Giải pháp nào cho hơn 40.000 giáo viên thừa theo chương trình mới
Ảnh minh họa |
Trước vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới vừa được tổ chức tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Hoàng Đức Minh cho biết, có 2 hình thức bồi dưỡng giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới là đại trà và cốt cán.
Theo đó, việc bồi dưỡng giáo viên cốt cán sẽ thực hiện theo hình thức tập trung trong 8 ngày. Mỗi tỉnh, thành phố chọn ra 2 giáo viên mỗi môn để tham gia khoá học. Sau đó, đội ngũ này sẽ cùng thực hiện việc bồi dưỡng đại trà cho phần lớn giáo viên còn lại.
Khác với hiện nay mỗi giáo viên chỉ dạy một hoặc một số ít khối lớp trong suốt thời gian công tác, giáo viên cốt cán của chương trình mới sẽ dạy học sinh dạy từ lớp 1 đến 5. Cục trưởng Hoàng Đức Minh cho rằng, đây là cách làm hợp lý nhất bởi giáo viên chưa được bồi dưỡng sẽ gặp nhiều lúng túng khi dạy theo chương trình mới. Ông khuyến nghị không chọn giáo viên lớn tuổi vào đội ngũ cốt cán.
Từ năm 2019, việc bồi dưỡng giáo viên đại trà sẽ được triển khai cho lớp 1, năm 2020 là lớp 2 và 6; lần lượt như thế đến năm 2023 là hai lớp cuối 5, 12. Theo ông Minh, hình thức đào tạo chủ yếu là qua mạng Internet, thông qua các bài giảng online của thầy cô viết chương trình.
Đối với giáo viên dạy môn tích hợp, từ năm 2018, Bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng để có thể dạy phủ sang môn khác chuyên môn đào tạo ở đại học. “Mỗi thầy cô sẽ phải học thêm 20 tín chỉ (15 tiết/tín chỉ) cho môn không phải chuyên môn. Ví dụ giáo viên Địa lý học thêm 20 tín chỉ môn Lịch sử và ngược lại”, ông Minh nói.
TTXVN dẫn khảo sát thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tổng số giáo viên thừa của các cấp học so với tổng số giáo viên hiện nay là 40.264 người.
Trong đó, bậc trung học cơ sở thừa nhiều nhất. Hiện bậc học này đang có gần 311.000 giáo viên. Trong 4 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc học này, số giáo viên dôi dư mỗi năm từ hơn 4.000 đến trên 6.000 giáo viên. Đến năm học 2023-2024, khi chương trình mới triển khai đến hết cấp học này, tổng số giáo viên dôi dư lên đến 21.663 người.
Bậc trung học phổ thông cũng sẽ thừa 4.508 giáo viên vào năm học 2021-2022 trong tổng số 150.700 giáo viên hiện tại. Bậc học này thừa thêm 4.387 giáo viên vào năm học 2022-2023 nhưng lại thiếu khoảng 21 giáo viên vào năm học 2023-202.
Trong khi các cấp phổ thông thừa hàng nghìn giáo viên thì bậc tiểu học lại vừa thừa vừa thiếu.
Bậc học này đang có 397.000 giáo viên. Khi triển khai chương trình mới ở lớp một, năm học 2019-2020, sẽ thừa khoảng 4.700 giáo viên, thừa thêm gần 5.000 giáo viên vào năm học 2020-2021.
Từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, bậc học này lại thiếu giáo viên. Tổng số giáo viên thiếu là trên 5.000 giáo viên.
Dôi dư giáo viên về tổng thể nhưng xét theo từng môn ở từng cấp học lại có nhiều môn sẽ thiếu giáo viên với số lượng khá lớn.
Cụ thể, ở bậc tiểu học, hiện cả nước thiếu khoảng 5.610 giáo viên Tiếng Anh, 5.600 giáo viên Tin học. Để đáp ứng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2021-2022 đến 2023-2024, mỗi năm cần tuyển bổ sung khoảng 2.000 thầy cô mỗi môn.
Ở bậc trung học phổ thông, khi triển khai chương trình giáo dục mới sẽ có thêm hai môn mới là Âm nhạc và Mỹ thuật nên theo tính toán của Bộ, mỗi năm, bậc học này vẫn cần tuyển thêm khoảng 2.700 giáo viên mỗi môn.
Trước đó, tại cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 17/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giáo viên là nhân tố quyết định trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục cũng phải đánh giá thật sát nhu cầu giáo viên, từ tổng biên chế đến từng cấp, từng môn, từng nơi nhằm khắc phục hiện tượng thừa, thiếu cục bộ. Không thể nói đào tạo tốt, dạy tốt mà thiếu giáo viên. Cũng không thể chuyển giáo viên văn sang dạy toán, giáo viên THPT dạy cấp THCS.
Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương thực hiện đánh giá nhu cầu thực tế về giáo viên đến từng môn học, bám sát vào chương trình, từ đó xác định rõ cần bao nhiêu chỉ tiêu đào tạo mới và quản lý chặt chỉ tiêu này trên toàn quốc; thống kê số lượng giáo viên cần bồi dưỡng, đào tạo chuyển đổi ở từng địa phương.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở phối hợp với các trường sư phạm địa phương tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đang dư thừa ngay tại từng trường, từng cấp học, môn học theo chương trình chuẩn mà các trường đại học sư phạm lớn thống nhất và được Bộ phê duyệt.
Ý kiến ()