Giải pháp mới giảm ô nhiễm môi trường nông thôn
Mô hình sử dụng nền đệm lót sinh học của gia đình ông Trần Văn Sơn, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục. Chăn nuôi hộ ở Hà Nam vốn được coi là mũi nhọn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư từ nguồn chất thải, nước thải do chăn nuôi đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Trước tình trạng đó, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai nhân rộng mô hình sử dụng nền đệm lót sinh học trong chăn nuôi góp phần giảm ô nhiễm môi trường.Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôiTuy là xã đa nghề, đất chật, người đông nhưng nghề chăn nuôi lợn vẫn được người dân xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng duy trì, phát triển. Với tổng đàn lợn hơn bảy nghìn con, nhưng cả xã chỉ có một khu chăn nuôi tập trung (gồm 20 hộ) còn lại là trong nông hộ và nguồn chất thải chủ yếu được thải thẳng ra các cống, rãnh thoát nước trong khu dân cư. Cũng như Đồng Hóa, thôn I,...
Mô hình sử dụng nền đệm lót sinh học của gia đình ông Trần Văn Sơn, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục. |
Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi
Tuy là xã đa nghề, đất chật, người đông nhưng nghề chăn nuôi lợn vẫn được người dân xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng duy trì, phát triển. Với tổng đàn lợn hơn bảy nghìn con, nhưng cả xã chỉ có một khu chăn nuôi tập trung (gồm 20 hộ) còn lại là trong nông hộ và nguồn chất thải chủ yếu được thải thẳng ra các cống, rãnh thoát nước trong khu dân cư. Cũng như Đồng Hóa, thôn I, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục có 200 hộ gia đình thì có đến 90% số hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn lợn khoảng năm nghìn con, trong đó có nhiều hộ có quy mô nuôi tới hàng trăm đầu lợn thịt/lứa. Song nguồn chất thải chủ yếu vẫn được thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Thực tế, vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải trong chăn nuôi, nhất là nuôi lợn ở các làng quê đã trở nên bức xúc và được chính quyền, nhân dân các địa phương quan tâm tìm hướng giải quyết. Tuy đã có nhiều biện pháp được đưa ra thực hiện nhằm xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường như xây hầm bi-ô-ga, trạm xử lý nước thải chăn nuôi tập trung… song hầu hết các biện pháp đó lại vấp phải không ít trở ngại do chi phí lớn mà hiệu quả xử lý môi trường lại không triệt để và không phù hợp các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo số liệu thống kê từ Chi cục chăn nuôi tỉnh Hà Nam, tổng đàn lợn của tỉnh có 40 nghìn con, tập trung ở trên 20 nghìn hộ gia đình, trong đó có đến 94% số lợn được nuôi trong nông hộ, 6% được nuôi tại các khu chăn nuôi tập trung. Cùng với đó, đàn gia cầm của tỉnh cũng đang duy trì khoảng 3,3 triệu con… Từ số lượng gia súc, gia cầm này, mỗi năm thải ra hàng nghìn tấn chất thải rắn và hàng triệu m3 chất thải lỏng (gồm cả lượng nước rửa chuồng trại). Hầu hết lượng nước thải rất lớn này không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường tự nhiên. Ngoài 30 khu chăn nuôi tập trung được bố trí xa khu dân cư, còn lại phần lớn chuồng trại chăn nuôi vẫn nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Thực tế là các hộ chăn nuôi đều đưa chuồng trại ra một khu tách biệt so với nhà ở của gia đình, nhưng lại sát với hộ liền kề. Vì thế, ở những nơi chăn nuôi phát triển như xã Nhật Tân huyện Kim Bảng, xã Ngọc Lũ, An Ninh, huyện Bình Lục, xã Nhân Chính huyện Lý Nhân… gần như toàn bộ hệ thống cống, rãnh, ao, hồ đều chuyển mầu đen, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đe dọa hằng ngày đến sức khỏe của người dân.
Hiệu quả từ một cách làm
Mặc dù thời tiết đang giữa mùa xuân ẩm ướt, song khu chăn nuôi lợn của gia đình ông Trần Văn Sơn, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục với gần 100 đầu lợn thịt vẫn giữ được không khí trong lành, không có mùi hôi, thối của những nơi chăn nuôi lợn tập trung. Ông Sơn cho biết: Gia đình chăn nuôi nhiều, nên khi được ngành nông nghiệp phổ biến biện pháp xử lý được ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi lợn, gia đình mạnh dạn đầu tư áp dụng ngay. Qua thực tế, tôi nhận thấy những ưu điểm nổi bật của nền đệm lót sinh học là không chỉ bảo đảm được môi trường của gia đình mà còn không làm ảnh hưởng hàng xóm, lại không phải chi phí cho tiền điện bơm nước, công rửa chuồng, tiền thuốc thú y cho một số bệnh thông thường mà trước đây lợn hay mắc phải. Xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân là một trong những địa phương duy trì được chăn nuôi lợn trong các hộ dân ổn định. Trong đó, số hộ nuôi từ 5-7 con lợn thịt trở lên chiếm hơn một nghìn hộ. Do vậy, với việc sử dụng nền đệm lót sinh học trong nuôi lợn do ngành nông nghiệp triển khai đã được nhiều hộ nuôi lợn trong xã áp dụng. Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Chính Đinh Văn Phong cho biết: Xác định chăn nuôi lợn là nguồn thu nhập chính và bền vững của mỗi gia đình ở nông thôn khi mà đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, song từ nhiều năm nay, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải từ chăn nuôi, nhất là nuôi lợn vẫn là vấn đề nhức nhối, khó giải quyết triệt để của địa phương. Nên khi mô hình sử dụng nền đệm lót sinh học được ngành nông nghiệp đưa ra, xã đã tích cực vận động các hộ chăn nuôi cùng hưởng ứng. Đến nay, hầu hết các cán bộ chủ chốt của xã đã đi đầu trong việc áp dụng nền đệm lót sinh học cho đàn lợn của gia đình để bà con thấy hiệu quả và làm theo.
Tỉnh Hà Nam hiện có hàng trăm hộ gia đình tham gia hưởng ứng mô hình nền đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Qua theo dõi các mô hình triển khai cho thấy những ưu điểm nổi trội trong xử lý môi trường đó là: Triệt tiêu được toàn bộ chất thải hằng ngày của đàn lợn, bảo đảm được môi trường. Nhờ có môi trường trong lành nên lợn ít bị các loại dịch bệnh thông thường như: sốt vi-rút, tiêu chảy… Trọng lượng của lợn nuôi ở chuồng có sử dụng nền đệm lót tăng bình quân 1-3 kg/ tháng so với chuồng không sử dụng nền đệm lót. Môi trường chuồng trại được bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, ngăn chặn được những loại bệnh, dịch có thể bùng phát như lở mồm, long móng, dịch tai xanh trên lợn. Về chi phí làm đệm lót cũng không cao, khoảng 120 nghìn đồng/m2 trong năm năm cho một nền đệm. Việc sử dụng nền đệm lót trong nuôi lợn là rất phù hợp cho chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ hiện nay.
Từ hiệu quả của mô hình, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt đề án “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ sinh học trong chăn nuôi giai đoạn 2011-2015”. Thực hiện đề án, trong năm 2012, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện thêm 200 mô hình tại 103 xã nông thôn mới, mỗi mô hình được tỉnh hỗ trợ 160 nghìn đồng/m2 để đầu tư nguyên liệu làm nền đệm lót, men vi sinh và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật làm đệm lót sinh học cho người chăn nuôi. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Kiều Hữu Bình cho biết: Hiện nay, sử dụng nền đệm lót sinh học trong nuôi lợn là hướng đi hiệu quả để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, khi chăn nuôi ở nông hộ vẫn được duy trì và mở rộng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đã rất tích cực phối hợp và hỗ trợ các địa phương triển khai và nhân rộng mô hình. Song, để mô hình sớm được nhân rộng rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hộ chăn nuôi hiểu rõ được lợi ích và tự nguyện thay đổi nếp nghĩ và tham gia mô hình, góp phần bảo vệ môi trường thôn, xóm, khu dân cư.
Từ những ưu điểm vượt trội, mô hình sử dụng nền đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã được Hà Nam đưa vào chương trình hỗ trợ đối với những xã xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn đầu tư cụ thể cho năm 2012 là 1,11 tỷ đồng cho 200 mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học. Đây thật sự là động lực thúc đẩy để biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi này được áp dụng rộng rãi, góp phần phát triển chăn nuôi và bảo vệ môi trường nông thôn bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()