Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao
Ngày 15-5, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo "Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao". Các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Cao Ðức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân tham dự và chủ trì Hội thảo.
Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước đã banhành nhiều chủ trương, chính sách lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về phát triển khoa học và công nghệ, công nghệ cao phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đó, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế nông nghiệp đã bước đầu có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chưa tạo ra bước đột phá để chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.
Hội thảo tập trung vào hai vấn đề then chốt, đó là cách thức để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Các ý kiến đã nêu rõ việc cần thiết phải tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển khoa học và công nghệ trong nông nghiệp; xây dựng chính sách khuyến khích sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, công nghệ cao trong nông nghiệp; năng lực trong việc quản lý chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, đầu tư, tín dụng, cơ sở hạ tầng tạo môi trường hấp dẫn và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao vào Việt Nam…
Về tín dụng, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhằm thực hiện thí điểm chương trình tín dụng đối với các mô hình liên kết, các dự án ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm trong nông nghiệp được Chính phủ giao, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ khảo sát, nghiên cứu và xây dựng chính sách thí điểm để triển khai. Mục đích của việc xây dựng chương trình này là hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong trong việc thực hiện các mô hình liên kết với nông dân, xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường; khuyến khích các mô hình này phát triển theo hướng nhiều doanh nghiệp dám đứng ra làm đầu mối liên kết với nông dân và nhiều nông dân thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia vào các mô hình liên kết. Với chương trình thí điểm này, ngành ngân hàng không những giải quyết vấn đề vốn đầu tư tín dụng cho nông nghiệp mà còn hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, theo mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; từng bước nâng cao đời sống nông dân và thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Chung quanh bài toán làm thế nào để có thể triển khai và phát triển mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao hiệu quả trong ngành nông nghiệp hiện nay, nhiều nhà khoa học và quản lý cho rằng, các doanh nghiệp hiện vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có những vướng mắc về cơ chế và vốn tín dụng. Ðầu tư vào nông nghiệp cần vốn lớn, song thu hồi chậm, trong khi độ rủi ro tương đối cao. Do vậy, các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn tham gia. Hiện nay, cả nước mới chỉ có sáu doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận có ứng dụng công nghệ cao, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Trên thực tế, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hình thức “Nhà nước đầu tư, nhà nước quản lý” hay mô hình “Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp quản lý” thì tỷ lệ thành công rất thấp. Kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, mô hình “doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp quản lý và Nhà nước hỗ trợ” đem lại thành công nhiều hơn. Vì vậy, rất cần xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích và phổ cập áp dụng công nghệ tiên tiến theo mô hình liên kết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp. Nhiều ý kiến tại Hội thảo khẳng định, trong điều kiện hiện nay, cần phát huy mô hình doanh nghiệp tự đầu tư và tự lựa chọn mô hình tốt nhất để sử dụng và tự quản lý đồng vốn của mình để tăng hiệu quả. Nhà nước có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời bằng việc thiết lập các quy chuẩn, thực hiện các chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, công khai quy hoạch và chính sách đến doanh nghiệp và người dân. Chính quyền địa phương ở những khu vực ứng dụng công nghệ cao phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình triển khai, vận động người dân tham gia và ủng hộ doanh nghiệp. Qua thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, Nhà nước tổng kết đúc rút kinh nghiệm những mô hình thành công, tiến hành cho triển khai nhân rộng. Doanh nghiệp tự lựa chọn mô hình ứng dụng công nghệ cao để đầu tư và quản lý. Bên cạnh các hỗ trợ về thủ tục và chính sách, Nhà nước và doanh nghiệp cũng có thể cùng góp vốn, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ðể hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp cũng có thể tạo điều kiện cho nông dân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất và họ sẽ được hưởng lợi trên tỷ lệ vốn góp…
Phát biểu ý kiến đánh giá kết quả của cuộc Hội thảo, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khẳng định, Hội thảo đã tập hợp được ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp trong việc đề xuất những giải pháp để phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Những kết quả của Hội thảo sẽ được các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách xem xét để xây dựng các chính sách phù hợp, nhất là những chính sách về tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành triển khai, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()