Giải pháp quai đê lấn biển và tạo hồ nước ngọt khu vực Biển Tây
Các nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã và đang nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quai đê lấn biển, tạo hồ nước ngọt và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ngọt.
PGS, TS Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là người có ý tưởng quai đê lấn biển và tạo hồ nước ngọt khu vực Biển Tây cho biết: Trên thế giới có một số quốc gia như Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã xây dựng thành công các tuyến đê bao lấn biển. Mới đây Hàn Quốc cũng đã khánh thành tuyến đê biển lớn nhất thế giới với chiều dài 33 km, chiều cao gần 40 m. Những phân tích các điều kiện kinh tế – kỹ thuật sơ bộ khu vực Biển Tây nước ta cho thấy, việc xây dựng tuyến đê biển tương tự, tạo hồ nước ngọt cấp nước cho khu vực này có thể thực hiện được bởi các lý do sau: độ sâu đáy biển lớn nhất chỉ vào khoảng 12 m đến 14 m, biên độ triều khoảng 1,2 m cho nên công nghệ thi công đê không quá phức tạp. Cùng với đó, khu vực này sông ngòi nhỏ, cho nên việc quai đê lấn biển không ảnh hưởng nhiều đến chế độ thủy động lực học các hệ thống sông.
Khi tuyến đê được xây dựng ở khu vực Biển Tây sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, đó là: tạo được hồ chứa nước ngọt lên tới hàng chục tỷ m3, góp phần thau chua, rửa mặn, giữ ổn định nguồn nước ngọt cho các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cà Mau; tạo hàng rào bảo vệ khu vực ĐBSCL, ngăn chặn và giảm thiểu cường độ sóng, gió, bão biển; giảm thiểu việc xây dựng các tuyến đê, các công trình điều tiết ngăn mặn, giữ ngọt khu vực cửa sông ven biển; tạo nên một hệ cảnh quan sinh thái mới, đẹp, góp phần phát triển các khu đô thị, khu du lịch ven hồ; tạo ra tuyến giao thông thuận lợi và có thể kết hợp xây dựng các nhà máy điện sử dụng năng lượng triều.
Từ những cơ sở phân tích thực tế và lý luận ở trên, PGS, TS Lê Mạnh Hùng cùng các cộng sự Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đề xuất sơ bộ ba phương án xây dựng quai đê lấn biển tại hồ nước ngọt khu vực Biển Tây với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có dung tích qua ba thông số: như chúng ta đã biết, dung tích hồ Hòa Bình là: 9.450 triệu m3, hồ Sơn La: 9.260 triệu m3, hồ Trị An: 2.770 triệu m3, để thấy rằng nếu ý tưởng xây dựng tuyến đê Biển Tây thành công, với dung tích chứa nước ngọt như những hồ trên sẽ tạo được hồ chứa nước ngọt có dung tích rất lớn, khoảng chục tỷ m3 đáp ứng được nhu cầu nước ngọt cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết thêm, đây mới là ý tưởng ban đầu, ý tưởng này có khả thi và trở thành hiện thực hay không đòi hỏi phải có nhiều nghiên cứu sâu, rộng, đa chiều và cụ thể hơn nữa từ các nhà khoa học, nhà quản lý ở các bộ, ngành. Nhóm tác giả Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam mong nhận được những trao đổi, góp ý và phản biện từ phía các nhà khoa học, nhà quản lý ở các bộ, ngành để ý tưởng này của viện sớm hoàn thiện về cơ sở lý luận và khoa học.
Ý kiến ()