Giải pháp hạn chế tình trạng cấp trùng thẻ BHYT: Cách làm ở Lộc Bình
LSO-Tính từ năm 2010 trở lại đây, thực trạng cấp nhiều thẻ BHYT cho cùng một đối tượng vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh ta, nhất là đối với đối tượng người nghèo và dân tộc thiểu số.
LSO-Tính từ năm 2010 trở lại đây, thực trạng cấp nhiều thẻ BHYT cho cùng một đối tượng vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh ta, nhất là đối với đối tượng người nghèo và dân tộc thiểu số. Theo rà soát sơ bộ của BHXH tỉnh, kết quả ban đầu cho thấy, toàn tỉnh có trên 4.500 thẻ BHYT cấp trùng cho đối tượng người nghèo và dân tộc thiểu số.
Chi trả lương hưu tại UBND thị trấn Lộc Bình |
Tại huyện Lộc Bình, vài năm trước đây cũng là một trong những huyện có tỷ lệ cấp trùng thẻ BHYT cao, mỗi năm khoảng 1 nghìn thẻ. Anh Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc BHXH huyện Lộc Bình cho biết: Chỉ tính riêng trong 2 năm 2011 và 2012, số lượng thống kê cấp thẻ trùng của toàn huyện là khoảng 2 nghìn thẻ. Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do việc lập danh sách đề nghị phê duyệt từ xã, phường còn chậm, nhiều sai sót về các thông tin của người được cấp thẻ như năm sinh, họ tên, giới tính. Ngoài ra, chưa có sự rà soát, đối chiếu chặt chẽ với các trường hợp thuộc các đối tượng khác đã được cấp thẻ như thân nhân sỹ quan, cựu chiến binh. Mà phần lớn ở Lộc Bình là mắc hai đối tượng này do không thuộc BHXH huyện quản lý. Hiện nay, toàn huyện Lộc Bình có 71.091 người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có 63.802 người chỉ tham gia BHYT; 1.392 người tham gia BHYT tự nguyện. Số đối tượng tham gia đông nên việc quản lý, rà soát để lập danh sách cấp thẻ BHYT hàng năm cũng rất vất vả và muốn hiệu quả, hạn chế được cấp thẻ trùng cần có phương pháp làm việc khoa học. Cán bộ làm chuyên trách công tác này cần đầu tư thời gian nghiên cứu, cải tiến các phương pháp làm việc sao cho vừa khoa học, vừa đảm bảo hiệu quả công việc. Tại BHXH huyện Lộc Bình, từ lãnh đạo đến các chuyên viên phụ trách lĩnh vực đã nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi cách thực hiện công tác cấp thẻ BHYT hàng năm khoa học, góp phần giải quyết tình trạng cấp trùng thẻ BHYT như hiện nay. Anh Lành Tiến Duy, chuyên viên cấp sổ thẻ, BHXH huyện Lộc Bình cho biết: Mấy năm trước, BHXH Lộc Bình cũng có tình trạng cấp trùng thẻ nhiều. Vì vậy, là chuyên viên phụ trách, tôi đã cố gắng mày mò, sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm và sử dụng phương pháp kiểm tra danh sách, rà soát danh sách đề nghị in thẻ BHYT trên phần mềm Excel. Việc loại trừ sẽ xác định trùng đối tượng nếu qua kiểm tra, rà soát phát hiện có cùng 3 yếu tố gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi ở. Bằng phương pháp này, tôi đã loại trừ được nhiều trường hợp cấp trùng thẻ nhất là đối tượng hộ nghèo, dân tộc thiểu số. Tính hết năm 2012, tôi đã kiểm tra và loại trừ hơn 1.250 đối tượng lập danh sách nhiều lần trong cùng một đơn vị, hạn chế thất thoát quỹ BHYT cho ngành BHXH. Năm 2013, tôi tiếp tục áp dụng phương pháp này để rà soát danh sách in thẻ, từ đầu năm đến nay đã loại trừ được gần 1 nghìn thẻ, góp phần hạn chế mức thấp nhất cấp thẻ trùng trên địa bàn.
Từ việc loại trừ trong danh sách đề nghị cấp thẻ nên việc cấp thẻ trùng trên thực tế đã được giảm đi nhiều. Theo thống kê từ đầu năm 2013 đến nay có khoảng 500 thẻ. Tại Lộc Bình chủ yếu là trùng ở đối tượng thân nhân sỹ quan, cựu chiến binh. Hai đối tượng này không thuộc BHXH huyện quản lý và cấp sổ thẻ. Vì vậy việc so sánh, đối chiếu, rà soát để loại bỏ các trường hợp 1 cá nhân được lập danh sách cấp thẻ nhiều lần là khó khăn, vì thế dẫn đến tình trạng cấp trùng thẻ BHYT vẫn còn xảy ra ở địa bàn. Hiệu quả trong thực hiện rà soát, loại trừ các trường hợp đề nghị cấp thẻ trùng trên phần mềm Excel theo sáng kiến của đồng chí Duy hiện vẫn tiếp tục được áp dụng tại BHXH Lộc Bình. Tuy nhiên, phương pháp này cũng mới chỉ loại trừ được theo nhóm đối tượng chứ chưa thực hiện được hết với tất cả các đối tượng. Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc BHXH huyện Lộc Bình trăn trở: Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo các đồng chí phụ trách công nghệ thông tin nghiên cứu xem có thể ứng dụng được phần mềm nào để đưa các đối tượng vào chung danh sách, giúp quản lý dễ dàng, việc rà soát, loại trừ các đối tượng trùng tên, năm sinh, địa chỉ nơi ở cũng thuận tiện hơn. Một cách khác nữa chúng tôi đề xuất là nên chăng kéo dài giá trị sử dụng thẻ cho các nhóm đối tượng, có thể tới 3 hoặc 5 năm, riêng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo thì cấp hàng năm theo danh sách bình xét hộ nghèo hàng năm.
Hiện nay, tình trạng cấp trùng thẻ BHYT với số lượng nhiều, gây thất thoát ngân sách nhà nước khiến cho các ngành lúng túng trong vấn đề xử lý, nhất là kinh phí in thẻ. Và theo đó, hiện cũng chưa có phương pháp tối ưu để thực hiện đồng bộ hóa, chưa có phần mềm chung để thực hiện việc rà soát một cách khoa học, hiệu quả cao. Từ thực trạng chung này, cách làm ở Lộc Bình cũng là một giải pháp hiệu quả nhưng về lâu dài, thiết nghĩ, các ngành liên quan như LĐTB&XH, tài chính, BHXH cần sớm có những giải pháp cụ thể để hướng dẫn các địa phương thực hiện việc cấp thẻ BHYT hiệu quả theo phương châm: mỗi người có một tấm thẻ BHYT, hướng đến thực hiện BHYT toàn dân trong thời gian tới.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()