Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới
Sáng 15/8, tại TP. Đà Nẵng, Diễn đàn Kinh tế miền Trung với chủ đề: “Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới” đã chính thức khai mạc. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.
Đ/c Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ |
Tham dự Diễn đàn còn có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành và trên 300 doanh nghiệp trong vùng.
Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương, Ban Điều phối Vùng Duyên hải miền Trung, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Thời báo Kinh tế phối hợp tổ chức.
Diễn đàn là dịp để lãnh đạo các cấp cùng đội ngũ chuyên gia và doanh nghiệp rà soát việc thực hiện chủ trương và chính sách phát triển kinh tế miền Trung trong giai đoạn vừa qua; những nỗ lực của các địa phương đã tích cực thực hiện; đặt bối cảnh năm 2014 làm mốc cho bước chuyển giao sang giai đoạn mới; phấn đấu hoàn thành kế hoạch của năm 2015 và 5 năm tiếp theo; bàn những giải pháp liên kết và quyết liệt đưa lý luận gắn với thực tiễn; tích cực mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực, đóng góp cho sự phát triển vững mạnh của các địa phương miền Trung.
Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Bên cạnh cố gắng của Chính phủ, nhiều địa phương trong vùng cũng đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút đầu tư, thực hiện tái cơ cấu kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nâng cấp kinh tế địa phương. Một số địa phương thể hiện vai trò hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Tuy nhiên, vùng Duyên hải miền Trung vẫn là khu vực kinh tế kém phát triển, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu và thiếu đồng bộ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của cả vùng là trên 17%, trong khi mức bình quân của cả nước chỉ xấp xỉ 8%. Toàn vùng có 25/62 huyện nghèo nhất cả nước. Vấn đề giảm nghèo bền vững đang gặp nhiều khó khăn cả về chủ quan cũng như khách quan. Cơ cấu kinh tế của các tỉnh trong vùng chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 25-27% GDP, cao hơn mức trung bình của cả nước (18,4%). Tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ của toàn vùng khoảng 73-75%, trong đó, dịch vụ chiếm khoảng 37-38%…
Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch vùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các đại biểu tham gia Diễn đàn tập trung trao đổi một số nội dung trọng tâm như: Phân tích, làm rõ các tiềm năng, thế mạnh của vùng, của từng địa phương; những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế – xã hội, phát triển kinh tế biển; hoàn thiện quy hoạch địa phương gắn với quy hoạch tổng thế vùng; tăng cường kết nối hạ tầng, tạo sự liên kết chặt chẽ không gian kinh tế; thảo luận về hướng đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nhân lực chất lượng cao; xác định rõ vai trò, sự tham gia của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, của khu vực tư nhân, cộng đồng dân cư và của các đối tác phát triển. Trên cơ sở đó, xây dựng và thực thi các chính sách một cách minh bạch, rõ ràng, đảm bảo sự tham gia của các chủ thể trong quá trình phát triển bền vững kinh tế – xã hội vùng. Các đại biểu cần thảo luận và đưa ra các giải pháp cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và bảo vệ môi trường ở quy mô vùng, có gắn các chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia; tìm kiếm các giải pháp đảm bảo kết hợp phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh – quốc phòng, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trong đó, đặc biệt chú trọng tìm kiếm các giải pháp về kết hợp phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh – quốc phòng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và tạo cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tại Diễn đàn, đồng chí Vương Đình Huệ – Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững cần phải tiếp tục hoàn thiện căn bản thể chế kinh tế vùng; đẩy nhanh việc cơ cấu lại các vùng kinh tế theo định hướng và giải pháp chủ yếu. Ngoài ra, cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian bị chia cắt bởi địa giới hành chính; tập trung các nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cần tạo lập cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp tham gia, hình thành và phát triển các chuỗi giá trị liên kết vùng, nhất là đối với những sản phẩm chủ lực; tạo lập thể chế kinh tế ưu đãi cho các vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành “đầu tàu”; cùng với đó là tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo, Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc và phía Tây các tỉnh miền Trung; xây dựng thể chế kinh tế hiện đại, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế cho các khu kinh tế, nhất là đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thể nghiệm thể chế mới; phát triển mạnh kinh tế biển đảo, nhất là cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ… gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển; phát triển các hành lang, vành đai kinh tế, kết nối với các vùng trong nước và khu vực; hình thành trung tâm hợp tác phát triển kinh tế tại một số cửa khẩu.
Về định hướng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của vùng, theo TS. Trần Du Lịch – Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng, cần xây dựng vùng Duyên hải miền Trung trở thành vùng kinh tế phát triển, cửa ngõ phía Đông và là hành lang thương mại quan trọng giữa hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, kết nối khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với khu vực Đông Bắc Á và khu vực Đông Nam Á, đóng góp vào tăng trưởng của toàn vùng và từng tỉnh trong vùng… Trước mắt, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu, có tính khả thi cao như: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển; phát triển mạnh ngành khai thác và chế biến thủy sản, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch; phân công, chuyên môn hóa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư… nhằm tạo lập không gian kinh tế thống nhất toàn vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn |
Các đại biểu dự Diễn đàn cũng dành nhiều thời gian để phân tích bối cảnh kinh tế, chính trị trong nước, khu vực và thế giới, làm rõ cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp miền Trung trong giai đoạn mới…
Nhân dịp này, Ban Tổ chức Diễn đàn đã chính thức ra mắt Ban vận động Quỹ hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển nhằm hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân miền Trung vươn khơi, bám biển và tích cực tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ quyền quốc gia.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()