Giải pháp tạm thời cho dưa hấu xuất khẩu
LSO-Những năm gần đây mặt hàng xuất khẩu dưa hấu qua cửa khẩu Tân Thanh luôn bị ùn tắc, gây thiệt thòi cho nông dân và tư thương. Để giải quyết tình trạng này cần có chính sách dài hơi hơn.
Xe chở dưa xếp hàng chờ xuất khẩu |
Cửa khẩu phụ Tân Thanh (Lạng Sơn – Việt Nam) – Pò Chài (Bằng Tường – Trung Quốc) với truyền thống là điểm giao thương, trao đổi, mua bán những mặt hàng nông sản của hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam hàng năm gấp 4- 5 lần. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu năm 2014 là 846,3 triệu Đô la Mỹ (trong đó xuất khẩu 719,2 triệu USD, nhập khẩu 127,1 triệu USD). Những năm qua, nhu cầu hàng nông sản của Trung Quốc vẫn tăng do Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ hàng lớn.
Trong các mặt hàng nông sản xuất qua cửa khẩu thì mặt hàng dưa hấu hàng năm xuất đều tăng hơn năm trước về số lượng, kim ngạch. Năm 2014, sản lượng thu hoạch mặt hàng “dưa hấu quả tươi” tăng đột biến về số lượng so với những năm trước. Lượng phương tiện tăng trên 1.000 xe trong khi cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu phụ Tân Thanh chỉ chứa 200 – 300 xe, phương tiện phải đỗ tràn ra Quốc lộ 1, Quốc lộ 4A và trục đường dẫn vào cửa khẩu.
Hiện nay đang vào thời điểm thu hoạch, mỗi ngày trung bình có hơn 300 xe dưa, gần 200 xe thanh long đến cửa khẩu Tân Thanh để xuất khẩu sang Trung Quốc. Mặc dù thời gian làm thủ tục hải quan chỉ 1 phút, nhưng việc thực xuất khẩu sang phía Trung Quốc lại phụ thuộc vào phía bạn hàng, do vậy tuy đã làm xong thủ tục hải quan, nhưng hàng hóa vẫn nằm lại cửa khẩu. Trung bình mỗi ngày đầu tháng 4/2015, lực lượng hải quan cửa khẩu làm thủ tục xuất khẩu từ 300 – 350 xe, trong đó dưa hấu 100 – 150 xe, thanh long xuất gần 100 xe. Số lượng xe tồn lại cửa khẩu trung bình 300- 400 xe.
Qua thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan nhiều năm qua thấy rằng, tình hình xuất khẩu dưa hấu ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh có nhiều nguyên nhân trong đó, phần lớn doanh nghiệp và thương nhân Việt Nam xuất khẩu dưa hấu đều làm thủ tục hải quan xuất khẩu theo loại hình xuất khẩu biên giới (tiểu ngạch), không có hợp đồng ngoại thương, không có sự ràng buộc về yếu tố giá theo quy định thương mại quốc tế. Do vậy “được mùa rớt giá” đã diễn ra nhiều năm nay, rủi ro đều thuộc về doanh nghiệp, tư thương và đặc biệt là người nông dân.
Để tháo gỡ những khó khăn trên cho doanh nghiệp và tư thương xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng dưa hấu, cơ quan hải quan và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Tân Thanh và chính quyền địa phương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp để tạo điều thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, thương nhân thúc đẩy nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đối với cơ quan hải quan, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, thời gian thông quan, giúp đẩy nhanh thời gian giao nhận hàng, hạn chế tổn thất cho doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh ngành hàng trái cây tươi, nông sản qua cửa khẩu. Từ ngày 1/1/2015, các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Tân Thanh đã thống nhất với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc mở cửa khẩu từ 7 giờ sáng đến 20 giờ để kéo dài thời gian thông quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Ngày 12/2/2015, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 251/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác liên ngành điều hành xuất khẩu nông sản. Đồng thời đưa ra các giải pháp chống ùn tắc phương tiện chở hàng, phân luồng phương tiện, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn tài sản phương tiện hàng hóa của doanh nghiệp. Qua tổ chức triển khai thực hiện đã không xảy ra hiện tượng ùn tắc tại các cửa khẩu.
Tuy nhiên, các giải pháp hiện nay của chính quyền tỉnh Lạng Sơn và tạo thuận lợi của cơ quan hải quan và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu mới chỉ giải quyết phần ngọn. Vấn đề mấu chốt đó là công tác quản lý, dự báo và định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công thương. Các bộ, ngành cần có cơ chế chính sách quy hoạch vùng trồng trái cây, nông sản hợp lý nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân; đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ sinh học bảo quản sau thu hoạch. Đối với các doanh nghiệp và thương nhân, cần thay đổi phương thức kinh doanh, bằng phương thức kinh doanh chính ngạch có hợp đồng ngoại thương theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu như: địa điểm kho chứa hàng hóa, kho sơ chế bảo quản nông sản, bãi đỗ phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu… đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại hai chiều ngày càng tăng với Trung Quốc, đảm bảo cơ sở vật chất cho các lực lượng tại cửa khẩu thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Có như vậy, dưa hấu xuất khẩu mới không bị chèn ép, tạo điều kiện cho dân hưởng lợi.
PHÙNG QUANG HỘI
Ý kiến ()