải ngân vốn đầu tư của tổ chức tín dụng được thực hiện tương ứng với việc chủ đầu tư bố trí đủ vốn đối ứng theo đúng tỷ lệ đã được ký kết trong hợp đồng cung cấp tín dụng.
Dự án được khởi công quý II/2008, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành quý IV/2010. Đây là dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn nằm trên địa bàn huyện nghèo Bình Gia, vì vậy, công trình được người dân nơi đây quan tâm và kỳ vọng.
Dự án thủy điện Bắc Giang khi đang trong thời gian thi công rầm rộ (ảnh tư liệu chụp ngày 4/8/2010)
Để đảm bảo tiến độ, cuối năm 2008, UBND huyện Bình Gia đã khẩn trương giải phóng mặt bằng khu vực cụm công trình đầu mối và đường vận hành đạt 100% kế hoạch. Cụ thể, UBND huyện đã bàn giao cho chủ đầu tư 16,3 ha mặt bằng để thi công cụm công trình đầu mối và 1,8 ha mặt bằng để mở đường vận hành.
Khi mới xây dựng công trình, chủ đầu tư và các nhà thầu đã huy động hàng trăm công nhân cùng phương tiện thiết bị thi công hùng hậu, triển khai xây lắp rầm rộ 2 ca liên tục trên công trường. Từ bản thiết kế dự án được duyệt đến thực tế triển khai, khối lượng công trình lớn dần và thay đổi từng ngày.
Khủng hoảng tài chính
Những tưởng công trình sẽ băng băng về đích theo kế hoạch, thì từ cuối năm 2010, các cổ đông chiến lược của Công ty Cổ phần Năng lượng Someco 1 rơi vào khủng hoảng tài chính, không đủ tiềm lực để tiếp tục triển khai dự án.
Đến giữa năm 2011, toàn bộ việc thi công xây lắp các hạng mục của dự án thủy điện Bắc Giang bắt đầu ngừng hẳn. Việc tài trợ vốn đầu tư của đơn vị tài trợ vốn cho dự án cũng tạm dừng từ đây.
Theo số liệu báo cáo của nhà đầu tư, tại thời điểm ngày 31/12/2011, khối lượng thực hiện dự án đạt 272 tỷ đồng, khối lượng đã nghiệm thu 156,4 tỷ đồng và đã giải ngân thanh toán 135,5 tỷ đồng.
Từ thực tế việc huy động vốn của nhà đầu tư gặp khó khăn và theo nguyện vọng của công ty, các sở, ngành của tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh thời gian thực hiện đầu tư công trình. Mục tiêu của tỉnh là tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm thời gian để tìm kiếm đối tác có đủ năng lực về tài chính tham gia góp vốn tiếp tục thực hiện dự án.
Ngày 24/4/2014, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với các nhà đầu tư để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói chung và dự án thủy điện Bắc Giang nói riêng. Theo đó, UBND tỉnh tiếp tục thống nhất gia hạn tiến độ đối với các dự án thủy điện để chủ đầu tư tiếp tục tìm kiếm đối tác đầu tư, trong đó có dự án thủy điện Bắc Giang.
Đến năm 2017, Công ty Cổ phần Năng lượng Someco 1 đã tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược và nhượng lại phần lớn cổ phần. Đến đầu năm 2018, do công trình kéo dài nhiều năm, định mức xây dựng, giá thành tính vào dự toán công trình trước đây không còn phù hợp, chủ đầu tư phải điều chỉnh và tiếp tục xin được gia hạn thời gian hoàn thành đến năm 2020.
Tháng 5/2018, dự án chính thức tái khởi động và doanh nghiệp đã thi công thêm được khoảng 5% khối lượng công việc. Tuy nhiên, dự án đang triển khai thì cổ đông lớn này của công ty cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính nặng nề và đến tháng 3/2019, dự án tiếp tục dừng thi công đến nay. Một lần nữa nhà đầu tư lại lỗi hẹn với kỳ vọng của UBND tỉnh và hàng trăm tỷ đồng vốn đã đổ vào dự án vẫn không phát huy hiệu quả.
Như vậy, kể từ khi dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2007 đến nay, dự án đã được tỉnh gia hạn thời gian hoàn thành tới lần thứ 5 nhưng vẫn ì ạch tiến độ và trong tình trạng dở dang.
(Còn nữa)
Ý kiến ()