Giải pháp phát triển bền vững ngành thép và xi măng
Ngày 24/7, tại Hà Nội, Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Để ngành thép, xi măng phát triển ổn định và bền vững”.
Ngày 24/7, tại Hà Nội, Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Để ngành thép, xi măng phát triển ổn định và bền vững”.
Đánh giá về thực trạng ngành thép Việt Nam hiện nay, ông Bùi Quang Chuyện – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho rằng, về cơ bản, ngành thép đã thực hiện tốt mục tiêu đáp ứng đủ và kịp thời về số lượng và chủng loại các sản phẩm thép cho nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng thiếu thép. Sản xuất phôi thép, thép xây dựng, thép cán nguội, thép ống, tôn mạ và tôn phủ màu đã đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng trong nước và đang hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm này.
Việc đầu tư vào ngành đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số tồn tại như: Chưa cân đối nhu cầu sản phẩm; một số sản phẩm cung vượt xa so với cầu, nhưng có nhiều sản phẩm phải nhập khẩu; công nghệ sử dụng tại một số doanh nghiệp còn lạc hậu, chưa thân thiện với môi trường…
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), do được xác định là một trong những ngành quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong những năm qua, đầu tư vào ngành đã được hưởng không ít chính sách ưu đãi của Nhà nước. Hiện tại, công suất thép xây dựng đang cao hơn so với nhu cầu xã hội. Do đó, trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tích cực tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu. Thống kê cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng thép đã tăng gấp gần 2 lần về thị phần và sản lượng so với cùng kỳ.
Trong khi đó, ngành xi măng hiện nay, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tình hình khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành xi măng.
Do đó, theo ông Nguyễn Văn Thiện, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng ngoài việc xem xét, rà soát quy hoạch, tạm hoãn các dự án xi măng, cần có quy hoạch sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, tiết kiệm tối đa năng lượng. Phấn đấu cuối năm 2013, tổng công suất đạt 70 triệu tấn xi măng, trong đó 68,5 tấn được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến.Đến năm 2015, tất cả dự án xi măng phải có thiết bị tận dụng nhiệt khí thải; nhà máy xi măng sẽ tự sản xuất khoảng 15% lượng điện tiêu thụ.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()