Giải pháp nào cho thị trường lao động đang thiếu lao động kỹ năng?
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bày tỏ lo ngại trước việc thiếu cục bộ lực lượng lao động có kỹ năng nghề để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp.
Việc làm đang thay đổi ngày càng nhanh chóng. Dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc làm đơn giản ngày càng giảm và việc làm trong thời kỳ mới đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng cao và chuyên sâu hơn. Trong bối cảnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp (chỉ 26 %) là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong cân đối cung cầu của thị trường lao động.
Chất lượng lao động chưa phải là “vàng”
Dưới tác động kép bởi đại dịch COVID-19 và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thị trường lao động Việt Nam đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ, trong đó nổi lên thách thức lớn về các thay đổi rất nhanh về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động và sự thiếu hụt lao động có kỹ năng. Các thay đổi này khiến cho việc khớp nối cung cầu trên thị trường lao động ngày càng khó hơn, nhất là ở những vị trí, yêu cầu kỹ năng cao.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số “vàng” nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là “vàng”. Bởi lẽ tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26 %; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường.
Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 do VCCI thực hiện cho thấy khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%); tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%). Điều này cho thấy yêu cầu kỹ năng càng cao thì càng khó tuyển dụng lao động.
Lựa chọn Việt Nam để đầu tư sản xuất đã gần 30 năm và đang có 123.000 người lao động làm việc, Tổng Giám đốc Tập đoàn Pouyen Việt Nam Tsai Wen Tsung nhận định thời đại công nghệ, lao động trẻ có nhiều cơ hội nghề nghiệp, có thể tiếp cận gần hơn với các ngành công nghiệp dịch vụ khác nhau, do vậy ngành sản xuất gia công cũng cần có những bước đột phá thông qua chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.
“Hai vấn đề chính cũng là vấn đề trọng tâm của tập đoàn trong thời gian tới của chúng tôi đó là tự động hóa sản xuất và số hóa thông tin. Do đó, chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn người lao động bản địa có kỹ năng, tay nghề cao trong các lĩnh vực như kỹ thuật khuôn mẫu, tự động hoá, công nghệ thông tin… để cùng hỗ trợ quá trình sản xuất và chuyển đổi số của doanh nghiệp,” ông Tsai Wen Tsung cho biết.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Pouyen nhấn mạnh việc nâng cấp và chuyển đổi số của ngành sản xuất sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn lao động chất lượng cao, đặc biệt là trong bối cảnh khan hiếm lao động của ngành công nghiệp da giày như hiện nay.
Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao
Việt Nam hiện là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số ít nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bày tỏ lo ngại trước việc thiếu cục bộ lực lượng lao động có kỹ năng nghề để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp.
“Các doanh nghiệp FDI luôn luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và năng suất lao động cao. Nguồn lực chất lượng cao nếu không được chú trọng cải thiện trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập sẽ đòi hỏi phải xây dựng, tạo lập được nguồn cung lao động hiện đại với chất lượng nhân lực cao; nguồn cầu lao động hiện đại với chất lượng việc làm tốt hơn, bền vững hơn.
Đồng tình với quan điểm cần phải tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lược cao, ông Tsai Wen Tsung chia sẻ: “Về dài hạn, tôi cho rằng giáo dục là hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho sự phát triển của nền kinh tế. Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao giúp chúng tôi có thể tăng cơ hội việc làm cho người lao động trong nước. Vì vậy, việc xây dựng các trường đào tạo nghề, kỹ năng chuyên môn và khoa học kỹ thuật là rất quan trọng để tạo nền tảng kỹ thuật cơ bản vững chắc hơn cho ngành sản xuất.”
Các chuyên ra cho rằng Nghị quyết của Chính phủ và chiến lược phát triển thị trường lao động sẽ cần làm rõ cơ cấu thị trường lao động theo khu vực, khu vực nào cần lao động chất lượng cao, khu vực nào cần lao động giản đơn để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực phù hợp.
Bà Ingrid Christensen Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam chỉ ra rằng ở Việt Nam, các công việc đòi hỏi kỹ năng cao chiếm khoảng 12% tổng số việc làm. Việt Nam hướng đến trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 cũng đồng nghĩa với việc số lượng việc làm yêu cầu kỹ năng cao cũng nhiều gấp đôi.
Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh: “Việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên trị trường lao động. Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại.”
Tiến sỹ Juergen Hartwig, Đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng cơ cấu thị trường đang thay đổi mạnh mẽ với tốc độ nhanh sẽ ngày càng yêu cầu nhiều loại kỹ năng hơn. Do đó, Việt Nam phải có những chính sách linh hoạt, hướng tới tương lai và dựa trên bằng chứng để có thể sớm phát triển được thị trường lao động một cách phù hợp./.
Ý kiến ()