Giải phóng mặt bằng các dự án ở thành phố: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ
– Xác định công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm, thành phố Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác này. Mục tiêu đặt ra là tạo quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư, xây dựng các công trình, dự án đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Nhà thầu tập trung thi công hạng mục hạ tầng giao thông khu đô thị Nam Hoàng Đồng mở rộng
Trong năm 2023, thành phố Lạng Sơn triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) 39 dự án với diện tích 230,4 ha, có 1.713 hộ và 34 tổ chức bị ảnh hưởng. Trong đó, có 5 dự án trọng điểm của tỉnh và 10 dự án trọng điểm của thành phố. Đây là các dự án rất quan trọng để thành phố thực hiện chỉnh trang, phát triển đô thị và tạo ra dư địa phát triển mới trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, thành phố đã gặp không ít những khó khăn, vướng mắc nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thành phố đã tập trung giải quyết có hiệu quả, qua đó thúc đẩy tiến độ GPMB các dự án.
Qua thực tế theo dõi, khó khăn, vướng mắc chủ yếu là người dân còn ý kiến chưa đồng thuận như: giá đền bù thấp; nhiều hộ xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp; các dự án phải di dời nhiều ngôi mộ trong khi quỹ đất nghĩa trang tập trung của thành phố hiện rất thiếu; nhiều dự án kéo dài dẫn đến biến động lớn về việc sử dụng đất gây khó khăn trong việc quy chủ các thửa đất…
Từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 8/2023, thành phố đã bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư được 19,9 ha của 189 gia đình để thực hiện 22 dự án, trong đó, thành phố bàn giao mặt bằng 100% diện tích tại 5 dự án |
Điển hình là dự án khách sạn, sân golf Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn. Đến thời điểm đầu năm 2023, dự án còn tới 41,7/199,2 ha chưa được GPMB. Do dự án thực hiện công tác GPMB từ những năm 2004, đến nay có nhiều chính sách thay đổi gây nhiều khó khăn trong việc bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án. Cụ thể, nếu như trước đây, các hộ bị thu hồi nhiều đất nông nghiệp được hưởng chế độ hỗ trợ bằng giao đất tái định cư, nhưng đến nay, cơ chế chính sách này không còn, dẫn đến người dân thắc mắc. Một vướng mắc khác là trong phạm vi thực hiện dự án có nhiều ngôi mộ phải di dời trong khi quỹ đất nghĩa trang của thành phố còn thiếu…
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đó, Ban Chỉ đạo công tác GPMB các dự án thành phố Lạng Sơn đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ. Trong đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu UBND thành phố thiết lập các tổ công tác chuyên trách, rà soát từng trường hợp cụ thể. Đặc biệt, người đứng đầu thành phố trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các trường hợp để tuyên truyền cá biệt, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ bị ảnh hưởng. Từ đó, có phương án giải thích thấu tình đạt lý, bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất… Nhờ đó, từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 8/2023, các hộ đã đồng thuận nhận tiền, bàn giao mặt bằng và UBND thành phố bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được 12,21/41,7 ha cần giải phóng, đã chi trả cho 55 hộ với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng.
Một dự án khác cũng được thành phố tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác GPMB có hiệu quả từ đầu năm đến nay là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B đoạn qua địa bàn thành phố. Theo đó, diện tích cần giải phóng để thực hiện dự án đoạn qua địa bàn thành phố là 1,78 ha với 21 hộ và 1 tổ chức bị ảnh hưởng. Mặc dù dự án vướng mắc do chưa có giá đất cụ thể làm căn cứ áp giá bồi thường. Song bằng sự kiên trì trong công tác tuyên truyền, vận động của UBND thành phố và sự hỗ trợ của chủ đầu tư, đến đầu quý II/2023, 21/21 hộ đã đồng thuận nhận tiền tạm ứng và bàn giao 100% diện tích để thực hiện dự án.
Ông Hoàng Đình Tuệ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (đơn vị chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3 700 đến km 18 đoạn qua địa bàn thành phố) cho biết: Mặc dù triển khai công tác GPMB dự án sau so với huyện Cao Lộc và Lộc Bình nhưng thành phố đã bàn giao xong mặt bằng đầu tiên cho ban để thực hiện dự án. Điều này đã giúp ban và các nhà thầu thuận lợi trong việc tổ chức thi công các hạng mục đầu tuyến, từ đó góp phần đảm bảo dự án được triển khai theo kế hoạch.
Nhà thầu thi công dự án khách sạn, sân golf Hoàng Đồng thành phố Lạng Sơn san ủi mặt bằng khu tái định cư
Ông Trần Đức Thọ, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong năm 2023, trung tâm được thành phố giao thực hiện GPMB 39 dự án thì cả 39 dự án đều có những khó khăn, vướng mắc với các mức độ khác nhau. Để tháo gỡ vướng mắc, trung tâm đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: phân nhóm dự án để rà soát và thực hiện khép kín hồ sơ của từng trường hợp, từ đó đề xuất phương án giải quyết bảo đảm khả thi. Cùng với đó, khi thực hiện đối thoại với người bị thu hồi đất, trung tâm tập trung nghiên cứu và đề xuất UBND thành phố áp dụng linh hoạt cơ chế chính sách để người bị ảnh hưởng có lợi nhất.
Kết quả, từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 8/2023, thành phố đã bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư được 19,9 ha của 189 gia đình để thực hiện 22 dự án (cùng kỳ 2022, thành phố bàn giao mặt bằng được 10,5 ha).
Trong đó, thành phố đã bàn giao mặt bằng 100% diện tích tại 5 dự án cụ thể gồm: dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3 700 đến km 18 đoạn qua thành phố Lạng Sơn; dự án tu bổ di tích khảo cổ Mai Pha; xây dựng nhà văn hoá khối Hoàng Hoa Thám; tu bổ di tích lịch sử bia và đền Tả Phủ; kè bảo vệ sông Kỳ Cùng.
Ông Dương Công Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Công tác bồi thường GPMB rất phức tạp và các khó khăn, vướng mắc thường xuyên phát sinh trong thực tiễn triển khai. Chính vì vậy, UBND thành phố yêu cầu trung tâm phát triển quỹ đất; các phòng chức năng và chủ đầu tư phải phối hợp tốt trong thực hiện công tác này.
Theo đó, các số liệu về thông báo thu hồi đất, sản phẩm trích đo, phạm vi cắm mốc thu hồi, biên bản kiểm đếm đối với từng loại đất, vật kiến trúc, hoa màu của các bên liên quan phải chuẩn xác. Đối với các trường hợp phải xem xét cưỡng chế thu hồi đất thì hồ sơ cưỡng chế phải khép kín, trước khi thực hiện bước cưỡng chế phải thực hiện tuyên truyền, giải thích cụ thể chi tiết lần cuối để tránh thiệt thòi cho người bị thu hồi đất.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo thực hiện công tác GPMB các dự án trên địa bàn thành phố, nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện GPMB từ đầu năm 2023 đến nay đã được tháo gỡ. Qua đó, góp phần giúp các chủ đầu tư thuận lợi trong thực hiện các dự án, tạo diện mạo mới trong xây dựng phát triển thành phố Lạng Sơn ngày càng khang trang.
Ý kiến ()