Giải phóng mặt bằng đang "gây khó" cho tiến độ dự án giao thông
Ngày 12/11 tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức toạ đàm trực tuyến “Tiến độ và chất lượng các công trình giao thông trọng điểm”.
Ngày 12/11 tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức toạ đàm trực tuyến “Tiến độ và chất lượng các công trình giao thông trọng điểm”.
Tham gia cuộc tọa đàm có đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Tp. Hà Nội và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4).
Tọa đàm nhằm cung cấp thông tin về thực trạng, giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thông tin về lựa chọn chủ đầu tư và nhà thầu đủ năng lực, cũng như làm rõ vấn đề sử dụng nguồn vốn huy động từ các nguồn lực trong xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ và chất lượng các công trình giao thông trọng điểm quốc gia.
Hình ảnh tại buổi toạ đàm (Ảnh: K.D) |
Thực trạng tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án
Tại cuộc toạ đàm trực tuyến, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, cả nước hiện có 26 công trình, dự án giao thông trọng điểm với tổng kinh phí đầu tư khoảng 576.484 tỷ đồng. Riêng trên địa bàn TP. Hà Nội có 10 dự án giao thông trọng điểm đang tổ chức thực hiện tập trung, quyết liệt… Nhờ có sự phối hợp giữa lãnh đạo TP.Hà Nội và Bộ GTVT, nên công tác giải phóng mặt bằng đạt những tiến độ đáng ghi nhận. Hiện nay, Bộ đã bàn giao cho chủ đầu tư 3 dự án lớn là dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, nhà ga T2 – sân bay Nội Bài. Còn 6 công trình Bộ GTVT đang tổ chức chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn nảy sinh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, xử lý đặc thù trong quá trình tổ chức thực hiện trong công tác giải phóng mặt bằng tiếp theo.
Về chất lượng công trình, nhiều ý kiến gửi ý thắc mắc tới lãnh đạo Bộ GTVT khi hàng loạt công trình giao thông như Láng – Hòa Lạc, cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, cao tốc TPHCM – Trung Lương hoặc mặt cầu Thăng Long vừa sửa chữa, sau khi đưa vào khai thác đã xuất hiện hiện tượng lún, bị xuống cấp, phá vỡ kết cấu mặt đường…
Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ GTVT) thừa nhận có những tồn tại sau khi đưa công trình vào sử dụng, cần phải được khắc phục. Ví dụ như trên tuyến đường Láng – Hòa Lạc có một số vị trí bị úng ngập. Hiện tượng này là do các công trình xây dựng xung quanh tuyến đường làm ngăn cản, mất hệ thống thoát nước của tuyến đường. Tuyến đường Cầu Giẽ-Ninh Bình cũng có hiện tượng lún, nguyên nhân là do tuyến đường đi qua khu vực có địa chất yếu, việc xử lý lún cần có thời gian. Bên cạnh đó, do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng nên việc xử lý nền yếu đôi khi chưa thực hiện được theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Chính vì vậy, để đưa công trình vào khai thác mang lại những hiệu quả xã hội thì Bộ GTVT đã phải đưa ra giải pháp “sử dụng những mặt đường quá độ”, tức là chưa trải thảm bê tông nhựa ở những đoạn đường đó, chỉ sử dụng kết cấu mặt đường láng nhựa để đưa công trình vào khai thác. Sau khi khai thác một thời gian, công trình hết thời gian lún thì sẽ thi công kết cấu mặt đường theo đúng thực tế là bê tông nhựa. Đây là giải pháp xử lý để phù hợp với tình hình thực tế của công trình.
Về vấn đề giám sát công trình, Bộ đã ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm và quy trình giám sát thực hiện các dự án công trình giao thông. Trách nhiệm của các chủ thể liên quan là phải thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, với tư vấn giám sát và tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm về đảm bảo chất lượng công trình.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm, về nguyên tắc thì tư vấn giám sát cũng thực hiện việc đấu thầu. Tuy nhiên hiện nay, một số nhà thầu tư vấn giám sát nước ngoài, khi trúng thầu, thì thuê lại các tư vấn giám sát của Việt Nam. Trong quá trình thuê lại, chủ đầu tư cũng đã có rà soát giúp cho các tư vấn giám sát nước ngoài. Một số tư vấn có năng lực hạn chế, Bộ cương quyết yêu cầu thay thế. Thậm chí có những tư vấn giám sát đã bị tước hẳn giấy phép hành nghề và yêu cầu học tập lại, kiểm soát lại thì mới được cấp phép tiếp. Trên thực tế vừa rồi, Bộ cũng đã phân lại các tổ tư vấn giám sát trong nước.
Đối với tư vấn giám sát nước ngoài, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu trình danh sách tư vấn thuê Việt Nam thông qua tổ chức đánh giá của Việt Nam. Nhờ đó cũng loại trừ được rất nhiều tư vấn giám sát yếu kém và chất lượng công trình đã được nâng lên.
Nguyên nhân dẫn đến các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng?
Dù là những công trình trọng điểm nhưng trên thực tế hiện nay vẫn có nhiều công trình còn khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều ý kiến cho rằng năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu ảnh hưởng quan trọng đến tiến độ xây dựng của các công trình, và một vấn đề đáng quan ngại hiện nay là việc thành lập Ban quản lý dự án một cách thiếu chuyên nghiệp khi mỗi một công trình lại có một Ban quản lý dự án đi kèm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết: Theo quy định thì có nhiều phương thức quản lý dự án, trong đó có phương thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án bằng cách thành lập Ban quản lý dự án. Hiện nay chúng ta đang thực hiện phương thức này ở các cơ quan, bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, ở Bộ GTVT có đặc thù khác, đó là cùng một lúc đơn vị phải giải quyết rất nhiều dự án lớn, nên Bộ đã thành lập các Ban quản lý dự án chuyên nghiệp để thực hiện các dự án ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy, các dự án của Bộ GTVT không có hiện tượng thành lập quá nhiều ban quản lý mà chỉ thành lập ban quản lý dự án ở 2 cấp. Cấp trực tiếp do Bộ quản lý và cấp do các Cục quản lý.
Ông Trường cho biết thêm, các Ban Quản lý dự án trên được đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực một cách bài bản, nên có thể tiếp cận và quản lý tốt các nguồn vốn. Đại diện Bộ GTVT cũng cho rằng cần thành lập các Ban quản lý dự án đầu tư chuyên nghiệp mới có thể đáp ứng yêu cầu đầu tư hiện nay.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc thi công các công trình trọng điểm, là doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT, ông Lê Ngọc Hoa – Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) cho biết: đơn vị đã tham gia thi công tại nhiều dự án giao thông trọng điểm như Đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài, đường vành đai 3 trên cao, đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, các công trình mở rộng Quốc lộ 1… Có thể nói sức ép tiến độ các công trình trọng điểm cũng như việc quản lý chất lượng luôn được Cienco 4 luôn chủ động thực hiện, bố trí tổ chức thi công khoa học, hợp lý. Đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật của đơn vị cũng luôn được nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình tại từng hạng mục và từng bước thi công.
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, ở nước ngoài có các mặt bằng sạch để giao cho nhà đầu tư tiến hành thi công từ đầu đến cuối, nhưng đặc điểm của Việt Nam là chúng ta vừa giải phóng mặt bằng vừa thi công nên nhiều khi ảnh hưởng đến tiến độ công trình… Để giải quyết vấn đề này, đại diện Bộ GTVT cho biết, về mặt cơ chế chính sách, Bộ GTVT cũng đã trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, để đưa ra chính sách đền bù, giải phóng một cách thấu đáo. Ngoài ra, trong những năm vừa rồi, Chính phủ ban hành Nghị định 69 đã tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, chính sách giải phóng mặt bằng hiện nay của chúng ta còn phụ thuộc rất nhiều điều kiện khác nhau trong các vùng miền, chưa bao quát được hết nên việc không chấp nhận, không bằng lòng của người dân xảy ra khá lớn. Vì vậy, Bộ GTVT đã tìm các giải pháp cùng chính quyền địa phương, đặc biệt xung quanh vấn đề đền bù, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ việc làm trên tinh thần bằng hoặc là tốt hơn nơi ở cũ…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()