Giải pháp gỡ “rào cản” cho Nhiệt điện Thái Bình 2
Được kỳ vọng khi đi vào vận hành thương mại, Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 (tổng công suất 1.200 MW) sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỷ kW giờ điện mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội đất nước, thế nhưng, dự án trải qua quá nhiều thăng trầm, nếu không có những giải pháp kịp thời, mạnh mẽ về cơ chế, hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ đứng trước nguy cơ “mất trắng”, gây lãng phí rất lớn đối với nền kinh tế đất nước.
Mỗi ngày “bay hơi” hơn 10 tỷ đồng
Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể dự án NMNĐ Thái Bình 2 đạt khoảng 86%, trong đó thiết kế đạt 99,89%, mua sắm đạt 99,71%, gia công chế tạo đạt 94,4%, thi công đạt 84,1%, chạy thử đạt 12,75%. Về cơ bản, dự án đã hoàn thành gần như toàn bộ quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị, chỉ còn công tác hoàn thiện một số hạng mục còn lại, bao gồm hệ thống băng tải than và hoàn thành chạy thử là sẽ phát điện lên hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, để “bơi” nốt quãng đường còn lại là vấn đề không đơn giản. Đến nay, dự án đã giải ngân được hơn 33.600 tỷ đồng, giá trị khối lượng còn lại chưa thực hiện theo tổng mức đầu tư (TMĐT) điều chỉnh hơn 7.000 tỷ đồng. Chỉ còn đoạn đường ngắn, nhưng phía trước còn vô số “chông gai”, khiến dự án đang ở trong tình trạng gần như “đắp chiếu”. Được biết, trong quá khứ dự án này đã để xảy ra một số vi phạm như chỉ định thầu (giá thấp); Tổng thầu EPC (Tổng công ty Xây lắp Dầu khí – PVC) sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích, sai quy định 1.115 tỷ đồng (đã được thu hồi đủ); TMĐT ban đầu của dự án được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thẩm định và phê duyệt là hơn 31.500 tỷ đồng. Trong quá trình đầu tư dự án, trên cơ sở kết quả thẩm định của các bộ: Công thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, PVN đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh TMĐT dự án (lần 2) lên gần 41.800 tỷ đồng. Đồng thời, các sai phạm trước đây đã được các cơ quan pháp luật khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, TMĐT điều chỉnh và giá trị hợp đồng EPC điều chỉnh của dự án so với mặt bằng giá và suất đầu tư của các dự án điện tương tự khác vẫn thấp hơn. Ngoài ra, với hàng loạt các vướng mắc đang tồn tại khiến dự án rơi vào tình trạng gần như bế tắc. Trưởng ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng tiếc rẻ: “Trước đây, mỗi ngày công trường có hơn 1.000 kỹ sư, người lao động làm việc thì nay rất thưa thớt, chỉ từ 50 đến 100 người, chủ yếu để duy trì các công việc bắt buộc nhằm bảo đảm an toàn, chất lượng thiết bị và một số công việc khác. Lý do là người lao động và các đơn vị lo sợ vướng mắc pháp lý và không được giải ngân, đồng thời các ngân hàng từ chối cấp tín dụng nên không thể và không muốn tiếp tục công việc. Hàng loạt cán bộ, kỹ sư có trình độ tay nghề cao đều dứt áo ra đi trong nuối tiếc để chuyển tới nơi khác làm việc có thu nhập tốt hơn, an toàn hơn”. Từ năm 2018 đến nay, hơn 50 cán bộ Ban Quản lý dự án đã xin chuyển công tác. Tại Ban Điều hành PVC, số lượng cán bộ, chuyên viên xin chuyển việc còn cao hơn. Đây là sự chảy máu chất xám rất lớn. Điều đáng lo ngại nữa là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc huy động chuyên gia quốc tế hỗ trợ và phục vụ việc chạy thử, vận hành các hệ thống thiết bị, cung cấp vật tư, tổ chức thi công các hạng mục dang dở,… đang hết sức khó khăn, chậm trễ khiến chi phí tăng và tiến độ bị kéo dài do các hạn chế về nhập cảnh, không có các chuyến bay thương mại và tranh chấp về chi phí chuyên gia trong thời gian cách ly theo quy định ở mỗi nước. Không chỉ vậy, dự án đang phải đối mặt với các chi phí phát sinh ngày một gia tăng nếu tiếp tục kéo dài tiến độ như lãi vay, bảo hiểm, tỷ giá, phí quản lý dự án, bảo dưỡng, bảo hành thiết bị,… Ước tính sơ bộ, các phát sinh, tổn thất tại dự án này lên đến 12,2 tỷ đồng/ngày (gồm phát sinh trực tiếp 2,6 tỷ đồng và tổn thất gián tiếp 9,6 tỷ đồng). Đó còn chưa kể đến những chi phí cũng rất lớn về nguyên nhiên liệu, điện, sửa chữa, thay thế vật tư, thiết bị do hỏng hóc và tổn thất của các nhà thầu, doanh nghiệp thực hiện dự án.
Gấp rút gỡ vướng, sớm vận hành nhà máy
Theo đánh giá của đại diện PVN, khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện dự án này chính là cơ chế. Đối với những vấn đề chưa có quy định hoặc chưa rõ, PVN đã báo cáo và chỉ thực hiện khi được chấp thuận của cấp có thẩm quyền. Cần phải nói thêm, dự án “đặc biệt” này đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm. Bằng Thông báo số 42/TB-VPCP ngày 25-3-2020, Thường trực Chính phủ đã kết luận, đồng ý để PVN tiếp tục hoàn thành dự án và sử dụng vốn chủ sở hữu để giải ngân, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản chính thức cho phép PVN được sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trên cơ sở bảo đảm đúng mục đích, đạt hiệu quả theo quy định của pháp luật để đưa nhà máy sớm vận hành. Chủ đầu tư PVN còn thuê cả đơn vị tư vấn độc lập tính toán các kịch bản, kết quả cho thấy dự án vẫn có khả năng thu hồi vốn và hiệu quả kinh tế. Như vậy, có thể khẳng định rằng, mục tiêu cuối cùng là phải hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất có thể. Mặc dù đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với niềm tin về nguồn vốn đã được tháo gỡ, từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5, PVN và Tổng thầu EPC cùng các đơn vị đã tích cực tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy tiến độ dự án, khối lượng thi công lắp đặt thời gian này tăng khoảng 1,8%.
Những tưởng “rào cản” về cơ chế đã được gỡ bỏ, niềm tin của các nhà thầu trở lại, tiến độ dự án được tiếp sức, trên đà băng về đích thì những vướng mắc về áp dụng cơ chế 2414 (Quyết định số 2414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), điều chỉnh TMĐT, điều chỉnh giá hợp đồng EPC,… lại tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Cơ chế 2414 không có hướng dẫn cho dự án chuyển tiếp, hệ thống văn bản pháp lý liên quan có nhiều thay đổi, chưa thống nhất, đồng bộ, dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, khó vận dụng và tạo ra nhiều rủi ro trong cả khâu tham mưu, đề xuất và quyết định. Mặc dù TMĐT điều chỉnh và hình thức hợp đồng EPC được PVN thực hiện sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ là chưa đúng quy định cho nên cần phải tiếp tục được làm rõ và báo cáo phương án thực hiện. Tiếp đến là các vướng mắc khác như áp dụng định mức, đơn giá; một số hạng mục chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp lập dự toán chi tiết,… cũng ảnh hưởng đến khả năng sớm hoàn thành dự án.
Ông Nguyễn Thành Hưởng cho biết, một vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là chất lượng các thiết bị liệu có bảo đảm khi dự án đã “treo” ba năm qua. Trong thực tế, chỉ có thể tiến hành chạy thử mới có thể khẳng định được chất lượng thiết bị đã lắp đặt. Tuy nhiên, các chuyên gia am hiểu kỹ thuật đã nhiều lần khẳng định, vấn đề này vẫn trong tầm kiểm soát, công tác kiểm định thiết bị luôn được các đơn vị liên quan thực hiện đều đặn. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã tổ chức 11 đợt kiểm tra, đồng thời các chuyên gia của hãng Toshiba (Nhật Bản) cũng đã tiến hành kiểm tra tua-bin, kết quả đánh giá bảo đảm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, do tiến độ kéo dài, thời hạn bảo hành thiết bị chính đã hết, năng lực bảo quản, bảo dưỡng của PVC hạn chế, cho nên muốn duy trì chất lượng thiết bị, không còn cách nào khác là phải thúc đẩy tiến độ, hoàn thành chạy thử, sớm đưa hệ thống vào vận hành. Để có cơ sở hoàn thành dự án, PVN kiến nghị cho phép dự án được tiếp tục kế thừa cơ sở pháp lý, hiện trạng dự án đã được cấp thẩm quyền chấp thuận, bao gồm: Về cơ chế, được tiếp tục áp dụng cơ chế theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg. Về TMĐT, thực hiện quản lý chi phí, thanh quyết toán và tính toán giá điện theo TMĐT điều chỉnh lần 2 đã được phê duyệt. Về Tổng thầu EPC và hợp đồng EPC, duy trì PVC là Tổng thầu EPC và tiếp tục thực hiện theo Hợp đồng EPC điều chỉnh, bao gồm các phụ lục đã ký. Để bảo đảm hoàn thành dự án, PVN sẽ chủ động cắt giảm phạm vi công việc, hợp đồng EPC đối với những công việc Tổng thầu PVC triển khai chậm, gặp khó khăn để chủ đầu tư tổ chức thực hiện,… “Những sai phạm trong quá trình triển khai dự án trước đây đã được các cơ quan chức năng xử lý, những người vi phạm đã bị trả giá. Tất cả các rủi ro của dự án về chi phí, chất lượng, đều gắn liền với tiến độ. Muốn thúc đẩy tiến độ dự án, cần có cơ chế, hành lang pháp lý cho dự án tiếp tục thực hiện và sớm hoàn thành. Đến nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trên cơ sở xem xét các báo cáo của PVN và ý kiến các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thống nhất chủ trương xuyên suốt là tiếp tục thực hiện, hoàn thành dự án, cụ thể là kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 42”, ông Hưởng phân tích.
Cùng chung nhận định, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Đào Phan Long cho rằng, dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã sắp “hái được trái ngọt”. Việc để tiến độ dự án giậm chân tại chỗ ba năm nay khiến hiệu quả giảm sút, gây lãng phí lớn có trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Xử lý các đối tượng vi phạm là cần thiết, nhưng bài toán kinh tế, hiệu quả của dự án cần được đặt ra cấp thiết hơn. Bài học từ dự án NMNĐ Thái Bình 2 có thể coi là điển hình của sự lãng phí, thiệt hại lớn đối với nền kinh tế, đòi hỏi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần sớm có các quyết sách phù hợp, chủ động và mạnh mẽ, quyết liệt hơn, trong đó cần xác định rõ mục tiêu sớm đưa nhà máy vào vận hành để cân đối dòng tiền, đồng thời khu biệt phần sai phạm để xử lý dứt điểm, nhưng cũng tạo cơ chế thông thoáng, xóa bỏ tư duy e dè khi “đặt bút ký” tiếp tục triển khai dự án. Thời gian qua, Thường trực Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo quyết liệt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan cùng với PVN xử lý và tháo gỡ các vướng mắc của dự án. Bằng các Thông báo số 116/TB-VPCP ngày 1-9-2020 và số 137/TB-VPCP ngày 23-10-2020 của Thường trực Chính phủ, đã thể hiện khẳng định chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ là cần tiếp tục thực hiện, hoàn thành xây dựng, đưa nhà máy điện vào vận hành. Với tình trạng hiện nay của dự án, việc kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn từ các cấp thẩm quyền sẽ tạo những hiệu ứng tích cực từ chủ đầu tư, địa phương, đến các nhà thầu thi công sớm thi công, tiếp tục triển khai hoàn thành dự án.
Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm, mỗi năm sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỷ kW giờ. Theo tính toán của Bộ Công thương, sản lượng điện thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kW giờ, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kW giờ, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kW giờ (tương ứng 5% nhu cầu). Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này chính là nhiều dự án nguồn điện lớn bị vướng mắc, chậm tiến độ so với quy hoạch như Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1, Quảng Trạch 1, Nhơn Trạch 3 và 4, Thủy điện Hòa Bình mở rộng và Ialy mở rộng,… Do đó, hy vọng với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại các thông báo kết luận nêu trên, sẽ có hướng dẫn các thủ tục pháp lý và tháo gỡ được các vướng mắc còn tồn tại để dự án được nhanh chóng tiếp tục triển khai, hoàn thành đi vào vận hành thương mại trong thời gian sớm nhất, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và tránh được nguy cơ mất trắng hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng đã đầu tư.
Gỡ vướng cho NMNĐ Thái Bình 2 cần phải rõ ràng, ban hành ngay những cơ chế cụ thể, mạnh mẽ để các bên liên quan có cơ sở và niềm tin tiếp tục triển khai. Các đơn vị của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) vẫn sẵn sàng chia sẻ khó khăn trên công trường, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện những công việc có thể triển khai được cho dù khả năng thanh toán của dự án còn “bấp bênh”. Nếu tình trạng dự án còn “treo” kéo dài, đến lúc khả năng tài chính của các nhà thầu không bảo đảm, trong khi lực lượng thi công am hiểu công trường hầu hết đều chuyển đi làm nơi khác, thì khả năng khởi động lại dự án và đẩy nhanh tiến độ sẽ ngày một khó khăn hơn.
LÊ VĂN TUẤN
Tổng Giám đốc LILAMA
Ý kiến ()