Giải phóng Trường Sa, quyết định lịch sử, một khoảnh khắc lịch sử
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, của Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã tranh thủ thời cơ, mưu trí, thần tốc, táo bạo, chủ động, bất ngờ, phối hợp lực lượng Quân khu 5 tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc khỏi tay chính quyền ngụy Sài Gòn.
Vào thời điểm đó, tình hình chiến trường phát triển rất nhanh, ta tiến công mạnh trên khắp các mặt trận. Trên hướng biển, ngày 4-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu 5 và BTL Hải quân “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân đội Sài Gòn đóng giữ thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng”; đồng thời giao cho BTL Hải quân: “Dùng lực lượng hiện có, phối hợp lực lượng đặc công Quân khu 5, tranh thủ thời cơ có lợi đánh chiếm quần đảo Trường Sa – một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng đất nước”.
Chấp hành mệnh lệnh của Thường trực Quân ủy T.Ư và Chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Thường vụ Đảng ủy BTL Hải quân nhận thấy, tình hình lúc này đã khác trước, nếu không khẩn trương sẽ mất thời cơ, sẽ không hoàn thành nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược này. Thường vụ Đảng ủy và BTL Hải quân đã hạ quyết tâm “bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến chiếm đảo trước ta… không cho địch đối phó tăng cường”, “Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, do đó không để một tấc đất lọt vào tay bất cứ kẻ nào đến lấn chiếm”. Thường vụ Đảng ủy, BTL Hải quân giao cho đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó Tư lệnh Quân chủng đại diện BTL Hải quân ở Đà Nẵng, hiệp đồng chặt chẽ với Quân khu 5 triển khai tổ chức chiến đấu, giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa; điều động các tàu của Đoàn 125 từ Hải Phòng vào Đà Nẵng; chỉ đạo thành lập và kiện toàn các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy của lực lượng chiến đấu giải phóng Trường Sa, với phiên hiệu Đoàn C75, do đồng chí Mai Năng làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Dương Tấn Kịch làm Chỉ huy phó và đồng chí Trần Xuân Toản phụ trách công tác chính trị của Đoàn. Mọi việc triển khai chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến, công tác chính trị tư tưởng, động viên bộ đội trong các giai đoạn hành quân vượt biển, nhất là giai đoạn chiến đấu được tiến hành hết sức khẩn trương, bí mật. Toàn lực lượng hừng hực khí thế chiến đấu, 100% cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ đã viết quyết tâm thư gửi Đảng ủy đơn vị và BTL Quân chủng, xin thề quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vinh quang của Tổ quốc giao cho.
Với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, 4 giờ ngày 11-4-1975, lực lượng giải phóng Trường Sa được lệnh xuất kích rời quân cảng Đà Nẵng. Để bảo đảm giữ bí mật, bất ngờ cho trận đánh, bí mật đối với lực lượng nước ngoài nuôi ý đồ lợi dụng các cơ hội giao thời xâm chiếm Trường Sa, ba tàu vận tải của Đoàn 125 được ngụy trang giả tàu đánh cá. Vì thời gian thực hiện nhiệm vụ gấp, nên trong quá trình hành quân trên biển, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đoàn C75 tiếp tục hội ý, bổ sung hoàn thiện kế hoạch tác chiến và chỉ đạo các chi bộ, chỉ huy đơn vị đôn đốc bộ đội tích cực ngụy trang, hạn chế phát sóng vô tuyến; làm tốt công tác tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ, phổ biến phương án đánh địch và động viên cán bộ, chiến sĩ giữ vững ý chí chiến đấu, quyết tâm khắc phục sự cố kỹ thuật tàu và những khó khăn do say sóng, chưa quen ăn ở, sinh hoạt trên tàu; đề cao tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, tin tưởng vào thắng lợi của trận đánh…
Rạng sáng 14-4-1975, lực lượng của ta bí mật đổ bộ chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây. Bị đánh bất ngờ, địch hoang mang, chống trả. Địch dùng súng 12,7 mm, cối 82, ĐKZ bắn vào đội hình ta. Nhưng với tinh thần ý chí quyết tâm cao, chỉ sau 30 phút chiến đấu dũng cảm, bộ đội ta nhanh chóng tiêu diệt các vị trí quân địch, diệt sáu tên, bắt 33 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị của địch và hoàn toàn làm chủ đảo. Song Tử Tây bị mất, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Địch vội điều hai tàu HQ16 và HQ402 từ Vũng Tàu ra định phản kích chiếm lại, nhưng do sự nản lòng, nhụt chí trước sự bố phòng chặt chẽ và tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao của ta ở đảo, cộng với những thất bại nặng nề, dồn dập của chúng trên khắp các chiến trường, nhất là tuyến phòng thủ Phan Rang của chúng bị vỡ, đã làm cho tinh thần binh lính đi chi viện hoang mang, dao động, không dám tiến ra đánh đảo Song Tử Tây, mà phải quay về tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết, nơi đặt trung tâm chỉ huy của địch ở quần đảo Trường Sa. Cùng thời gian này, trên vùng biển quần đảo Trường Sa, nhiều tàu chiến và máy bay địch xuất hiện. Trước tình hình đó, BTL Hải quân chủ trương để một bộ phận lực lượng phòng thủ đảo Song Tử Tây. Lực lượng còn lại chuyển về Đà Nẵng củng cố, bổ sung vũ khí trang bị, tổ chức rút kinh nghiệm, xây dựng phương án tác chiến, chuẩn bị kế hoạch giải phóng tiếp các đảo còn lại khi thời cơ đến.
Để bảo đảm cho đợt hai chiến đấu giải phóng các đảo còn lại do Ngụy quyền Sài Gòn quản lý ở quần đảo Trường Sa giành thắng lợi, BTL Hải quân đã chỉ đạo Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn C75 và cấp ủy, chỉ huy các tàu, phân đội tổ chức ngay việc rút kinh nghiệm trận đánh giải phóng đảo Song Tử Tây; tiếp tục củng cố đơn vị và chuẩn bị chu đáo kế hoạch cũng như các mặt bảo đảm phục vụ cho chiến đấu; động viên bộ đội nắm vững tư tưởng chỉ đạo tác chiến là: “Thường xuyên nắm địch, nắm thời cơ, khi có lệnh lên đường được ngay; hành động chiến thuật táo bạo, kiên quyết tiến công, mưu trí, linh hoạt, khôn khéo, giữ bí mật” và phương châm “táo bạo, kiên quyết, độc lập tiến công, đánh địch ngay từ đầu, phòng ngự vững chắc”. Đêm 24 rạng sáng 25-4-1975, lực lượng của ta đã đổ bộ bí mật, bất ngờ nổ súng tiến công các mục tiêu trên đảo Sơn Ca, sau 30 phút chiến đấu ta tiêu diệt hai tên, bắt 17 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị và xuồng máy của chúng, kéo cờ giải phóng trên đảo Sơn Ca.
Trước tình hình ta giải phóng đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca, quân địch ở các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa hoang mang cực độ. Ngày 26-4, địch cho nhiều tàu tuần dương, khu trục qua lại quanh đảo Sơn Ca, với ý định tiến công lên đảo nếu có thời cơ, nhưng cuối cùng biết là bất lực, địch đành quay tàu về trú ở đảo Nam Yết. 20 giờ 45 phút ngày 26-4, đài kỹ thuật ta bắt được điện của sở chỉ huy địch lệnh cho lực lượng trấn giữ của chúng chuẩn bị rút khỏi các đảo còn lại. Sở chỉ huy Quân chủng liền hạ lệnh cho hai tàu 673 và 641 lên đường tiến vào giải phóng đảo Nam Yết. 10 giờ 30 phút ngày 27-4, lực lượng của ta trên hai tàu đổ bộ lên đảo. Sau khi lên đảo, một bộ phận được phân công ở lại kiểm tra toàn bộ trận địa và triển khai công tác bố trí lực lượng, sẵn sàng chiến đấu; một bộ phận khác nhanh chóng xuống tàu, tiếp tục hành quân đi giải phóng đảo Sinh Tồn và đảo Trường Sa. Cũng như đảo Nam Yết, quân địch ở đây quá hoang mang đã rút chạy từ sáng sớm ngày 28-4, nên lực lượng ta đổ bộ thuận lợi. 10 giờ 30 phút ngày 28-4, ta hoàn toàn làm chủ đảo Sinh Tồn. Phát huy khí thế tiến công giành thắng lợi như vũ bão của quân ta trên khắp các chiến trường, 16 giờ ngày 28-4, tàu 673 chở lực lượng ta tiến thẳng về phía đảo Trường Sa. Đây là đảo xa nhất nằm ở phía nam của quần đảo Trường Sa, nhưng có diện tích lớn nhất so với các đảo vừa giải phóng. 9 giờ ngày 29-4, lực lượng ta đã hoàn thành công tác đổ bộ, hoàn toàn làm chủ đảo Trường Sa; đồng thời, kết thúc một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược do Quân ủy T.Ư giao cho Quân chủng Hải quân.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng các đảo do quân đội Sài Gòn đóng giữ ở quần đảo Trường Sa, có ý nghĩa giá trị vô cùng to lớn đối với dân tộc cả trong hiện tại và lâu dài. Giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa đã tạo điều kiện quan trọng để cùng với lực lượng tàu của ta hình thành mũi bao vây, khống chế, tiến công quân địch trên hướng biển từ ngoài khơi xa; kịp thời phát hiện, ngăn chặn địch từ ngoài vào và từ trong đất liền chạy ra, góp phần quan trọng để làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, một thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Đồng thời, kịp thời giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa đã giữ được chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc trên quần đảo này.
Bởi ngay sau khi ta vừa giải phóng đảo, thì đã có một số tàu nước ngoài đến hòng xâm chiếm đảo, nhưng thấy cờ của Quân giải phóng Miền nam Việt Nam, nên họ đã phải quay ra.
Chiến thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam trong giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đã thể hiện nắm vững sự chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Bộ Tổng Tham mưu, quán triệt sâu sắc ý nghĩa của nhiệm vụ, nêu cao tinh thần tích cực, chủ động nắm chắc thời cơ, nhạy bén với những diễn biến tình hình, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo sử dụng lực lượng tinh nhuệ, thực hiện cách đánh sáng tạo, bí mật, bất ngờ tiến công giải phóng các đảo trước khi giải phóng Sài Gòn, đúng với ý định của cấp trên. Gần 40 năm đã trôi qua, song chiến công giải phóng Trường Sa của Quân chủng Hải quân vẫn còn hết sức tươi mới, minh chứng cho một “quyết định lịch sử, khoảnh khắc lịch sử”, vẻ vang trong truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần tô thắm chiến công của Quân đội và Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()