Giải pháp nâng cao chất lượng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở
– 3 năm gần đây, đề tài khoa học cấp tỉnh “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác phân luồng học sinh (PLHS) sau THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2018-2025” đã áp dụng trong thực tiễn, qua đó từng bước khắc phục được những tồn tại, hạn chế của công tác PLHS trên địa bàn tỉnh, giúp công tác này có chuyển biến tốt hơn.
Những năm qua, công tác PLHS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, cơ cấu học sinh vào các luồng còn mất cân đối. Cụ thể: trước năm 2018, hơn 85% học sinh vào học tại các trường THPT, chỉ có 10% vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) và 5% không tiếp tục đi học mà tham gia thị trường lao động. Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, những nghề lao động chân tay, thu nhập thấp như: xây dựng, giao thông, kiến trúc, kỹ thuật, công nghệ, nông – lâm – ngư nghiệp và sửa chữa máy móc, ô tô, xe máy… ít được học sinh lựa chọn. Ngược lại, các ngành nghề có thu nhập cao, công an, quân đội được học sinh và cha mẹ học sinh lựa chọn tham gia học nhiều nhất. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS như tâm lý xã hội, nhận thức, cơ hội việc làm, cơ chế chính sách và tác động của hệ thống giáo dục, sự yêu thích, sở trường, năng khiếu…
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Nông lâm Đông Bắc giới thiệu các sản phẩm mà các em tự thực hiện
Trước thực tế này, từ tháng 6/2018 đến tháng 11/2020, nhóm nghiên cứu do Thạc sỹ Nguyễn Minh Châu, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) làm chủ nhiệm đã nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh mang tên “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác PLHS sau THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2018 – 2025”.
Thạc sỹ Nguyễn Minh Châu cho biết: Mục đích của việc nghiên cứu đề tài là đánh giá chính xác thực trạng công tác PLHS sau THCS trên địa bàn tỉnh. Từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác này và cung cấp cơ sở khoa học trong việc quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực cho địa phương; phấn đấu để ngành GD&ĐT tỉnh đạt mục tiêu đến năm 2025 có 25% học sinh lựa chọn và được đào tạo nghề sau THCS.
Qua đánh giá, phân tích tình hình thực tế, đề tài đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác PLHS gồm: cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác hướng nghiệp, PLHS sau THCS đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tăng cường bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên và đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường để đáp ứng yêu cầu công tác PLHS sau THCS; tăng cường quản lý công tác PLHS sau THCS; phối hợp giữa cơ sở giáo dục, đơn vị đào tạo và cơ sở sử dụng lao động để thúc đẩy nâng cao chất lượng công tác PLHS sau THCS. Đề tài còn xây dựng các biện pháp như: thiết kế và hướng dẫn sử dụng sổ tay phân luồng – hướng nghiệp; công cụ tra cứu phân luồng – hướng nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu PLHS sau THCS; xây dựng khung năng lực hướng nghiệp của học sinh; khung năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng…
Trong thời gian thực hiện, nhóm nghiên cứu đã triển khai áp dụng các giải pháp, biện pháp trên tại 3 trường THCS gồm: Đồng Bục (huyện Lộc Bình), Văn Quan (huyện Văn Quan), Cao Lâu (huyện Cao Lộc). Kết quả nghiên cứu và thực hiện cho thấy, học sinh thi vào trường THPT và tham gia thị trường lao động giảm, số học sinh tham gia học nghề tăng. Cụ thể, chia tỷ lệ trung bình của 3 trường, năm 2018: tỷ lệ học sinh học THPT là 88% thì năm 2020 còn 85%, tỷ lệ học sinh học nghề tăng từ 0% lên 1,7%, không có học sinh tham gia thị trường lao động.
Thầy Mã Văn Tư, Hiệu Trưởng Trường THCS Đồng Bục, huyện Lộc Bình cho biết: Sau 3 năm thực nghiệm phương pháp PLHS tại trường cho thấy, nhận thức về vấn đề này trong cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh được nâng lên. Tỷ lệ học sinh thi vào THPT giảm từ 81,7% xuống còn 75,4%, tỷ lệ học sinh học GDTX tăng từ 15,5% lên 19,7%; số học sinh tham gia học nghề tăng từ 1,4% lên 7,9%; học sinh tham gia thị trường lao động giảm từ 1,4% xuống còn 0%. Riêng trong năm học 2020 – 2021, chúng tôi đã phân luồng được 18/73 học sinh. Sau khi được tư vấn, các em đều nhận thức rất rõ về việc phân luồng và chủ động tham gia học tại các trường nghề, trung tâm GDTX.
Toàn tỉnh hiện có 23 cơ sở GDNN và tham gia lĩnh vực GDNN với 45 nghề được cấp phép, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học văn hóa và học nghề của học sinh trên địa bàn tỉnh. Các ngành nghề được nhà trường đưa vào giảng dạy đa dạng, phong phú như: sửa chữa điện tử, điện dân dụng, thiết kế thời trang, may đo, nghề mộc, công nghệ điện tử… Với những ý nghĩa thiết thực mà đề tài mang lại, thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ triển khai giải pháp PLHS tại tất cả các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh
Ý kiến ()