Giải pháp hữu ích trong giảng dạy
Anh Dương Anh Vũ ứng dụng máy chiếu đa năng sử dụng smartphone vào bài giảng |
Anh Dương Anh Vũ, giáo viên Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn – chủ nhiệm đề tài “Máy chiếu đa năng sử dụng smartphone” cho biết: Trong quá trình giảng dạy, tôi thấy cần phải có những đồ dùng dạy học mang tính đặc trưng bộ môn. Như vậy, khi ứng dựng vào thực tiễn phục vụ cho việc thực hành của học sinh các em tiếp thu bài học dễ dàng hơn. Để đáp ứng kịp thời và nâng cao hiệu quả việc dạy và học, năm 2017, tôi lên ý tưởng và thực hiện thiết kế chiếc máy chiếu đa năng sử dụng smartphone.
Để chiếc máy chiếu thông minh ra đời, tác giả đề tài tìm hiểu nguyên lý hoạt động của máy chiếu, kính hiển vi, máy chấm bài thi trắc nghiệm, phân tích các đặc điểm để tích hợp vào chiếc máy chiếu đa năng. Trên nền tảng của một số phần mềm về công nghệ, anh Vũ tự chỉnh sửa, mở rộng chức năng nhằm đáp ứng nhu cầu của bài giảng. Cùng với đó, tác giả đề tài tận dụng những vật liệu sẵn có trong đời sống như: hộp gỗ, thấu kính, gậy chụp ảnh… với chi phí chỉ khoảng 300.000 – 400.000 đồng để hoàn thiện chiếc máy chiếu đa năng sử dụng điện thoại thông minh với 3 chức năng chính gồm: máy chiếu bảng trong, kính hiển vi và máy chấm bài thi trắc nghiệm.
Với chức năng là một chiếc máy chiếu bảng trong, điện thoại kết hợp với máy tính, máy chiếu, bảng nhựa bằng một phần mềm. Đưa thiết bị vào giảng dạy giúp giáo viên trình chiếu đề bài tập, phiếu bài tập trước và sau khi học sinh làm để nhận xét, so sánh, sửa chữa những sai sót (nếu có)… mà không cần bảng phụ, bảng nhóm. Qua đó, có thể nhận xét cách trình bày, lời giải, cách lập luận, chữ viết, hình vẽ, các ký hiệu… của học sinh. Với phương pháp kiểm tra trắc nghiêm được sử dụng rộng rãi như hiện nay thì cách làm này giúp giáo viên có thể chỉ ra những thiếu sót của bài thi, từ đó rút kinh nghiệm và hướng dẫn học sinh trình bày bài thi tốt hơn một cách trực quan.
Với môn sinh học, kính hiển vi là dụng cụ không thể thiếu khi cần quan sát những vật thể, mẫu vật có kích thước nhỏ. Tuy nhiên, thiết bị này tương đối cồng kềnh, chính vì vậy, tích hợp nó vào điện thoại thông minh giúp giáo viên ứng dụng trong các bài giảng thuận tiện mà không tốn nhiều thời gian. Điện thoại thông minh kết hợp với thấu kính, hộp gỗ… giúp phóng to các vật thể mà mắt thường không nhìn thấy được như: tinh thể muối, đường, phấn hoa, giun, sán… gấp nhiều lần. Như vậy, học sinh có thể quan sát các mẫu vật với hình ảnh rõ nét, chính xác và sinh động. Không chỉ ứng dụng trong môn sinh học, với môn hóa học, việc thực hành thí nghiệm tốn nhiều thời gian, nhất là những thí nghiệm có thời gian tiến hành dài không thực hiện được trong 1 tiết học, thí nghiệm khó thành công khi trình diễn hoặc phải làm nhiều lần, các thí nghiệm có thể gây cháy, nổ… thì thực hành trong khuôn khổ tiết học chỉ 45 phút là rất khó. Chính vì vậy, sử dụng điện thoại thông minh ghi lại và cắt gọn cho phù hợp với thời lượng 1 tiết học giúp bài giảng sinh động, việc tiếp thu của học sinh cũng dễ dàng hơn. Với các môn học khác, giáo viên cũng có thể sử dụng thiết bị này trình chiếu các hình vẽ, bảng biểu, biểu đồ, bản đồ… trong sách giáo khoa.
Hiện nay, trên thị trường đã có máy chấm bài thi trắc nghiệm, tuy nhiên, giá thành máy này là rất cao, các trường học không thể trang bị, nhất là trang bị cho từng giáo viên. Trong khi đó, chấm thủ công thì mất nhiều thời gian, giáo viên phải xem từng đáp án của học sinh, sau đó so sánh với đáp án đúng. Giải quyết vấn đề này, một phần mềm chấm thi được tác giả cho ra đời, theo đó, giáo viên chỉ cần nhập đáp án đúng của bài thi vào điện thoại. Sau đó, soi điện thoại lên bài thi của học sinh, điện thoại sẽ cho ra kết quả bài thi. Anh Vũ cho biết: Việc chấm bài thi trắc nghiệm của mỗi lớp trước đây mất cả buổi thì nay chỉ mất khoảng 20 đến 25 phút.
Sự linh hoạt của máy chiếu đa năng sử dụng smartphone là 1 trong 4 giải pháp được giải cao tại cuộc thi sáng tạo kỹ thuật do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức. Sau cuộc thi, đây là giải pháp được lựa chọn tham gia cuộc thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14. Tại cuộc thi, đây là một trong những giải pháp lọt vào vòng chung khảo được ban tổ chức đánh giá cao. Với những tiện ích mà chiếc máy chiếu đa năng sử dụng smartphone mang lại, trong thời gian tới, thiết bị này cần được nhân rộng tại các nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học.
Ý kiến ()