Giải pháp nào xử lý rác thải điện tử?
Rác thải điện tử đang là mối lo ngại lớn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam khi lượng rác thải điện tử phát sinh ngày càng nhiều.
Trong rác thải điện tử chứa nhiều kim loại độc hại gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên công tác xử lý, thu gom, tái chế rác thải điện tử tại Việt Nam đang có nhiều bất cập, đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp.
Mỗi năm phát sinh 100.000 tấn rác thải điện tử
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), tại Việt Nam mỗi năm phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng. Ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.
Các chuyên gia đánh giá, rác thải điện tử gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường và sức khỏe con người. Trong rác thải điện tử chứa nhiều kim loại độc hại, từ vỏ đến các linh kiện bên trong thiết bị điện tử như thủy ngân, chì, kẽm... Nếu không được xử lý đúng cách, các chất độc hại từ rác thải điện tử có thể gây ô nhiễm đất, nước, không khí, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trước thực trạng đó, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực trong công tác xử lý, thu gom, tái chế rác thải điện tử. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều bất cập bởi hiện nay, phần lớn các thiết bị điện tử khi đã hết hạn sử dụng đều bỏ chung với rác thải sinh hoạt để đem chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường đất và nước. Còn lại phần nhỏ rác thải điện tử được thu gom thông qua những người thu mua đồng nát, các cơ sở thu gom tự phát với mục đích tháo gỡ những bộ phận bên trong để lấy các kim loại như đồng, nhôm, sắt...
Trong khi đó, tỷ lệ tái chế và xử lý rác thải điện tử của nước ta đang ở mức độ thấp, dưới 10% tổng lượng rác thải điện tử phát sinh. Hiện nay, cả nước có gần 70 doanh nghiệp được cấp phép xử lý chất thải, linh kiện điện tử quy mô nhỏ với công suất từ 0,25 đến 30 tấn/ngày. Việt Nam mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường như sắt, đồng, chì, thiếc, nhựa mà chưa tái chế được các kim loại quý, có hàm lượng cao trong rác thải điện tử.
Ông Nguyễn Thi, Chuyên viên chính phụ trách lĩnh vực môi trường của Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra những quy định về phát triển kinh tế tuần hoàn, về trách nhiệm tái chế, xử lý các sản phẩm thải bỏ. Theo đó, quy định các loại chất thải điện, điện tử như: Máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại di động... thì nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc, áp dụng từ ngày 1-1-2025.
Cần có nhà máy tái chế rác thải điện tử công nghệ hiện đại
Để có thể tái chế hiệu quả rác thải điện tử, bà Lê Thị Ngọc Dung (Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam) đề xuất, Việt Nam cần có nhà máy tái chế rác thải điện tử công nghệ hiện đại, quy mô lớn, có thể thu hồi kim loại quý để giải quyết được lượng rác thải phát sinh. Cùng với đó là nâng cấp các mô hình tái chế tự phát thành mô hình thu gom, phân loại có kiểm soát.
Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, cần triển khai từ nghiên cứu khoa học sang ứng dụng kỹ thuật thực tiễn ở quy mô công nghiệp, trong đó, cơ sở xử lý được cấp phép tái chế rác thải điện tử phải thiết lập quy trình chung cho tất cả vật liệu được đưa vào tái chế.
Việt Nam cần sớm có luật về quản lý rác thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế; xây dựng hệ thống thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ theo đúng quy định pháp luật nhằm truy xuất nguồn gốc rác thải điện tử và tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển sản phẩm thải bỏ. Các doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu cách tái sử dụng lại sản phẩm điện tử đã hết hạn sử dụng do chính doanh nghiệp đó sản xuất ra và nhập khẩu.
Trong công tác xử lý, thu gom, tái chế rác thải điện tử, các chuyên gia đã đưa ra các bước thực hiện. Cụ thể, bước đầu tiên là rác thải điện tử được thu gom từ hộ gia đình hoặc doanh nghiệp bởi nhân viên chuyên nghiệp. Bước thứ hai là các thiết bị sau khi thu gom sẽ được vận chuyển về nhà máy xử lý chất thải nguy hại bằng xe tải chuyên dụng. Bước tiếp theo là phân loại thiết bị theo từng danh mục sản phẩm và bóc tách hoàn toàn theo từng dòng vật liệu. Bước cuối cùng là các vật liệu có giá trị thu hồi được chuyển giao cho đơn vị có chức năng tái chế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương, các đơn vị tái chế tổ chức thu gom, xử lý, tái chế rác thải nói chung và rác thải điện tử nói riêng. Ngoài ra, Bộ cũng đang hoàn thiện chính sách để nâng cao hiệu quả việc quản lý rác thải điện tử; tích cực triển khai thu gom và xử lý chất thải rắn nói chung và pin, ắc quy nói riêng đã qua sử dụng từ cộng đồng. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm đối với nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định.
Ý kiến ()