Giải phóng mặt bằng cần sự ủng hộ của người dân
LSO-Đến đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có hàng loạt các dự án giao thông, dự án khu vui chơi giải trí và nhiều công trình thuộc các lĩnh vực khác đang bị chậm tiến độ do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Điển hình như dự án đường nội bộ cửa khẩu Hữu Nghị, đường Na Sầm – Na Hình, Công viên bờ sông Kỳ Cùng giai đoạn 2, đường Yên Trạch – Lạng Giai, đường Lương Năng – Tri Lễ – Hữu Lễ… với cơ chế bồi thường theo quy định của nhà nước khá thỏa đáng. Trong khi đó, việc xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu theo phương thức nhà nước hỗ trợ và nhân dân tự làm thì người dân sẵn sàng hiến đất cả nghìn mét vuông đất mà không đòi một đồng tiền bồi thường như bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, sân chơi thể thao tại khu dân cư. Đây là một thực tế trái ngược trong việc cùng triển khai thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Thực hiện xây lắp tại đường Bản Nằm – Bình Độ – Đào Viên (Tràng Định) |
Tổng kết công tác thực hiện nhiệm vụ kết hoạch của ngành giao thông vận tải năm 2013 cho thấy, trong lĩnh vực phát triển giao thông nông thôn năm 2013, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 252 km đường giao thông nông thôn, trong đó nhân dân đóng góp bằng tiền mặt là trên 20 tỷ đồng và hiến tới 8,5 ha đất để làm đường. Đáng chú ý có nhiều huyện người dân hiến đất làm đường, sân vận động, nhà văn hóa rất lớn như Hữu Lũng có gần 150 hộ hiến diện tích trên 10 nghìn m2, người dân huyện Văn Quan hiến trên 32 nghìn m2…
Tuy nhiên, khi nhà nước thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, người dân trực tiếp được hưởng lợi từ công trình và được nhận tiền bồi thường đền bù nếu bị thu hồi đất và tài sản trên đất nhưng việc giải phóng mặt bằng lại gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu chúng tôi thu thập được từ năm 2010 đến hết năm 2013, các đơn vị từ cấp tỉnh đến các huyện, thành phố đã thực hiện và phê duyệt khoảng hơn 400 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phục vụ đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật với diện tích thu hồi trên 1.300 ha và kinh phí bồi thường cho người bị thu hồi đất khoảng 1.700 tỷ đồng nhưng có tới hàng chục phương án bồi thường không thể thực hiện được do người dân không chấp hành.
Để thực hiện khối lượng công việc rất lớn này, UBND tỉnh đã ban hành hàng chục văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo đúng quy định của Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Dự án đường nội bộ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là điển hình trong việc chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân của việc chậm tiến độ ngoài việc người dân chưa được tuyên truyền đầy đủ và đúng mức các chủ trương, chính sách pháp luật về bồi thường cũng như mục tiêu của dự án từ chính quyền cơ sở thì có một phần từ những người được nhà nước giao thực hiện dự án. Dự án này có chiều dài triển khai 1km nhưng việc đền bù của dự án kéo dài tới hơn 4 năm vẫn chưa giải quyết xong. Hiện vẫn còn một số hộ chưa nhận tiền đến bù và việc giải quyết khiếu nại mất nhiều thời gian.
Hầu hết các công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng đều triển khai theo quy hoạch và để phục vụ cho chính người dân nhưng việc công khai quy hoạch, tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng, công tác bố trí tái định cư khi thực hiện dự án chưa được nghiên cứu thực hiện kịp thời. Đây là một trong những “điểm nghẽn” mà các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ cần khắc phục trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng trong thời gian tới.
Hiện cơ chế về chịu trách nhiệm khi các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu bị chậm tiến độ do nguyên nhân giải phóng mặt bằng còn chưa rõ ràng thì hơn hết nội dung về bồi thường giải phóng mặt bằng cần được quy định chặt chẽ trong hợp đồng giữa các đơn vị được giao thực hiện hạng mục này. Ngoài ra, một điểm quan trọng nữa là khi hình thành ý tưởng xây dựng công trình các đơn vị được giao cần tham vấn kỹ lưỡng từ chính người dân bị ảnh hưởng cũng như những người được hưởng lợi từ dự án. Có như vậy mới mong muốn nhận được sự đồng thuận của người dân khi dự án được triển khai thực hiện.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()