Giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp
Năm năm qua (2011-2015), dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp (CPH DN) cả nước đã đạt nhiều kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó, ngành giao thông vận tải (GTVT) được Chính phủ và người dân đánh giá cao về công tác này.
Quyết tâm CPH, thoái vốn triệt để
Thời điểm đầu năm 2011, Bộ GTVT có 94 DN 100% vốn nhà nước, trong đó có bốn DN do Thủ tướng quyết định thành lập, gồm Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và ba tổng công ty 91: Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Đường sắt Việt Nam. Ngoài ra, có 90 DN do Bộ trưởng GTVT quyết định thành lập, trong đó có 15 tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Giai đoạn này, khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước, thị trường tài chính suy thoái, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại danh mục đầu tư, DN khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đồng thời, Chính phủ thực hiện kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu đầu tư công khiến nhiều công trình, dự án bị đình hoãn, giãn tiến độ. Các DN xây dựng hạ tầng giao thông quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu thấp, tài chính mất cân đối, dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp, thiếu việc làm. Vinashin đình trệ sản xuất, mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu và rơi vào tình trạng phá sản, Vinalines thua lỗ liên tiếp, không có khả năng thanh toán nợ, nhiều tàu phải dừng khai thác… Hầu hết các DN thuộc Bộ GTVT gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nhóm hàng hải, đóng tàu và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đứng trên bờ vực phá sản.
Ngày 28-12-2011, Thủ tướng đã phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn nhà nước của Bộ GTVT. Theo phương án, Bộ sẽ thực hiện CPH 70 DN (gồm chín công ty mẹ – tổng công ty và 61 công ty con). Đối với Vinashin và ba tổng công ty 91, Bộ GTVT đã xây dựng, thẩm định và trình Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu, trong đó có kế hoạch CPH các DN. Như vậy, theo phương án trên, sau năm 2015, Bộ sẽ còn 22 DN 100% vốn nhà nước (trong đó có bảy công ty mẹ – tổng công ty và 15 công ty con).
Thực hiện các chỉ thị, quyết định của Thủ tướng về việc đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã ban hành Nghị quyết chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng đề án tái cơ cấu trên nguyên tắc Nhà nước chỉ nắm giữ các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không làm được và không được làm, còn lại CPH, thoái vốn triệt để. Trên cơ sở đó, Bộ đã thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012 – 2015 của bốn tập đoàn, tổng công ty; đồng thời phê duyệt đề án tái cơ cấu 15 tổng công ty khác. Sau năm năm thực hiện, Bộ đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức lại 50 DN; thực hiện CPH 137 DN, trong đó có nhiều DN quy mô lớn. Bộ GTVT là đơn vị đầu tiên trong cả nước thí điểm CPH 16 đơn vị sự nghiệp công lập, Bệnh viện GTVT Trung ương là bệnh viện đầu tiên cả nước CPH. Đến nay, 98 DN đã hoàn thành chuyển đổi sang công ty cổ phần, nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN của SCIC hơn 1.700 tỷ đồng. Đồng thời, chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại sáu DN sang SCIC hơn 580 tỷ đồng, đến nay, đã hoàn thành thoái vốn tại 110 DN, thu về gần 4.380 tỷ đồng. Năm 2014 và chín tháng năm nay, thu về 3.693 tỷ đồng tại 79 DN. Như vậy, sau năm 2015, Bộ GTVT chỉ còn bốn tổng công ty 100% vốn nhà nước chủ yếu hoạt động công ích, cùng hai công ty thuộc bộ. Trong quá trình tái cơ cấu, CPH, giá trị vốn nhà nước tại DN đều phát triển, quyền lợi người lao động được bảo đảm. Sau tái cơ cấu, CPH và thoái vốn, các DN đã từng bước trở thành những DN mạnh, các DN xây dựng giao thông trở thành lực lượng nòng cốt, giúp Bộ đột phá thành công, hoàn thành vượt tiến độ những dự án trọng điểm.
Những bài học kinh nghiệm
Để có được những kết quả trên, trong quá trình thực hiện CPH DN, Bộ GTVT đã bám sát thực tiễn, chủ động đề xuất kịp thời nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình CPH DN. Đồng thời, chủ động đề xuất Thủ tướng ban hành quyết định CPH các đơn vị sự nghiệp công lập, quyết định bán cổ phần theo lô khi thực hiện thoái vốn,… Các đề xuất của Bộ GTVT phù hợp thực tiễn và đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, bổ sung và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng trong cả nước, tạo thuận lợi hơn cho các DN trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, những giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu DNNN. Theo đó, có sự thống nhất chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Nhà nước cùng chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng; sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, có hiệu quả của các bộ, ngành liên quan. Ban Cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ thể hiện quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm và bước đi thích hợp trong quá trình chỉ đạo, đồng bộ từ quán triệt chủ trương đến tổ chức thực hiện. Các cơ quan tham mưu và DN phải chủ động nghiên cứu, bám sát thực tiễn, đề xuất các cơ chế, chính sách để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Trong điều kiện thị trường vốn khó khăn, thị trường chứng khoán chưa khởi sắc, để CPH thành công, DN phải chủ động tìm kiếm, thu hút nhà đầu tư chiến lược, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO; kiên quyết giảm tỷ lệ nắm giữ, thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể làm được. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý DNNN có trình độ, phẩm chất. Lãnh đạo các DN không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu, CPH sẽ bị xem xét vai trò, trách nhiệm cá nhân và có biện pháp xử lý thích hợp, bao gồm cả việc thay thế, điều chuyển công tác. Ngoài ra, đẩy mạnh cơ cấu nợ, xử lý nợ xấu thông qua các giải pháp mua bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp đối với các DN âm vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ xấu lớn, mất cân đối tài chính nhằm lành mạnh hóa tài chính để có thể thu hút nhà đầu tư,…
Thực tiễn đã chứng minh, ở những đơn vị, tổ chức mà người đứng đầu trì trệ, không thích nghi kịp với nền kinh tế thị trường, ở đó việc tái cơ cấu, CPH, thoái vốn sẽ bị chậm. Ngược lại, khi người đứng đầu quyết liệt, đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ở đó sẽ triển khai nhanh, hiệu quả. Lực cản lớn nhất trong công tác tái cơ cấu, CPH DN chính là con người, giải pháp tháo gỡ lực cản này tốt nhất cũng chính là con người. Trong bối cảnh hiện nay, để hoàn thành sớm các mục tiêu, kế hoạch trong công tác tái cơ cấu, CPH, thoái vốn, chúng ta cần giao và gắn trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân thực hiện, nhất là vai trò người đứng đầu tổ chức trên nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”. Đây chính là chìa khóa của mọi thành công.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()