Giải pháp thoát nghèo bền vững
Có thể khẳng định Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư (CTDC) và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã đạt được mục tiêu tổng quát đề ra. Từ đây sẽ chấm dứt tình trạng phải di dời khi có lũ, nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi lũ về. Các CTDC đã mang dáng dấp của cuộc sống đô thị, góp phần quan trọng phát triển toàn diện kinh tế-xã hội của toàn vùng.
An toàn hơn cho người dân
Gặp chúng tôi trong căn nhà tuy không đầy đủ tiện nghi, nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ ở CTDC vượt lũ thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, bà Trần Thị Mỹ kể: Ngày đầu ba mẹ con bà dọn vào ở nhà mới, cảm giác vui mừng khó tả, đến nỗi suốt đêm không ngủ được. Hồi còn ở khu vực “xóm sườn” – nơi bà con ở thị trấn này thường gọi là “khu ổ chuột” vì nhà cửa ọp ẹp, ẩm thấp. Mỗi khi mùa mưa, lũ về, ai cũng lo che chắn tạm bợ, có khi suốt đêm lo tát nước trong nhà ra vì bị ngập. Còn gia đình bà Lê Thị Lệ cũng mừng không kém, khi nhớ lại ngày được bố trí vào CTDC vượt lũ xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A. Trước đây, nơi ở của gia đình bà là căn nhà lá cặp kênh Bảy Ngàn, đêm đêm cứ phập phồng lo sợ sạt lở…
Có thể khẳng định, Chương trình này đã giúp nhiều bà con có điều kiện sinh sống an toàn, ổn định, nhất là các hộ gia đình nghèo đã xây dựng được nhà ở khang trang, an tâm lao động sản xuất và từng bước thoát nghèo bền vững. Nhiều CTDC vượt lũ có quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầy đủ, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ðiển hình như CTDC xã Vị Ðông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Tuyến này có 202 căn, đến nay hộ dân được bố trí vào xây nhà ở chiếm gần 100%. Với diện tích mỗi nền 64 m2, Nhà nước cho vay 20 triệu, người dân góp thêm khoảng trăm triệu đồng nữa, tạo thành dãy phố khang trang. Chị Phạm Thị Anh Vũ vào đây cất nhà ở được hơn bảy tháng nay cho biết: trước đây vợ chồng chị có nhà cặp kênh xáng Xà No, lúc nào cũng lo sợ sạt lở. Còn bây giờ vào đây ở thoải mái hơn, điều kiện điện, nước, nhà trẻ có đủ. Kể cả vệ sinh môi trường cũng sạch đẹp, vì chính quyền địa phương có hợp đồng với Công ty Công trình đô thị – Cấp thoát nước Hậu Giang. Người dân chỉ việc bỏ rác vào thùng và mỗi tháng đóng 16.500 đồng, cứ hai ngày có đội vệ sinh đi thu gom rác một lần. Thuận lợi nữa là CTDC này nằm gần chợ Hội Ðồng (chợ xã), nên nhiều hộ dân vào đây chọn nghề mua bán làm kế sinh nhai.
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá, qua các trận lũ lớn, nhất là trong năm 2011 xuất hiện trận lũ rất lớn, nước ngập cao hơn trận lũ lịch sử năm 1961 và năm 2000, nhưng hầu hết các CTDC và bờ bao khu dân cư thuộc Chương trình giai đoạn 1 và giai đoạn 2 vẫn bảo đảm an toàn. Con số thiệt hại trong trận lũ năm 2011 chỉ bằng khoảng 1/10 so với năm 2000. Bên cạnh những kết quả tích cực, Chương trình cũng đối diện với không ít khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ. Tại một số dự án, công tác thiết kế chưa có sự đầu tư nghiên cứu sâu để phù hợp yêu cầu của cụm dân cư nông thôn. Nhiều đơn vị tư vấn thiết kế còn áp dụng máy móc thiết kế đô thị áp đặt cho cụm dân cư nông thôn, nhất là thiết kế các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô quá lớn, không phù hợp nguồn vốn đầu tư. Các nguồn vốn tham gia khác như nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn lồng ghép… để triển khai thực hiện Chương trình chưa đáp ứng kịp thời. Một nguyên nhân nữa là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thông hiểu chính sách và mục đích, ý nghĩa của Chương trình một số nơi chưa được thực hiện tốt, chưa tạo nên động lực trong cộng đồng… Số hộ dân vẫn chưa vào ở trong các CTDC có nơi còn cao (khoảng 24% so với tổng số hộ).
Ðể người dân yên tâm cuộc sống mới
Mặc dù chỗ ở an toàn, ổn định, nhưng cũng có nhiều gia đình phải đi làm thuê vừa là kế sinh nhai vừa kiếm tiền để trả nợ tiền cất nhà. Bà Bùi Thị Hoa ở ấp 1, xã Vị Ðông đang xây dựng nhà ở CTDC này vừa mừng, vừa lo. Mừng vì chỉ còn khoảng mười ngày nữa căn nhà xây xong là bà dọn về ở, không còn cảnh sống nhờ, ở đậu trên đất của người khác, lo là cố gắng kiếm tiền trả nợ vay, mượn để cất nhà. Ngoài có chỗ ở an toàn, cái lo lớn nhất của người dân là sinh kế. Gia đình bà Ðinh Kim Sa ở CTDC vượt lũ Vị Thanh, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết, ở đây làm mướn một ngày, nghỉ hai ngày, làm sao không thiếu trước hụt sau…
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Liên Khoa cho biết, Hậu Giang hiện còn khoảng 800 nền đã bố trí, nhưng người dân chưa xây dựng nhà. Trong giai đoạn 2, địa phương đặc biệt chú trọng vị trí để xây dựng các CTDC vượt lũ, phải gần chợ, gần khu dân cư sẵn có… để tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, cũng như việc mưu sinh. Dù vậy, trong số hộ dân được bố trí nền chưa xây dựng hầu hết là hộ nghèo, quá khó khăn, họ phải đi làm ăn xa để kiếm tiền. Thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn hằng năm, tỉnh cũng đã có chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm số lao động trong các CTDC vượt lũ trên địa bàn, xem đây cũng là giải pháp sinh kế cho bà con. Ðồng thời, tỉnh cũng đang chỉ đạo xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và môi trường ở các CTDC vượt lũ, nhằm từng bước thay đổi tập quán lối sống lâu đời của người dân quen sống cặp các kênh, rạch ở Hậu Giang. Qua đó, hình thành được các khu đô thị nông thôn với kết cấu cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh. Tập trung được người dân, thuận tiện trong quản lý, người dân có thể tiếp cận với văn hóa, văn minh, tạo điều kiện nâng cao trình độ dân trí…
Theo Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam, để thu hút người dân vào sống trong các CTDC cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và cần sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành, địa phương. Trước hết là giải pháp vận động người dân di dời khỏi những nơi nguy hiểm vào sống trong các CTDC an toàn. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm. Vừa qua, xuất hiện những điểm sạt lở nguy hiểm và một số vùng ngập lụt phát sinh tại các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long và Hậu Giang, đồng thời các địa phương vẫn còn nhu cầu đầu tư bổ sung đầu tư tôn nền 63 CTDC; 89 bờ bao khu dân cư có sẵn… Do vậy, vấn đề phân bổ tài chính cần linh hoạt để đẩy nhanh tiến độ xây dựng CTDC.
Tính đến nay, các địa phương khu vực ÐBSCL đã hoàn thành tôn nền 126 CTDC và 48 bờ bao (đạt 99,6%). Xây dựng xong các công trình giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp nước sinh hoạt. Ngoài ra ngành điện đã xây dựng xong hệ thống cấp điện sinh hoạt tại 113/130 CTDC. Ðồng thời, bố trí hơn 47 nghìn hộ dân trên tổng số hơn 56 nghìn hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình đã được bảo đảm an toàn nhà ở trong các CTDC và bờ bao, trong đó có 27 nghìn hộ vào ở trong CTDC và gần 21 nghìn hộ được bảo đảm an toàn trong các bờ bao. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()