Giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi
– Bồi dưỡng học sinh giỏi ở cấp trung học cơ sở (THCS) là một quá trình mang tính khoa học, nghiêm túc, có tính chiến lược. Để bồi dưỡng các em đạt kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, thầy Đỗ Công Trung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Lộc Bình đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả tích cực.
Trên thực tế công tác bồi dưỡng học sinh giỏi còn bộc lộ một số bất cập như: giáo viên chưa thật sự đầu tư nghiên cứu và giảng dạy học sinh giỏi; việc tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi ở một số trường còn mang tính tự phát; chưa xây dựng được kế hoạch và biện pháp quản lý, bồi dưỡng học sinh giỏi lâu dài; việc đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy, thiết bị và kinh phí cho giáo viên bồi dưỡng còn hạn chế; công tác thi đua khen thưởng, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, học sinh giỏi chưa thật sự thoả đáng. Xuất phát từ thực tế trên, năm học 2021 – 2022, thầy Đỗ Công Trung, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lộc Bình đã có sáng kiến “Giải pháp nâng cao chất lượng thi học sinh giỏi cấp THCS tại huyện Lộc Bình”.
Học sinh THCS huyện Lộc Bình tham gia thi trực tuyến môn Toán học
Thầy Đỗ Công Trung cho biết: Sáng kiến này tập trung đưa ra các giải pháp mang tính chỉ đạo, định hướng trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên; đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức trong công tác ôn luyện tại các nhà trường.
Ứng dụng sáng kiến vào thực tiễn bồi dưỡng học sinh giỏi trên địa bàn huyện, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch tổ chức thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp trường ngay từ đầu năm học và thành lập ban chỉ đạo bồi dưỡng học sinh giỏi. Kế hoạch thể hiện rõ mục tiêu, chỉ tiêu, số lượng, thời gian, chương trình, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, nội dung, cách thức, các lực lượng tham gia bồi dưỡng đội tuyển, thời gian thực hiện, kết quả đạt được. Thông qua các tiết dạy chính khóa, trên nền kiến thức đại trà, giáo viên phát hiện sự nhạy bén của học sinh đối với môn học để tìm ra những em thông minh, trí tuệ, có khả năng sáng tạo, tinh thần say mê ham học. Việc tuyển chọn giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi phải đảm bảo yêu cầu như: có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết sâu rộng; biết tạo hứng thú cho học sinh tự học, tự nghiên cứu. Phân công 2 – 3 giáo viên bồi dưỡng, trong đó có cả giáo viên kinh nghiệm chủ chốt lẫn trẻ tuổi nhằm tạo điều kiện cho giáo viên trẻ học tập kinh nghiệm tạo nguồn lâu dài.
Với những môi trường chỉ có một giáo viên chuyên môn thì phối hợp với trường lân cận, cụm trường để tổ chức ôn luyện. Ngay từ buổi bồi dưỡng đầu tiên cần giới thiệu cho học sinh về chương trình, nội dung, phương pháp học một cách khái quát nhất để các em hiểu, từ đó tự xây dựng cho mình kế hoạch học tập phù hợp ở trên lớp và ở nhà. Giáo viên giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh trong các giờ học, hướng dẫn cách khai thác nguồn học liệu từ thư viện trường và kết hợp nguồn học liệu mở từ internet và các trang mạng xã hội, hiện tượng, sự việc trong thực tế đời sống. Khuyến khích học sinh tham gia những cuộc thi trên internet nhằm giúp các em thể hiện kiến thức và kỹ năng trong việc học tập môn Toán, Tiếng Anh. Không chỉ tổ chức thi học sinh giỏi cấp huyện đối với các môn lớp 9 để chọn học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Phòng GD&ĐT huyện còn tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp huyện đối với các khối lớp 6 đến khối lớp 9.
Căn cứ trên kết quả thi cấp huyện, Phòng GD&ĐT sẽ chọn đội tuyển để tham gia thi cấp tỉnh. Ngoài số lượng học sinh đã được lựa chọn, Phòng GD&ĐT cho phép các trường đề xuất thêm những em có khả năng tham gia ôn cùng đội tuyển. Năm học 2021 – 2022, Phòng GD&ĐT tổ chức cho đội tuyển ôn tập trung tại một trường có điều kiện thuận lợi. Mỗi tuần giáo viên tổ chức kiểm tra để nắm bắt mức độ nhận thức của học sinh, kịp thời điều chỉnh nội dung, cách thức, chủ đề ôn tập phù hợp. Sau 3 tuần, giáo viên tiến hành thi sàng lọc chọn đội tuyển chính thức tham gia thi cấp tỉnh.
Song song với đó, sáng kiến cũng chú trọng hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, liên trường, liên huyện về công tác ôn thi đội tuyển học sinh giỏi; công tác truyền thông, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, gia đình trong công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng học sinh giỏi. Cuối năm học, Phòng GD&ĐT tổ chức biểu dương điển hình tiên tiến trong công tác giảng dạy, ôn luyện nâng cao chất lượng học sinh giỏi nhằm lan tỏa ý thức sáng tạo, đổi mới của giáo viên, mơ ước chinh phục các kỳ thi của học sinh.
Năm học 2021 – 2022, sáng kiến được áp dụng vào quá trình chỉ đạo công tác ôn thi nâng cao chất lượng học sinh giỏi tại các đơn vị trường trực thuộc huyện. Kết quả, năm học 2021 – 2022, toàn huyện có 576 học sinh dự thi học sinh giỏi cấp huyện, trong đó có 250 học sinh đạt giải, tăng 34 giải so với năm học 2020 – 2021. Tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn cấp THCS, toàn huyện có 28/38 học sinh dự thi đạt giải, tăng 11,9% so với năm 2020 – 2021. Trong đó có 1 giải nhất, 3 giải nhì, 6 giải ba, 18 giải khuyến khích, đứng đầu toàn tỉnh về tỷ lệ học sinh đạt giải.
Em Hoàng Ngọc Bảo Hân, học sinh Trường THCS Lộc Bình năm học 2021 – 2022 cho biết: Bên cạnh kiến thức trong các giờ ôn luyện đội tuyển, chúng em còn được khuyến khích tự học, tìm hiểu kiến thức từ internet, các tài liệu chuyên ngành và đời sống hằng ngày. Nhờ đó, em đã có nhiều kiến thức bổ ích. Tại cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2021 – 2022 em đã đạt giải Nhì môn sinh học và thi đỗ thủ khoa vào Trường THPT chuyên Chu Văn An.
“Giải pháp nâng cao chất lượng thi học sinh giỏi cấp THCS tại huyện Lộc Bình” đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là sáng kiến cấp tỉnh. Đây là nguồn tư liệu để các nhà quản lý cấp THCS và giáo viên tham khảo áp dụng cho đơn vị của mình. |
Ý kiến ()