Giải pháp nào để phát triển bền vững
LSO-Trong những năm qua, loại hình mầm non (MN) ngoài công lập đã “chung vai” với loại hình công lập đáp ứng nhu cầu phát triển của cấp học. Song trên thực tế, loại hình MN ngoài công lập đang phải tự bươn trải trong thế khó.
Giờ chủ điểm của lớp 4 tuổi Trường Mầm non tư thục Đông Kinh |
Thực trạng loại hình mầm non ngoài công lập
Ngoài 3 trường và cơ sở của thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) thu hút 380 học sinh, trên địa bàn thành phố có 5 trường và 12 cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập, thu hút 1.760 trẻ vào học, chiếm tỷ lệ 30,3% tổng số trẻ huy động trên địa bàn. Với chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực GD&ĐT, các trường MN ngoài công lập đã là sự lựa chọn của nhiều gia đình. Trường Mầm non Tuổi thơ (phường Vĩnh Trại) có số lượng học sinh đông (437 học sinh từ 2-5 tuổi) và nhiều cơ sở khác đã tuyển đủ học sinh theo khả năng về cơ sở vật chất và giáo viên. Tuy nhiên, đối với những trường mới mở, số lượng học sinh chưa tương xứng với sự đầu tư. Làm việc với chúng tôi, bà Hoàng Thị Hồng, Hiệu trưởng trường MN tư thục Đông Kinh cho biết, trường được xây dựng khang trang, hiện đại, có 12 phòng học, các phòng chức năng và các công trình phụ trợ với công suất thu hút khoảng 420 học sinh. Tuy nhiên, sau 3 năm hoạt động, năm học 2014-2015, nhà trường cũng chỉ thu hút được 291 học sinh (bằng 70% công suất). Trường MN Tuổi thần tiên (khu tái định cư Phai Luông, phường Chi Lăng) có cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi với 12 phòng học và các phòng chức năng, nhưng sau 2 năm hoạt động, đến nay cũng chỉ tuyển được 3 lớp với 65 học sinh (tăng hơn năm học trước 7 học sinh). Về đội ngũ giáo viên, do đặc thù của loại hình, đội ngũ giáo viên các trường và cơ sở MN ngoài công lập hầu hết là hợp đồng nên “khập khiễng” về trình độ đào tạo. Trường MN Tuổi thần tiên có 6 giáo viên, thì có 2 người có trình độ khác mầm non, nên chỉ có thể bố trí phụ giảng. Trường MN tư thục Đông Kinh có 17 giáo viên, thì chỉ có 7 người chuyên ngành MN. Về chế độ lương, phụ cấp, các trường đều đã trả lương theo trình độ đào tạo, tuy nhiên phụ cấp đứng lớp chưa được hưởng hoặc được hưởng rất hạn chế (ở mức 10%). Do coi trường MN ngoài công lập chỉ là nơi “tạm dừng chân” để chờ “thời cơ” chuyển vào công lập hoặc thi vào biên chế; mặt khác do chế độ lương, phụ cấp, bảo hiểm chưa đáp ứng được nhu cầu, nên hầu hết đội ngũ giáo viên chưa yên tâm công tác.
Giải pháp nào để “gỡ khó”
Tại hội nghị các trường MN ngoài công lập do Sở GD&ĐT tổ chức ngày 31/10 vừa qua, các hiệu trưởng, chủ trường có nhiều ý kiến, kiến nghị khác nhau, song tập trung ở các nhóm vấn đề chính. Thứ nhất là ngành cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Điều lệ trường MN. Không “bật đèn xanh” cho các trường công lập tuyển sinh vượt chỉ tiêu, vượt quá khả năng về cơ sở vật chất, để tạo nên sự “quá tải”. Thực hiện nghiêm vấn đề này sẽ tạo cơ hội cho các trường ngoài công lập tuyển sinh. Thứ hai là, đề nghị tăng học phí các trường MN công lập, tạo sự công bằng trong giáo dục. Khi nào học phí các trường MN công lập vẫn chỉ bằng 10% trường ngoài công lập, thì khi ấy “sức ép” của các trường MN công lập vẫn còn. Thứ ba, cần có chính sách hỗ trợ MN ngoài công lập về trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tập huấn đội ngũ giáo viên, hỗ trợ trong thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Về những kiến nghị trên, có những vấn đề ở tầm vi mô, song có những vấn đề hoàn toàn ngành GD&ĐT Lạng Sơn có thể đáp ứng được ngay, cụ thể là công tác tuyển sinh. Sẽ là vô lý, khi sĩ số của các trường MN công lập lên đến 50, thậm chí 57 học sinh trong một phòng rộng chưa đến 45m2, trong khi các trường ngoài công lập có đủ cơ sở vật chất, nhưng lại thiếu nguồn tuyển.
MINH HỒNG
Ý kiến ()