Giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B: Đẩy nhanh tiến độ
– Tập trung hoàn thiện thủ tục ban hành thông báo thu hồi đối với diện tích đất lúa, xây dựng và ban hành giá đất cụ thể làm căn cứ tính toán bồi thường; tăng cường nhân lực để thực hiện đo đạc kiểm đếm, lập phương án bồi thường; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng… Đó là những giải pháp mà các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn đang triển khai để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3 đến km 13.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III với 4 làn xe ô tô, có điểm đầu tại km 3 700 đến km 18 đi qua các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn. Dự án có tổng diện tích thu hồi đất hơn 90 ha, trong đó: huyện Cao Lộc 45,7 ha; Lộc Bình 46,6 ha; thành phố Lạng Sơn 1,59 ha với gần 1.000 lượt gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng.
Nhà thầu triển khai xây lắp hạng mục hầm chui dân sinh tại xã Khánh Xuân thuộc dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3 700 đến km 18
Công trình được UBND các huyện, thành phố thực hiện đo đạc kiểm đếm giải phóng mặt bằng từ đầu năm 2021, mục tiêu UBND tỉnh đặt ra là hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2022. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, đến giữa tháng 6/2022, huyện Cao Lộc đã giải phóng được 78% diện tích; huyện Lộc Bình giải phóng được 71,4% diện tích; thành phố Lạng Sơn đang đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng toàn dự án, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2022, hiện các huyện, thành phố đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện.
Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Đến giữa tháng 6/2022, diện tích cần phải giải phóng của huyện còn gần 10 ha và thực hiện di dời các công trình hạ tầng khác như: hệ thống cột điện, cáp viễn thông, hoàn trả công trình thuỷ lợi cho người dân. Do đó, Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng của huyện đã yêu cầu tăng cường nhân lực để thực hiện công tác này. Đối với diện tích đất lúa cần chuyển đổi trên 10 ha, hiện đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, huyện đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục ban hành thông báo thu hồi gắn với đó là thực hiện các thủ tục khác theo quy định pháp luật.
Được biết hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc đã thành lập 1 tổ chuyên trách với 11 cán bộ chuyên giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng của dự án. Đồng thời, tổ chuyên trách phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Còn tại huyện Lộc Bình, công tác giải phóng mặt bằng cũng đang được Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện thực hiện với khí thế khẩn trương. Ngoài thành lập tổ chuyên trách giải phóng mặt bằng dự án, UBND huyện còn yêu cầu xã Khánh Xuân tăng cường phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và chủ đầu tư để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, nhất là hạng mục tuyến đường chính và khu tái định cư.
Ông Hoàng Văn Chiều, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Tính đến giữa tháng 6/2022, huyện đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được 27,97/34,29 ha đất để thực hiện tuyến đường chính; đối với khu tái định cư đã giải phóng được 5,03/12 ha và 0,31/0,31 ha đường công vụ. Khối lượng giải phóng mặt bằng đạt khá nhưng nhiều vị trí chưa liền khoảnh gây khó khăn cho thi công. Ngoài khu tái định cư hiện diện tích chưa giải phóng còn rất lớn, do vậy, UBND huyện đang dồn toàn lực để thực hiện phần công việc còn dở dang. Theo đó, UBND huyện tăng cường nhân lực, làm cả ngày nghỉ, phấn đấu giải quyết dứt điểm về mặt bằng khu tái định cư trong tháng 9/2022 và tuyến chính trong tháng 10/2022.
Đối với diện tích 1,59 ha của thành phố Lạng Sơn, hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã thực hiện kiểm đếm xong toàn bộ diện tích và tài sản trên đất. Tuy nhiên, đang phát sinh vướng mắc liên quan đến đất lúa, thành phố đang cùng Sở Tài nguyên và Môi trường bổ sung hồ sơ để hoàn thiện thủ tục thông báo thu hồi đất, xây dựng giá đất cụ thể để thực hiện bồi thường cho các hộ theo quy định.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh cũng bố trí 4 cán bộ hỗ trợ UBND các huyện trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, bố trí đủ kinh phí để chi trả theo phương án bồi thường.
Công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có sức lan toả mạnh trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Do vậy, việc sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng, thúc đẩy thi công sớm hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2024 sẽ có ý nghĩa chính trị, kinh tế rất lớn, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối. Qua đó, hình thành hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật ngày càng đồng bộ, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
Ý kiến ()