Giải pháp giảm tai nạn giao thông
LSO-Thiết bị theo dõi nhịp tim để cảnh báo buồn ngủ cho tài xế do nhóm học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn chế tạo là sản phẩm theo dõi sự thay đổi nhịp tim khi cơ thể rơi vào trạng thái buồn ngủ để kịp thời cảnh báo lái xe. Từ đó giúp tài xế điều khiển phương tiện an toàn, góp phần làm giảm tai nạn giao thông.
Nhóm nghiên cứu thử nghiệm thiết bị theo dõi nhịp tim để cảnh báo buồn ngủ cho tài xế |
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có đến 30% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xuất phát từ việc lái xe buồn ngủ, ngủ khi đang điều khiển phương tiện. Từ thực tế đó đã thôi thúc 2 em Đỗ Quang Bách và Thân Đức Hải – học sinh lớp 12D1, Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn nghiên cứu một thiết bị phát hiện tài xế buồn ngủ.
Trong khi chưa có lời giải cho bài toán khó thì trong 1 lần Hải được Bách đưa đến trường, em đã ngủ gật sau lưng bạn. Khi thấy bạn ngủ gật đổ người vào lưng mình, Bách phát hiện ra nhịp tim trong lúc ngủ của Hải chậm hơn khi thức. Để khẳng định phát hiện của mình đúng, 2 em tiến hành thu thập số liệu trên 50 người, độ tuổi từ 18 đến 30 và từ 31 đến 55. Đây là nhóm tuổi thường xuyên phải lao động, học tập và có cùng điểm chung là thường xuyên sử dụng các phương tiện giao thông như: xe máy, xe đạp điện, ô tô. Kết quả cho thấy, khi con người rơi vào giấc ngủ nhẹ, nhịp tim giảm so với mức bình thường. Nếu tiếp tục ngủ thì nhịp tim sẽ giảm tiếp. Độ giảm của nhịp tim dao động từ 9% đến 15,77%. Từ ý tưởng, tháng 9/2017, nhóm nghiên cứu Đỗ Quang Bách và Thân Đức Hải bắt tay vào thực hiện đề tài chế tạo thiết bị theo dõi nhịp tim để cảnh báo buồn ngủ cho tài xế.
Về lý thuyết thì đã rõ, nhưng làm sao để biến ý tưởng thành hiện thực là bài toán khó đối với nhóm nghiên cứu. Bắt tay vào thực hiện ý tưởng, nhóm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: tạo ra thiết bị cảm biến nhịp tim, viết phầm mềm, người dùng đeo thiết bị ở đâu trên cơ thể, chế tạo thiết bị sao cho nhỏ gọn, không ảnh hưởng đến người dùng khi lái xe…
Ông Bùi Văn Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An cho biết: Sau khi các em trình bày ý tưởng, Ban giám hiệu nhận thấy đây là ý tưởng tốt và có tính ứng dụng cao. Do đó, bên cạnh phân công giáo viên trực tiếp hướng dẫn, chúng tôi còn chủ động liên hệ với giáo sư, phó giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực y học, chế tạo máy thông minh để tham vấn ý kiến và được giải đáp kịp thời khi có vướng mắc.
“Trái tim” của thiết bị là bộ phận cảm biến nhịp tim và ô xi trong máu. Thiết bị sẽ liên tục đo nhịp tim của lái xe. Bộ phận này được nối với thiết bị lưu trữ, đèn, chuông, bộ rung… Cùng đó, năng lượng để vận hành là pin lithium 3V nhỏ gọn, dễ sử dụng. Kiểm tra trên cơ thể, vị trí đo nhịp tim tốt nhất là khu vực có nhiều đầu dây thần kinh. Do đó, cổ tay là vị trí được chọn, đồng thời nó cũng tiện lợi cho lái xe trong quá trình làm việc. Về tổng thể, thiết bị theo dõi nhịp tim để cảnh báo buồn ngủ cho tài xế có thiết kế nhỏ gọn như 1 chiếc đồng hồ đeo tay. Trên thiết bị có tích hợp màn hình LCD hiển thị nhịp tim hiện tại và nhịp tim tiêu chuẩn, nút tăng, giảm nhịp tim tiêu chuẩn để người dùng thiết lập nhịp tim hiện tại của mình và có thể sử dụng liên tục trong 18 giờ. Đeo thiết bị này vào tay, thiết lập thông số, cứ 1,5 – 2 giây, máy đo nhịp tim 1 lần. Khi lái xe rơi vào trạng thái buồn ngủ, thiết bị sẽ cảnh báo bằng cách liên tục rung, phát ra âm thanh, ánh sáng.
Nhóm tác giả đưa thiết bị vào sử dụng trong thực tế trên 2 tài xế vào khoảng thời gian từ 20 đến 23 giờ và từ 23 giờ đến 1 giờ sáng, với quãng đường từ Hà Nội đến Lạng Sơn. Lái xe tuy không ngủ gật nhưng có biểu hiện mệt mỏi, mất tập trung, lúc này, thiết bị hiển thị sự thay đổi về nhịp tim người dùng. Nhóm nhiên cứu Đỗ Quang Bách, Thân Đức Hải cho biết: Nếu sản xuất với số lượng 100 thiết bị theo dõi nhịp tim để cảnh báo buồn ngủ cho tài xế thì sản phẩm này chỉ có giá khoảng 200.000 đồng.
Với những ưu điểm cũng như tính ứng dụng cao trong thực tiễn, thiết bị theo dõi nhịp tim để cảnh báo buồn ngủ cho tài xế của nhóm nghiên cứu Đỗ Quang Bách, Thân Đức Hải đã xuất sắc giành giải ba tại cuộc thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2018. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để cải tiến sản phẩm và tích hợp thêm tính năng đo huyết áp của lái xe… Tin rằng, thiết bị này sẽ sớm được sản xuất đại trà và đưa vào đời sống, góp phần giảm tai nạn giao thông.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()