Giải pháp thu hút, giữ chân lao động
Năm 2022, các dự án sản xuất, kinh doanh tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước khiến nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên. Các chuyên gia lao động, công đoàn nhận định, việc thiếu hụt lao động đang diễn ra với nhiều cấp độ, loại hình và trình độ lao động khác nhau. Thực trạng này khó có thể chấm dứt ngay, do đó cần nhiều giải pháp dài hạn để tháo gỡ.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) Lê Nhật Trường cho biết, từng có thời điểm công ty có 11 nghìn trường hợp F0, F1 (chiếm 50% tổng số lao động làm việc), gây rất nhiều khó khăn trong vận hành dây chuyền sản xuất. Đầu năm 2022, tình hình tiếp tục phức tạp hơn khi nhiều lao động có thâm niên làm việc 14, 15 năm đồng loạt xin nghỉ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần do nghe “tin đồn” sang năm 2023 những lao động làm đủ 15 năm không được rút bảo hiểm xã hội một lần. Riêng tháng 2/2022, công ty mất 300 lao động, trong đó 200 người có thâm niên 14 năm.
Sau Tết, số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (thực hiện điều trị, cách ly) khá cao, như Hải Phòng có hơn 40 nghìn người, Bắc Giang 22 nghìn người…, ảnh hưởng việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Điển hình như tại Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (thành phố Đà Nẵng), Phó Tổng Giám đốc Trần Xuân Hòe cho biết, dù 100% công nhân, người lao động của công ty đã được tiêm ba mũi vắc-xin ngừa Covid-19 nhưng số lượng F0, F1 phải nghỉ việc, cách ly vẫn quá cao. Công ty có bốn nghìn lao động nhưng tính đến ngày 4/3, đang có 28% người lao động phải nghỉ việc theo yêu cầu cách ly của cơ quan y tế. Ông Trần Xuân Hòe kiến nghị ngành y tế và các cơ quan chức năng cho phép những lao động theo diện F0 nhẹ, rất nhẹ (không có hoặc có ít triệu chứng) được đi làm, để bảo đảm đơn hàng công ty đã ký.
Có thể kể ra nhiều nguyên nhân khác dẫn đến thiếu hụt lao động sau Tết như: một bộ phận người lao động trở về các tỉnh phía bắc và miền trung chưa trở lại, hoặc đã tìm được việc làm mới ở quê nhà, muốn ở gần gia đình. Các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng, tuyển dụng thêm lao động có tay nghề cao nhưng tiền lương và các chế độ khác chưa phù hợp, hấp dẫn. Ở nhiều địa phương, một bộ phận lao động chưa qua đào tạo nên chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Việc tuyên truyền thông tin tuyển dụng, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp tới đối tượng là người lao động đang tìm việc làm và việc khảo sát nhu cầu tuyển dụng, kết nối với các trường dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm hiệu quả còn thấp.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Sau hai năm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, giá cả thị trường tăng nhưng mức lương mà công nhân, lao động nhận được không đủ trang trải chi phí cuộc sống. Do đó, một số lượng lớn công nhân chuyển sang các địa bàn thuộc vùng lương cao hơn hoặc chuyển sang làm việc khác, dẫn đến mất cân bằng về lao động. Bên cạnh đó, hai năm vừa qua mức lương tối thiểu vùng chưa được tăng. Thiếu nhà ở, trường học cũng là một trong những lý do khiến người lao động tính toán, cân nhắc khi quay lại các đô thị lớn với các áp lực hạ tầng rất lớn hiện nay. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da… còn thấp, mức lương khởi điểm chỉ ở mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ, nhưng yêu cầu công việc, giờ giấc lại quá cao, không bảo đảm đời sống công nhân, nhất là người lao động ở xa phải tốn thêm chi phí thuê nhà trọ và các khoản chi phí khác, không đủ để tái tạo sức lao động.
Theo khảo sát của các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, với mức thu nhập ở những tỉnh, thành phố lớn như Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai khoảng 7 triệu đồng/tháng như hiện nay, người lao động không đủ trang trải cho sinh hoạt hằng ngày, tiền gửi con, tiền gửi về cho gia đình.
Trong khi đó, nếu ở lại quê làm việc, tuy chỉ kiếm được 4-5 triệu đồng/tháng nhưng người lao động không phải lo nhiều khoản như khi thuê trọ ở thành phố. Đây là một trong những thực tế khiến người lao động quyết định ở lại quê làm việc, nhất là tại một số địa phương bắt đầu có khu công nghiệp…
Thời gian tới, nhu cầu sử dụng lao động dự kiến tập trung ở các lĩnh vực dệt may, da giầy, điện tử, du lịch, nhóm lao động có trình độ (như quản lý sản xuất, văn phòng, người có trình độ ngoại ngữ, xuất nhập khẩu…), nhóm lao động thời vụ. Dự báo, sự cạnh tranh trong tuyển dụng lao động sẽ gia tăng trong thời gian tới, giữa các doanh nghiệp với nhau và cả người lao động mới tham gia vào thị trường lao động với lực lượng lao động có kinh nghiệm, có nhu cầu thay đổi công việc. Thực tế cho thấy, tại nhiều vùng kinh tế trên cả nước đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động như tỉnh Bình Dương cần khoảng 90 nghìn lao động, tỉnh Long An 51 nghìn lao động; tỉnh Tây Ninh 46 nghìn lao động; Hải Phòng hơn 50 nghìn lao động…
Để có thể thu hút được công nhân lao động, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách hợp lý bảo đảm cuộc sống của người lao động như: quan tâm điều chỉnh lương tối thiểu vùng, tiếp tục có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… để họ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An, Lê Thị Thu Cúc cho biết, những ngày đầu tháng 3/2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với đoàn thể các huyện tuyển dụng lao động tại địa phương, nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ. Công đoàn tỉnh Long An đã phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành tiến hành xây dựng Thiết chế Công đoàn. Đây được coi là giải pháp về lâu dài để thu hút người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại địa phương. Bình Dương là địa phương có số lượng lao động thiếu hụt lớn nhất cả nước hiện nay, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, Nguyễn Kim Loan cho biết: Thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh, công đoàn tỉnh sẽ phối hợp các sở, ngành tăng cường xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân lao động thuê, mua… để qua đó tạo sự yên tâm, gắn bó cho công nhân lao động địa phương khác đến làm việc tại Bình Dương.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Tổng Liên đoàn đang tiếp tục lắng nghe kiến nghị, đề xuất của các cấp công đoàn và doanh nghiệp để hoàn thiện báo cáo, đề xuất, kiến nghị chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, các bộ, ngành liên quan. Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, với chức năng, nhiệm vụ của mình, công đoàn các cấp cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia vào phục hồi thị trường lao động. Đây là giải pháp mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Trong đó, tổ chức công đoàn thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho người lao động sớm trở lại doanh nghiệp. Khuyến khích liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố phối hợp để tuyển dụng, điều phối lao động ■
Ý kiến ()