Giải pháp phát triển bền vững giáo dục THCS tại các xã biên giới
LSO- Học sinh THCS tại các xã, thị trấn giáp biên giới chiếm 6,9% tổng số học sinh THCS trên địa bàn tỉnh. Số người trong độ tuổi 15 đến 18 hoàn thành chương trình và có bằng tốt nghiệp THCS, bổ túc THCS thấp hơn khoảng 10% so với mặt bằng chung của tỉnh. Chính vì vậy, cần có những giải pháp phát triển bền vững THCS tại khu vực này.
Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học – THCS Công Sơn,
huyện Cao Lộc được ăn bán trú tại trường
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới song khu vực này còn chậm phát triển, nhất là giáo dục – đào tạo chuyển biến chậm và thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Để tìm nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này, tháng 12/2017, thạc sỹ Trần Quốc Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đề tài “Một số giải pháp phát triển bền vững giáo dục THCS các xã biên giới tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh.
Tại các xã biên giới hiện có 21 trường THCS với 150 lớp, hơn 3.000 học sinh, trong đó, 94,5% là học sinh dân tộc thiểu số. Khảo sát kết quả học tập năm học 2016 – 2017, tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm tốt thấp hơn 5,6%; tỷ lệ học sinh giỏi thấp hơn 8,1%; học lực khá thấp hơn 1,3%, trong khi đó tỷ lệ học sinh có học lực trung bình, yếu, kém lại cao hơn 1,1% so với toàn tỉnh. Đánh giá kết quả bài thi học kỳ các môn: Toán, Vật lý, Ngữ văn, tiếng Anh lớp 9, tỷ lệ điểm trong khoảng 5 – 10 điểm ở khu vực biên giới thấp hơn tương đối lớn. Nghiên cứu kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên 500 học sinh cho thấy, điểm đầu vào rất thấp. Cụ thể, môn Toán 2,5 điểm, Ngữ văn 3,9 điểm, Tiếng Anh 2,8 điểm. Qua phân tích 3 chỉ số học lực và hạnh kiểm, điểm bài thi học kỳ, bài thi tuyển sinh lớp 10 cho thấy, chất lượng dạy học ở khu vực biên giới thấp hơn so với yêu cầu.
Thạc sỹ Trần Quốc Tuấn, chủ nhiệm đề tài cho biết: Nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục ở khu vực biên giới còn hạn chế là công tác quản lý chưa theo kịp đổi mới, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, môi trường học tập chưa đáp ứng được yêu cầu, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa bổ sung kịp thời nên tổ chức các giờ thực hành chưa hiệu quả.
Cùng với đó, công tác giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống tại các trường ở khu vực biên giới chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, còn mang nặng tính lý thuyết, ít thực hành, tài liệu chưa phù hợp. Đặc biệt, tài liệu giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông đã lỗi thời, chưa phù hợp phát triển nguồn lực, gắn nguồn lực lao động với phát triển sản xuất tại địa phương.
Sau khi khảo sát thực trạng, chỉ ra nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục tại xã biên giới còn hạn chế, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững giáo dục THCS tại các xã biên giới. Giải pháp được nhóm nghiên cứu đưa ra bao gồm nhiều nội dung mới như: xây dựng tài liệu bổ trợ chung, bổ trợ riêng; ứng dụng công nghệ thông tin gắn với công tác quản lý và xây dựng môi trường học; phát triển kỹ năng sống; áp dụng giáo dục STEM trong giáo dục hướng nghiệp; định hướng quy hoạch đội ngũ, phát triển nhiệm vụ đào tạo; tập huấn xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường với các đoàn thể địa phương, truyền thông về công tác phối hợp…
Năm học 2018 – 2019, nhóm nghiên cứu đã áp dụng giải pháp dạy học tăng thời lượng và bổ trợ kiến thức vào thực tiễn dạy học tại 21 trường THCS khu vực biên giới với trên 3.400 học sinh. Kết thúc năm học, học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt tăng 4,3% so với năm học 2016 – 2017; tăng 2,8% học sinh xếp loại học lực giỏi; tăng 2,2% học sinh xếp loại học lực khá; học sinh xếp loại trung bình, yếu giảm 5%. Điểm số của bài kiểm tra và bài thi tuyển sinh được nâng lên. Số học sinh đạt điểm từ 5 đến 10 tăng lên. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu phối hợp tổ chức gần 500 hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật, tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp, văn hóa văn nghệ… cho trên 44.600 lượt học sinh tham gia. Qua đó, các em có sự thay đổi về nhận thức, hành vi cũng như nâng cao tinh thần học tập, chủ động tham gia hoạt động chung của nhà trường.
Những giải pháp mà đề tài đưa ra đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng công tác dạy học tại các trường THCS khu vực biên giới. Tháng 6/2020, Hội đồng khoa học tỉnh đã nghiệm thu và đánh giá cao những lợi ích mà đề tai mang lại.
Ý kiến ()