Giải pháp nâng cao chất lượng dân số
LSO-Những năm qua, bằng các biện pháp truyền thông, can thiệp và dự phòng, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), sức khỏe bà mẹ và trẻ em (SKBMTE) ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
Nữ hộ sinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ |
99,5% bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế
Để đạt được kết quả tốt trong công tác CSSK BMTE, việc truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ nữ mang thai và gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, trung tâm dân số – kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) các huyện, thành phố đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội triển khai lồng ghép tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về dân số, nâng cao chất lượng dân số, kỹ năng sống và SKSS… trong các cuộc họp giao ban, sinh hoạt định kỳ tại cơ sở. Đồng thời tổ chức truyền thông trực tiếp tại các ngày lễ, tết được 2.328 buổi với 74.700 người nghe, phát thanh 291 lần, thăm hỏi 6.356 hộ, cấp hơn 10.150 tờ rơi các loại, tư vấn cho hơn 8.900 người, nói chuyện chuyên đề 70 buổi với hơn 2.400 người tham dự, cấp 500 cuốn tài liệu, tạp chí…
Qua đó, công tác CSSK BMTE đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, trước hết là phụ nữ trong độ tuổi mang thai và các thành viên trong gia đình. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 77% phụ nữ mang thai được khám thai ít nhất 3 lần/3 kỳ (vượt 0,2% so với kế hoạch năm 2017). Bà Đinh Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm CSSKSS cho biết: Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông, chị em phụ nữ đã có nhận thức và dần hiểu được các kiến thức cơ bản về CSSKSS, tự chăm sóc cho bản thân và gia đình. Các bà mẹ có thai đã được quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế, được tư vấn trước sinh và lựa chọn cơ sở sinh con an toàn, phù hợp; 99,5% bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế (vượt 1% so với kế hoạch, tăng 1,2% so với năm 2016).
86,4% bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh
Cùng với đó, việc CSSK BMTE trước và sau sinh cũng thu hút được sự quan tâm nhiều hơn từ phía cộng đồng, nhất là tại các sơ sở y tế. Bà Trần Hồng Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình cho biết: Ngay sau khi sản phụ sinh con, các cán bộ y tế đã tư vấn, hướng dẫn cách vệ sinh mẹ và bé, nuôi con bằng sữa mẹ… Đặc biệt đối với những bà mẹ đẻ mổ, sức khỏe không tốt, cán bộ đã trực tiếp làm vệ sinh vết mổ, vệ sinh cơ thể để giúp bà mẹ có được trạng thái tâm, sinh lý tốt nhất.
Khi được quan tâm, chăm sóc trước, trong và sau sinh, các bà mẹ giảm được áp lực về tâm lý, tránh bệnh trầm cảm sau sinh, đồng thời tiếp nhận thêm kiến thức để nuôi con tốt, giảm tỷ lệ bệnh tật, suy dinh dưỡng ở trẻ. Sau khi đẻ mổ vài giờ, chị Đinh Thị Thanh Tâm (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) đã có thể ngồi dậy cho con bú sữa mẹ nhờ sự hướng dẫn tận tình của các nữ hộ sinh. Chị Tâm chia sẻ: Đây là lần thứ hai tôi đẻ mổ rồi. Lần này đau hơn lần trước nhiều. Nhưng nhờ các cán bộ y tế quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn, động viên, tôi hiểu được tầm quan trọng của sữa non đối với sự phát triển của trẻ nên cố gắng cho con bú trong tư thế thoải mái nhất có thể.
Với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ ngành y tế, công tác CSSKSS BMTE đã đạt được hiệu quả thiết thực, 86,4% bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 0,54% xuống còn 0,42%. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 0,64% xuống còn 0,55%; 98,6% trẻ dưới 5 tuổi được cân đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng 1 lần/năm. Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và xã hội hóa phương tiện tránh thai để bảo vệ SKSS của phụ nữ. Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: mô hình kiểm tra tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh; xây dựng và trình phê duyệt đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS – KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2016 – 2020.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()