Giải pháp ngăn công dân xuất cảnh trái phép
Người dân làm thủ tục xuất cảnh tại Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh Công an tỉnh Lạng Sơn |
Nếu như năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 7.000 người xuất cảnh trái phép qua biên giới thì đến năm 2015, con số này tăng gấp 5 lần. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, số người xuất cảnh trái phép qua biên giới Lạng Sơn là trên 20.000 người. Ngay trong những tháng đầu năm 2018, hàng nghìn người từ các tỉnh khác đổ về Lạng Sơn để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Nguyên nhân là lao động khu vực nông thôn thiếu việc làm, tranh thủ thời gian sang Trung Quốc lao động để có thêm thu nhập. Chị Nông Thị Tuyến, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết: Mình đã nghe về rủi ro khi xuất cảnh trái phép nhưng vì ngại làm thủ tục và thấy nhiều người đi mà không làm giấy tờ gì nên mình cứ đi cùng họ thôi.
Từ năm 2016 đến tháng 6/2017, Trung tá Đinh Văn Hùng bắt tay thực hiện đề tài “Nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng công dân xuất cảnh trái phép qua biên giới tỉnh Lạng Sơn”. Trung tá Hùng cho biết: Qua nghiên cứu tình trạng xuất cảnh trái phép của người dân cũng như công tác đấu tranh, ngăn chặn của lực lượng chức năng, tôi thấy để hạn chế tình trạng này thì cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về thủ tục xuất nhập cảnh. Cùng đó là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và làm tốt công tác phối hợp với nước bạn về nhu cầu lao động…
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn tỉnh về xuất cảnh trái phép được triển khai song hiệu quả chưa cao. Vì vậy, công tác này cần được đổi mới và triển khai ngay tại các khu dân cư, trong các buổi sinh hoạt thôn, khối phố… Nội dung chú trọng hướng dẫn quy trình, thủ tục cụ thể để người dân dễ dàng tiếp nhận và thực hiện. Cùng đó nêu rõ những nguy cơ người dân phải đối mặt khi xuất cảnh trái phép để người dân thấy được mặt trái mà nó mang lại. Mục đích xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc là lao động, do đó, cần giải quyết việc làm cho người dân ngay tại địa phương. Đây chính là gốc của vấn đề. Giải quyết được việc làm không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định mà còn tiến tới xóa bỏ hoàn toàn nguyên nhân khiến người dân xuất cảnh trái phép.
Thỏa thuận giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) về việc triển khai hợp tác quản lý lao động qua biên giới Việt – Trung đã được ký kết. Vì vậy, Lạng Sơn cần thành lập các trung tâm tiếp nhận, phân loại, đào tạo người lao động dựa trên cơ sở nhu cầu, đặt hàng từ nước bạn Trung Quốc nhằm thiết lập đầu mối giới thiệu việc làm. Thông qua những đầu mối này, công dân Việt Nam khi xuất cảnh sang Trung Quốc không chỉ có tay nghề phù hợp với yêu cầu lao động của phía bạn mà còn được quản lý, tránh những rủi ro không đáng có… Cùng với đó, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh quản lý về nhân khẩu, hộ khẩu; kiểm tra tạm trú, tạm vắng tại các hộ gia đình, cơ sở lưu trú nhằm phát hiện dấu hiệu nghi vấn liên quan đến xuất cảnh trái phép để chủ động ngăn chặn; quản lý chặt đường biên mốc giới, tổ chức ngăn chặn ngay khi có biểu hiện xuất cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở. Cùng đó, việc hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh cũng là giải pháp hữu hiệu.
Theo số liệu của UBND tỉnh, trong hơn 2 tháng đầu năm 2018, cơ quan chức năng của tỉnh đã giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho hơn 6.000 trường hợp. Trên thực tế, số người xuất cảnh sang Trung Quốc còn cao hơn gấp nhiều lần. Áp dụng những giải pháp mà Trung tá Đinh Văn Hùng đưa ra sẽ góp phần đáng kể hạn chế tình trạng công dân xuất cảnh trái phép qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Ý kiến ()